Đảng lãnh đạo - nhân tố quyết định thắng lợi công tác, chiến đấu của Công an nhân dân

Thứ Sáu, 02/02/2018 23:27  | CAO

|

(CAO) Nhân kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2018), Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an có bài viết quan trọng: “Đảng lãnh đạo - nhân tố quyết định thắng lợi công tác, chiến đấu của Công an nhân dân”. Báo điện tử Công an TP.HCM trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của đồng chí Bộ trưởng.

Công an nhân dân (CAND) là một trong những lực lượng vũ trang nòng cốt của Đảng, Nhà nước, được Đảng, Bác Hồ tổ chức, rèn luyện, lãnh đạo về mọi mặt. Ngay khi mới ra đời trong Cách mạng Tháng Tám (năm 1945), CAND đã góp phần quan trọng cùng các lực lượng cách mạng và nhân dân cả nước đập tan bộ máy cai trị của Nhà nước thực dân, phong kiến, xây dựng chính quyền, Nhà nước cách mạng của nhân dân. Sau khi được củng cố một bước về tổ chức theo Sắc lệnh số 23 ngày 21/2/1946 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lực lượng CAND đã thể hiện vai trò chủ công trong việc làm thất bại mưu đồ lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ của các thế lực phản động trong, ngoài, bảo vệ thành quả cách mạng mà Đảng và nhân dân ta mới giành được. Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, CAND đã cùng Quân đội nhân dân và nhân dân cả nước với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” chiến đấu và chiến thắng chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an

Trước âm mưu chống phá của địch, ngày 25/9/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 25-CT/TW về việc đề phòng gián điệp chui vào hàng ngũ Đảng và các cơ quan chính quyền; ngày 5/5/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về Đảng lãnh đạo Công an; ngày 12/5/1951, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 05-CT/TW về nhiệm vụ và tổ chức Công an, đồng thời chỉ thị cho các cấp ủy đảng cử những cán bộ tin cậy, có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, quan tâm, chỉ đạo sát sao các mặt công tác công an từ cơ sở, địa phương. Ngày 16/2/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 141-SL đổi Nha Công an thuộc Bộ Nội vụ thành Thứ Bộ Công an do một Thứ trưởng phụ trách; tháng 8/1953 đổi tên Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an trực thuộc Hội đồng Chính phủ... Với sự quan tâm của Đảng, Bác Hồ, lực lượng CAND ngày càng lớn mạnh về tổ chức, trưởng thành trong công tác, chiến đấu và có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mở ra giai đoạn mới - xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng về đường lối cách mạng, về xây dựng, củng cố, kiện toàn lực lượng, về biện pháp công tác, chiến đấu của CAND ở cả hai miền Nam - Bắc, như: Chỉ thị số 30/CT-TW ngày 20/6/1956 về việc thành lập ngành Cảnh sát nhân dân và Cục Cảnh sát; Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 30/10/1956 quyết định thành lập Đảng đoàn Bộ Công an; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (tháng 1/1959) về đường lối cách mạng miền Nam; Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 19/11/1958 về việc xây dựng lực lượng Cảnh vệ nội địa và biên cương; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 20/1/1962 về việc tăng cường đấu tranh chống các bọn phản cách mạng để phục vụ tốt công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh nhằm thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà; Nghị quyết số 40-NQ/TW ngày 20/1/1962 về vấn đề củng cố và tăng cường lực lượng Công an... Cùng sự lãnh đạo bằng đường lối, Đảng đã cử nhiều cán bộ ưu tú của Đảng sang trực tiếp tham gia lãnh đạo, chỉ đạo và phụ trách, chăm lo, xây dựng lực lượng, cơ sở pháp lý và bảo đảm điều kiện vật chất để CAND không ngừng lớn mạnh. Đây tiếp tục là yếu tố quan trọng trên hết, quyết định thành tích, chiến công và những đóng góp hết sức to lớn của lực lượng CAND miền Bắc, An ninh miền Nam vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong những ngày đầu thống nhất đất nước còn hết sức nặng nề. Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 29/9/1975 đã nhấn mạnh nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với nhiều nội dung quan trọng. Ngày 2/12/1980, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW về nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, phát triển, bổ sung, xác định các nguyên tắc chỉ đạo, nhiệm vụ và các biện pháp công tác cơ bản cũng như quy định về tổ chức bộ máy của lực lượng CAND. Việc quán triệt, triển khai các nghị quyết của Đảng đã giúp lực lượng CAND tiếp tục có bước phát triển lớn mạnh về tổ chức, thực hiện tốt vai trò nòng cốt, xung kích trên mặt trận bảo vệ an ninh, trật tự, góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định cuộc sống của nhân dân; thực hiện tốt nghĩa vụ quốc tế, kề vai, sát cánh cùng bộ đội và nhân dân các tỉnh biên giới, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc.

