Bộ NN&PTNT đang đẩy mạnh tái cơ cấu, sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Ngay trong năm 2017, Bộ sẽ cổ phần hóa (CPH), IPO một số DN như: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN năm 2017 của Bộ NN&PTNT ngày 14/2 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, CPH là cơ hội tái sinh cho các DN, nhưng cũng là nhiệm vụ đầy thách thức.
Bộ trưởng yêu cầu, nguyên tắc CPH phải tuân thủ đúng quy trình pháp luật, minh bạch để bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, chống thất thoát, tiêu cực, do đó phải xác định quyết tâm, trách nhiệm người đứng đầu. Song song quá trình tái cơ cấu cũng thúc đẩy quá trình sản xuất.
Về thực hiện sắp xếp DNNN theo hình thức bán DN, đã đấu giá thành công Công ty TNHH MTV Agrexport Hà Nội và sẽ hoàn thành việc chuyển giao, bàn giao cho người mua trúng đấu giá trong quý I này. Nhưng vẫn còn nhiều đơn vị nhỏ trực thuộc các tổng công ty kinh doanh thua lỗ, vốn đơn vị nhỏ, nên việc chào bán gặp rất nhiều khó khăn, chẳng hạn như Tổng công ty Cà phê Việt Nam có tới 4 đơn vị trực thuộc đăng ký chào bán 2-3 lần vẫn không bán được.
Sau CPH, bên cạnh một số DN kinh doanh có hiệu quả, còn có không ít DN có tỉ lệ vốn Nhà nước tại công ty cổ phần lớn, hoạt động mới chỉ ở mức bảo toàn vốn Nhà nước, chưa phát huy được hiệu quả sử dụng vốn.
Ở một số DN trong và sau CPH, sắp xếp đã bộc lộ và phát sinh những vấn đề cần phải tập trung xử lý và giải quyết như Tổng công ty Chè Việt Nam, Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương, Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc.
Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Bên cạnh CPH, công tác bán và thoái vốn Nhà nước tại các DN cũng được đẩy mạnh. Ông Phạm Quốc Hiển, Vụ trưởng Vụ Quản lý DN (Bộ NN&PTNT) cho hay, kế hoạch của Bộ là ngay trong quý I này phải hoàn thành thoái vốn tại 4 DN, gồm: Tổng công ty Thủy sản Việt Nam, Tổng công ty Mía đường II, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Ngô Việt Nam, Công ty TNHH Tư vấn và Chuyển giao công nghệ Trường Đại học Thủy lợi.
Ngoài ra, với những DN không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, Bộ NN&TPTN cũng đang yêu cầu tiến hành sớm thủ tục, quy trình để bán vốn, đơn cử như đối với Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2017-2020, ngành nông nghiệp sẽ thoái vốn 2.190 tỷ đồng (giá trị sổ sách), riêng năm 2017 thực hiện thoái với giá trị sổ sách dự kiến là 1.643 tỷ đồng.
Đến nay, Bộ đã CPH 12 tổng công ty, công ty trực thuộc Bộ; CPH 3/13 DN khoa học công nghệ thuộc các viện, trường. Bộ đang CPH 3 DN gồm: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Vật tư nông nghiệp; Tổng công ty Lương thực miền Nam.
Đặc biệt, hiện đang có 6 DN của Bộ triển khai quyết toán vốn Nhà nước lần 2. Đó là, Tổng công ty Rau quả, nông sản, Tổng công ty Chè Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH Nhà nước MTV tư vấn và đầu tư phát triển Rau hoa quả; Công ty Xây dựng và Chuyển giao công nghệ thủy lợi; Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, đối với 6 DN này, trong tháng 2 phải xử lý dứt điểm những tồn tại, hoàn thành quyết toán vốn Nhà nước lần 2 và bàn giao sang công ty cổ phần trong quý I/2017, nếu không sẽ sử dụng biện pháp ngoài hành chính.
http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Day-manh-CPH-cac-doanh-nghiep-nong-nghiep-trong-nam-2017/298662.vgp
Đỗ Hương (Theo baochinhphu)