(CAO) Đây là nội dung thảo luận khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) vào sáng 21/4, tại phiên họp thứ 9.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, qua tổng hợp ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội về vấn đề này, hiện vẫn còn có 2 loại ý kiến: một là tán thành với quy định chỉ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người thân thích của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; hai là đề nghị bổ sung quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự và mức bồi thường có thể bằng 1/2 hoặc 1/3 mức bồi thường cho bản thân người bị oan.
Đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, nếu quy định bồi thường cho người thân thích của người bị oan là không phù hợp với quy định về bồi thường trực tiếp cho người bị hại trong Bộ Luật dân sự năm 2015.
Do vậy, đề nghị chỉ quy định bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại chứ không mở rộng đến hàng thừa kế. Bộ trưởng Lê Thành Long phân tích: “Đây hoàn toàn là vấn đề thừa kế chứ không phải là vấn đề bồi thường. Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước hiện hành cũng không quy định về vấn đề này. Hơn nữa kinh nghiệm quốc tế cũng không có nước nào quy định bồi thường cho hàng thừa kế. Ngoài ra, trên thực tế làm vậy cũng mở rộng đối tượng bị thiệt hại theo quy định của Bộ Luật dân sự và không bình đẳng đối với các trường hợp khác. Ngoài ra trên thực tế, Nhà nước cũng sẽ phải chi một khoản tiền bồi thường nhiều hơn trong một vụ việc yêu cầu bồi thường”.
Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp
Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn: Tại sao pháp luật hiện hành không quy định nhưng trong thực tế vừa qua, Tòa án Nhân dân tối cao đã bồi thường cho cả những người thân thích về mặt tinh thần. Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào cho rằng: Trong các vụ việc oan sai thì không chỉ người bị oan chịu tổn thất về tinh thần mà những người thân thích, nhất là vợ chồng, con cái, cha mẹ thuộc hàng thừa kế thứ nhất cũng bị ảnh hưởng.
Do vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cân nhắc quy định này. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đồng tình: “Kể cả người bị oan và người thân thích của họ cũng bị thiệt hại về tinh thần. Gia đình, bố mẹ, vợ con người ta có người phải chịu hậu quả rất nghiêm trọng, con cái bỏ học, bỏ việc, xấu hơn thậm chí là tự vẫn”.
Do đó, “nếu thấy rằng những người đó cần được nhà nước xin lỗi và cũng phải bồi thường thiệt hại cho họ một khoản nhất định để bù đắp về tinh thần cho họ thì tôi nghĩ cũng được thôi” - Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.
Do nội dung này có sự khác nhau giữa các quy định của pháp luật hiện hành với thực tiễn áp dụng và cũng còn ý kiến khác nhau trong quá trình chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.