Những năm đầu đổi mới, sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, thách thức với đất nước ta về quốc phòng, an ninh hết sức gay gắt. Trước thực tế ấy, trong các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng từ Đại hội VI cho đến nay (Đại hội XII), quy định về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và các nhiệm vụ của công tác quốc phòng, an ninh, trong đó có công tác xây dựng lực lượng CAND và các biện pháp công tác, chiến đấu của CAND luôn được chú trọng, quan tâm, phát triển. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư còn ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị chuyên đề liên quan đến công tác công an, như: Chỉ thị số 60-CT/TW ngày 26/5/1990 về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới; Nghị quyết số 03-NQ/HNTW (khóa VII) ngày 29/6/1992 về nhiệm vụ quốc phòng và bảo vệ an ninh quốc gia, chống diễn biến hòa bình của địch; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới; Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế... Tiếp nối lịch sử, sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước đã quyết định để lực lượng CAND không ngừng lớn mạnh, phát triển vượt bậc, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và nhân dân, lập nhiều chiến công, thành tích xuất sắc, góp phần hết sức quan trọng vào công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Thực tiễn lịch sử anh hùng của CAND Việt Nam cho thấy, quá trình xây dựng, lớn mạnh, trưởng thành, những chiến công, thành tích vẻ vang của CAND Việt Nam đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, sự gắn bó máu thịt và giúp đỡ của quần chúng nhân dân, sự phối hợp, hiệp đồng chiến đấu của Quân đội nhân dân và các lực lượng cách mạng. CAND chỉ biết còn Đảng thì còn mình, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống của nhân dân; ngoài mục tiêu đó ra, CAND không có mục tiêu nào khác.
Hiện nay, bên cạnh xu thế phối hợp, hợp tác, phát triển là chủ đạo, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, tác động đến an ninh, lợi ích của Việt Nam. Các thế lực thù địch, phản động gia tăng hoạt động chống phá, đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, cùng nhiều hình thức phá hoại khác nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trước tác động của mặt trái kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân có biểu hiện phức tạp, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bị lợi dụng. Đây là những yếu tố trực tiếp đe dọa an ninh, trật tự của đất nước, sự tồn vong của Đảng và chế độ, cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Thực tế tình hình đòi hỏi hơn bao giờ hết, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an và Công an các đơn vị, địa phương phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ vinh dự, trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó để tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, vẻ vang, siết chặt đội ngũ, nâng cao hiệu quả công tác, chiến đấu; luôn luôn ghi nhớ, khắc sâu vào tâm trí và thực hiện chân lý: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Còn Đảng thì còn mình”; “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất" (1). Cần thống nhất từ nhận thức, tư duy đến hành động: Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với lực lượng CAND là phương châm, nguyên tắc sống còn trong công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng CAND; từ đó quán triệt, thực hiện tốt những vấn đề cơ bản, trọng tâm sau đây:

Một là, bất luận trong hoàn cảnh, điều kiện nào cũng phải tuân thủ, thực hiện đầy đủ nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với CAND. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong CAND phải tuyệt đối phục tùng sự lãnh đạo của Đảng; chấp hành nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, với Tổ quốc và nhân dân; luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác, chiến đấu. Công tác công an phải bám sát cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm tốt an ninh, trật tự, tạo môi trường hòa bình, ổn định, an toàn, lành mạnh, phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đời sống của nhân dân.

