Đại biểu đề xuất đổi giờ làm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Vẫn phải đảm bảo 8 giờ/ngày

Thứ Sáu, 01/11/2019 10:59

|

(CAO) "Giờ giấc làm việc theo quy chế chung. Ví dụ phía bắc là 8h nhưng phía Nam 7h hoặc 7giờ 30 đã làm, tuỳ thuộc đặc điểm vùng miền. Thống nhất chung cả nước thì rất khó" - Bộ trưởng Nội vụ nêu quan điểm trước đề xuất đổi giờ làm, giờ học.

Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội hôm nay (1-11) về việc đổi giờ học, giờ làm lên 8h30 hoặc 9h theo đề xuất của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Đình) trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội chiều qua (31-10), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân ghi nhận đây là ý kiến cần tham khảo.

Tuy nhiên, để quyết định thay đổi, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, còn nhiều vấn đề liên quan.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trao đổi bên hành lang Quốc hội
“Ví dụ như bố trí giờ làm ở các cơ quan phải đồng bộ với nhau, bố trí giờ làm cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có thể lệch giờ tránh ùn tắc giao thông, chứ cùng trễ hoặc cùng sớm không giải quyết được” – Bộ trưởng Tân nói.

Nhìn nhận tập quán của người Việt là “không nghỉ giờ trưa”, Bộ trưởng Tân cho rằng lâu nay “anh em cũng tranh thủ làm trưa”. Ở cơ quan cũng không có chỗ nghỉ nên ăn cơm xong làm việc ngay, về sớm thì để lo rước con.

Trả lời câu hỏi Bộ Nội vụ đã từng nghiên cứu khảo sát việc này chưa, người đứng đầu ngành nội vụ cho hay chưa nghiên cứu. Ông cũng khẳng định giờ làm hành chính phải phù hợp nhiều cơ quan.

“Giờ giấc làm việc theo quy chế chung. Ví dụ phía Bắc là 8h nhưng phía Nam 7h hoặc 7h30 đã làm, tuỳ thuộc đặc điểm vùng miền. Thống nhất chung cả nước thì rất khó, nên quy định vùng miền, thành phố lớn, có tính đặc thù” – Bộ trưởng nêu quan điểm.

Riêng về giờ làm với công chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh phải đảm bảo nguyên tắc làm việc 8 giờ mỗi ngày.

“Tăng giảm gì cũng theo luật lao động. Hiện cán bộ công chức làm việc hơn 8h, trưa không nghỉ, tối về muộn. Mục đích là chúng ta làm hết việc chứ không phải hết giờ làm” – ông Tân chốt lại.

Trước đó, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành xem xét thấu đáo quy định các cơ quan hành chính trung ương và cơ quan hành chính cấp tỉnh làm việc không sớm hơn 8h sáng, nghỉ trưa một tiếng và chỉ đạo ngành giáo dục có kế hoạch điều chỉnh giờ học, đồng bộ với đổi giờ làm.

Lý lẽ của đề xuất trên, theo đại biểu Cảnh, đi học, đi làm muộn, nghỉ trưa ngắn sẽ đem lại lợi ích về giao thông, tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng giờ làm và kỷ cương làm việc của công chức.

Phân tích kỹ hơn, đại biểu Cảnh chỉ ra, việc đổi giờ làm như trên sẽ giúp gia đình có thời gian dành cho nhau nhiều hơn. Đặc biệt, khoa học đã chỉ ra 7 - 9h sáng là thời gian ruột non hấp thu chất dinh dưỡng tốt nhất. Đây cũng là thời gian để não hoạt động thiên về cảm xúc, nên ăn sáng vào thời thời gian này là phù hợp về tâm sinh lý và cũng nên là bữa ăn chính của gia đình.

Nghỉ trưa khoảng 20 - 30 phút, theo đại biểu Cảnh, là đủ thời gian để phục hồi năng lượng, tỉnh táo, cải thiện trí nhớ, nâng cao hiệu quả làm việc.

“Vậy tại sao chúng ta phải đi làm sớm để không lo được bữa ăn cho bản thân, cho gia đình đúng khoa học. Tại sao chúng ta lãng phí thời gian nghỉ trưa dài, thời gian đi lại mà không dành thời gian để chăm sóc tốt hơn cho gia đình, quan tâm tới việc học, suy nghĩ của trẻ” – đại biểu Cảnh thắc mắc.

Cũng theo đại biểu Bình Định, thức khuya ở đô thị cũng phù hợp với đi làm muộn. Điều này cũng phù hợp với xu hướng hiện nay là phát triển nền kinh tế ban đêm, đóng góp hơn 5% GDP ở nhiều nước.

Đồng bộ giờ làm việc cũng giúp liên thông công việc giữa cơ quan hành chính trung ương về hành chính cấp tỉnh, cấp huyện có đủ thời gian lên cấp tỉnh giải quyết công việc trong một ngày, công chức, người dân có đủ thời gian sống, đi làm, sống xa trung tâm, giảm mật độ tập trung dân cư trong đô thị.

Đổi giờ học, giờ làm, theo đại biểu Cảnh, không chỉ để góp phần giải quyết giao thông ở các đô thị lớn, mà lớn hơn nhiều là nâng cao hiệu quả vừa làm việc, xây dựng tác phong làm việc công nghiệp, giúp cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm sức khỏe tinh thần và thể chất cho trẻ em, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo hướng văn minh, hiện đại.

Bình luận (0)

Lên đầu trang