Kỳ thi THPT Quốc gia 2017:

Đáp án Lịch sử sai sót 'kỹ thuật', đề GDCD, Địa lý nhận nhiều góp ý

Thứ Ba, 27/06/2017 21:30

|

(CAO) Do lỗi nhảy ô, nhòe chữ khi sao chép thông tin từ đĩa nén, đáp án môn Lịch sử ngay khi công bố đã có sai sót ở câu hỏi số 22 ở mã đề 302 (ứng với câu số 14, đề 316). Bên cạnh đó, đề thi môn Giáo dục Công dân, Địa lý cũng nhận được nhiều góp ý vì có một số chỗ chưa hợp lý ở một số câu...

Đáp án sai do “kỹ thuật”

Sau khi buổi thi cuối cùng thi tổ hợp các môn Khoa học xã hội – Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 kết thúc. Chiều 24-6, đáp án môn thi Lịch sử đã được công bố trên các phương tiện truyền thông và website của Bộ GD&ĐT. Trong đó, ở câu hỏi số 22 ở mã đề 302 ( ứng với câu số 14, đề 316) có đáp án khiến nhiều người thắc mắc.

Thí sinh thi THPT Quốc gia năm 2017.

Cụ thể, câu hỏi như sau:

“Mỹ chính thức tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất khi thực hiện chiến lược chiến tranh nào ở Miền Nam:

A. Chiến tranh cục bộ

B. Đông Dương hóa chiến tranh

C. Việt Nam hóa chiến tranh

D. Chiến tranh đặc biệt”

Đáp án ban đầu được đưa ra là A. Chiến tranh cục bộ.

Sau đó, ngay trong buổi tối cùng ngày, Bộ GD&ĐT đăng tải phần đáp án (có in dấu đỏ) là phương án D. Chiến tranh đặc biệt.

Lý giải về vấn đề này khi thông tin với báo chí, Phó cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ Bộ Giáo dục & Đào tạo) ông Sái Công Hồng, cho biết nguyên nhân của việc thay đổi đáp án này là do lỗi kỹ thuật.

Cụ thể, theo ông Hồng, do bản đáp án thông tin ban đầu được sao chép từ đĩa nén, có lỗi nhảy ô và nhòe chữ do đó, mới xảy ra sự cố này. Ngay khi phát hiện lỗi kỹ thuật này, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã thay thế bằng động tác scan văn bản cứng (có dấu đỏ) để gửi đi các sở Giáo dục & Đào tạo và đưa lên webside của Bộ về việc thay đổi đáp án đúng của câu hỏi này là đáp án “D. Chiến tranh đặc biệt”.

Trong khi đó, liên quan đến câu hỏi này, trên mạng xã hội cũng phát sinh nhiều tranh luận và có ý kiến cho rằng cách ra đề ở câu hỏi này có vấn đề và có thể có 3 phương án đúng cho câu hỏi này.

Bên cạnh đó, một số ý kiến trên mạng xã hội khi bình luận về câu hỏi này cũng cho rằng, nguyên tắc khi tổ chức đề trắc nghiệm là phải lập luận rõ ràng. Do đó, với câu hỏi này cho thấy, đề đã lập luận vấn đề chưa chặt chẽ nên dễ gây khó khăn cho thí sinh.

Đề thi liên tiếp nhận được góp ý

Trong khi dư luận còn đang tranh luận về “thấu cảm” trong đề thi Ngữ văn; việc một số mã đề thi Vật lý phải đính chính do “lỗi kỹ thuật” và câu chuyện về đề thi và đáp án môn Lịch sử như đã đề cập ở trên. Tiếp theo đó, ở đề thi môn Giáo dục Công dân, một số ý kiến lại cho rằng đề thi có những tình huống pháp lý không rõ ràng, khó hiểu, lập luận chưa chặt chẽ nên dễ gây thiệt thòi cho thí sinh…

Cụ thể, một trong những câu hỏi được mang ra bàn luận là:

“Anh C tung tin đồn thất thiệt về chị T trên mạng xã hội nên chị B kể lại việc này với chị T. Sau khi yêu cầu anh C gỡ bỏ thông tin sai lệch về mình mà không được, chị T rất bực mình. Thương bạn, chị B đã tung tin cả nhà anh C bị nhiễm HIV khiến gia đình anh C bị kỳ thị còn anh C bị trầm cảm. Chị B đã vi phạm pháp luật nào dưới đây:

A. Dân sự.

B. Hình sự.

C. Hành chính.

D. Kỷ luật.”

Thông tin trên Báo Phụ nữ Việt Nam, Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung, giảng viên ĐH Luật TPHCM cho rằng, tình huống pháp lý mà đề nêu ra không có đủ dữ liệu để nhận định chị B tung tin như thế nào, gia đình anh C bị kỳ thị thế nào và anh C bị trầm cảm thế nào. Do đó, hai đáp án “vi phạm pháp luật hình sự” hoặc “hành chính” đều đúng.

Tiếp theo, câu hỏi sau đây cũng được đánh giá là có tình huống không rõ ràng. Cụ thể:

“Chị T nhặt được công văn mật do giám đốc B làm rơi trên đường về nhà rồi mở ra xem rồi nhờ anh P in sao để đăng tải lên mạng xã hội. Nội dung này được anh K chia sẻ trên trang tin cá nhân. Những ai dưới đây đã vi phạm quyền được bảo đảm an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín?

A. Chị T và anh P.

B. Giám đốc B, chị T và anh P.

C. Giám đốc B, chị T, anh P và anh K.

D. Giám đốc B và chị T”.

Tình huống này được cho là không rõ công văn mật là mật ở mức độ nào và việc làm rơi trên đường ra sao. Vì vậy mà việc giám đốc B có vi phạm hay không là rất khó xác định. Do đó, theo đánh giá của giới chuyên môn, dạng đề này sẽ gây khó khăn cho thí sinh…

Về đề thi môn địa lý, thông tin với báo chí thầy Trần Văn Quang, nguyên Tổ trưởng tổ Địa lý trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM nhận xét, đề có câu chưa chuẩn dễ gây hiểu nhầm với thí sinh.

Theo thầy Quang, các câu 68 đề 302 (câu 68 mã đề 301, câu 74 đề 304, câu 74 đề 303) có phần câu hỏi và đáp án chưa chuẩn.

Câu 68 mã đề 302: “Cho biểu đồ Cơ cấu Lao động đang làm việc phần theo ngành kinh tế ở nước ta năm 2006 và 2014 (%).

Căn cứ vào biểu đồ, cho biết nhận xét nào sau đây không đúng về tỉ trọng lao động đang làm việc của các thành phần kinh tế ở nước ta năm 2014 so với năm 2016?

A. Kinh tế ngoài Nhà nước giảm, Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng

B. Kinh tế Nhà nước giảm, Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng

C. Kinh tế Nhà nước tăng, Kinh tế ngoài Nhà nước giảm

D. Kinh tế Nhà nước và Kinh tế ngoài Nhà nước đều giảm”

Theo ý kiến của thầy Quang, phần câu hỏi phải dùng “cơ cấu” thay cho “tỉ trọng”. Bởi vì “cơ cấu” dùng để nói cái chung, còn đi vào từng cái riêng thì phải dùng “tỉ trọng”. Dùng từ chưa chuẩn như trên có thể gây hiểu lầm hoặc làm khó thí sinh.

“Phần đáp án thiếu từ tỉ trọng như vậy chưa chuẩn, lẽ ra phải thêm vào từ tỉ trọng sau chữ tăng (hay sau chữ giảm). Đáp án Kinh tế ngoài Nhà nước giảm, Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng chưa chuẩn mà phải là Kinh tế ngoài Nhà nước giảm tỉ trọng, Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng tỉ trọng….”, thầy Quang cho biết.

Bình luận (0)

Lên đầu trang