Hai là, để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, lực lượng CAND cần phải phối hợp với Quân đội nhân dân, các bộ, ngành có liên quan, thường xuyên nắm chắc, nhận thức sâu sắc những diễn biến tình hình trong nước, thế giới và khu vực; dự báo đúng, chính xác những nguy cơ, thách thức mới, lường trước những tình huống phức tạp có thể xảy ra ở nhiều cấp độ khác nhau và giải pháp xử lý; kịp thời, chủ động tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước những chủ trương, quyết sách bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc; đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp giữ vững ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và mở rộng quan hệ hợp tác, đối ngoại của đất nước.

Ba là, xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức là yếu tố cơ bản để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CAND. “Kiện toàn tổ chức thành một lực lượng thật vững mạnh” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Thực tế cho thấy, ở đâu, lúc nào lực lượng CAND vững mạnh thì ở đó, lúc đó công tác công an đạt kết quả tốt, do đó, yêu cầu về xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ CAND có đạo đức cách mạng, bản lĩnh giai cấp, có trình độ, năng lực là quan trọng, cơ bản. Theo đó, mỗi cấp ủy đảng, mỗi chi bộ, đảng viên phải trong sạch, vững mạnh, có khả năng “tự bảo vệ”, “tự đề kháng” trước tác động của “diễn biến hòa bình” cũng như mặt trái cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế. Mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND phải đề cao tinh thần cảnh giác, chủ động, nhạy bén, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang; tỉnh táo, kịp thời xử lý các tình huống phức tạp diễn ra trong thực tiễn công tác, chiến đấu theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bốn là, Đảng lãnh đạo CAND theo nguyên tắc tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt. Một trong những phương thức để Đảng thực hiện nguyên tắc trên là Đảng thành lập hệ thống tổ chức đảng tương ứng với hệ thống bộ máy của lực lượng CAND và thông qua đội ngũ đảng viên sinh hoạt trong các tổ chức đảng đó, vì vậy, xây dựng Đảng trong CAND có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Xây dựng Đảng trong CAND trong sạch, vững mạnh về mọi mặt là góp phần giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng CAND, do đó, cần tập trung chăm lo, xây dựng các tổ chức đảng trong CAND trong sạch, vững mạnh; thường xuyên đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, thường xuyên tự phê bình và phê bình; chấp hành nghiêm điều lệnh CAND; tăng cường đoàn kết, nhất trí trong từng tổ chức đảng và đơn vị Công an.

Năm là, trong quán triệt thực hiện chủ trương giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng với CAND, lãnh đạo, chỉ huy các cấp Công an, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng đơn vị, địa phương cần nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo của cấp ủy là một trong những nội dung rất quan trọng của việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác công an; coi đây là yêu cầu, nội dung trọng tâm của phương châm “giữ vững bên trong là chính”, tự bảo vệ trong CAND. Theo đó, cấp ủy đảng, người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương phải nghiêm túc, chỉnh đốn, kiện toàn nâng cao năng lực lãnh đạo mọi mặt công tác của đơn vị, địa phương mình; hoạt động của Công an các đơn vị, địa phương phải bám sát, cụ thể hóa chủ trương, phục tùng sự lãnh đạo của cấp ủy đảng; quán triệt các phương châm, nguyên tắc lãnh đạo và tổ chức hoạt động theo nguyên tắc của Đảng với mọi mặt công tác, đặc biệt là công tác chuyên môn; quán triệt, thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Đảng về tổ chức đảng và chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong CAND. Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương cần tổ chức điều hành đơn vị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; gương mẫu, đi đầu trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi trọng tự phê bình và phê bình, kiểm điểm “tự soi, tự sửa”; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện theo Sáu điều Bác Hồ dạy CAND.

Trong lịch sử anh hùng, vẻ vang, vĩ đại của Đảng ta 88 năm qua, CAND phấn khởi, tự hào luôn nhận được sự tin cậy tuyệt đối của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định để CAND Việt Nam anh hùng lập nên những thành tích, chiến công hiển hách, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng đối với CAND là nguyên tắc cơ bản, nhân tố quyết định sự trưởng thành và thắng lợi trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của lực lượng CAND.

Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị,

Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an

---------------------------------

(1) Phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73, Hà Nội ngày 15/1/2018.

Bình luận (0)

Lên đầu trang