Hiểu bản chất dịch tễ để ứng xử phù hợp với Covid-19

Thứ Hai, 12/07/2021 10:24

|

(CATP) Đừng quá sợ hãi với dịch Covid-19 khi chúng ta đủ tiềm lực và năng lực y tế (YT) dập dịch. Vấn đề là người dân cần hiểu bản chất dịch tễ của Covid-19 để ứng phó khoa học đồng thời hợp tác với chính quyền trong 15 ngày giãn cách, cũng là những ngày cao điểm dập dịch, chặt đứt các chuỗi lây nhiễm. Sau đó là chiến lược vắc-xin, để sống chung một cách khoa học, an toàn với Covid-19 như nhiều quốc gia đang làm.

TPHCM đã qua 3 ngày thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, hầu hết đều chấp hành tốt chủ trương tổng tấn công dập dịch Covid-19 của lãnh đạo thành phố. Giãn cách xã hội là phương thức chống dịch tốt, cần được người dân hợp tác và không nên lo ngại, bởi chúng ta đủ tiềm lực lẫn phương cách để chống dịch hiệu quả, phải tin vào khoa học.

Đừng quá sợ virus SARS-CoV-2!

Sáng 9-7, trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh nhiều xe cứu thương đậu khá nhiều trước Bệnh viện dã chiến (BVDC) số 3 - TP.Thủ Đức (TPHCM), thậm chí có cảnh F0 mệt mỏi chờ đợi, khiến nhiều người hoang mang. Thực ra, đây là hình ảnh được ghi ngày 7-7, khai trương BVDC 3.000 giường chuyên chữa các ca Covid-19, số xe cấp cứu ấy dùng để chuyên chở các ca F0 đang điều trị ở BV khác, thu dung về đây, do phải tiến hành công tác phòng dịch nghiêm ngặt nên các bệnh nhân phải chờ đợi và mệt mỏi là lẽ đương nhiên.

Sợ dịch Covid-19 là tâm lý chung của người dân, tâm lý đó hoàn toàn được thông cảm, khi SARS-CoV-2 trên toàn cầu được ví như quả bom nguyên tử khi nó đã giết chết hơn 4 triệu người trên toàn cầu. Nhưng không nên sợ hãi, vì khi 1 quả bom nguyên tử thả xuống bất kỳ đâu, nhân loại không thể cứu vãn được; còn với dịch Covid-19 tấn công con người, dù thương vong rất lớn, con người phải vất vả chống đỡ nhưng vẫn có thể chiến thắng và nếu không chiến thắng cũng có thể hoàn toàn sống chung với nó được.

Con người vốn thông minh, các loại vắc-xin ngừa Covid-19 đang ra mắt liên tục, Pfizer chuẩn bị trình làng vắc-xin ngừa Covid-19 biến chủng Delta. Con người ngày càng hiểu biết nhiều hơn về SARS-CoV-2, nghĩa là con người đang làm chủ "cuộc chiến" với kẻ thù giấu mặt, không thấy được hình dáng bằng mắt thường này.

Trên thực tế, chính sự thiếu hiểu biết khiến người ta phân biệt đối xử với trường hợp bị cách ly, thậm chí bày tỏ thái độ kỳ thị với những người từ vùng dịch về, dù người đó đã hết thời gian cách ly và có xét nghiệm âm tính nhưng đi đâu cũng bị chỉ chỏ, bàn tán. Ngay cả trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua có nhiều thí sinh (TS) F0, khiến các em khác trở thành F1, mấy trăm ca mắc Covid-19 và nhiều hơn số đó thành F1 gây hoang mang xã hội, buộc dư luận đặt ra câu hỏi vì sao phải tổ chức một "kỳ thi lịch sử" ngay trong mùa Covid như vậy? Nhưng trên thực tế, chắc chắn những TS tuổi 18 này sẽ nhanh chóng khỏi bệnh trong nay mai, vì đơn giản tỉ lệ mắc Covid-19 với những người trẻ như vậy khá thấp, nếu có nhiễm cũng nhẹ hoặc rất nhẹ. Khoa học đã nghiên cứu rất rõ là hơn 80% ca nhiễm SARS-CoV-2 ở đợt dịch thứ 4 này không có triệu chứng, hoặc nhẹ, không cần đặc trị.

Lực lượng y tế tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân

Cần hiểu biết về SARS-CoV-2 để sống chung

Virus này cực độc, những biến chủng đột biến cực kỳ nguy hiểm, lây nhanh nhưng về khoa học, bản chất của nó con người đã hiểu rõ, cần cảnh giác với nó nhưng không nên sợ hãi thái quá. Có 2 thái cực đều không nên: một là coi thường nó, không thực hiện biện pháp phòng dịch đầy đủ chính là tự rước bệnh cho bản thân và cộng đồng; hai là quá sợ hãi nó, có thái độ cực đoan, phân biệt đối xử với người mắc Covid, thậm chí có người lỡ đi qua khu vực "giăng dây", về nhà cả đêm trằn trọc không ngủ được vì cứ nghĩ không biết mình đã nhiễm hay chưa mà quên rằng mình đã mang khẩu trang, thực hiện đúng giãn cách.

Các nước tiên tiến ở châu Âu, Mỹ, Pháp từng coi thường virus SARS-CoV-2 mà có lúc họ xem như 1 loại cúm mùa và phải trả giá bằng những làn sóng Covid nhấn chìm người dân nước mình. Nhưng khi đã hiểu được bản chất của dịch, họ ứng xử rất khoa học, đặc biệt là khi đã có vắc-xin. Chuyện F1, thậm chí F0 ít triệu chứng hoặc nhẹ sẽ cách ly, điều trị tại nhà là bình thường; chỉ những người khó thở, diễn tiến nặng mới nhập viện.

Kinh nghiệm rõ ràng là vậy nhưng ở nước ta phải mất nhiều tháng mới thí điểm cách ly F1 ít có nguy cơ tại nhà, mà lẽ ra nên thực hiện từ lâu để giảm tải cho các khu cách ly tập trung đồng thời giảm lây nhiễm chéo rất nguy hiểm. Tất nhiên vấn đề cách ly F1, thậm chí F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng ít là vấn đề cần được tổ chức, hướng dẫn cụ thể và khoa học, đòi hỏi trình độ hiểu biết về dịch bệnh của công dân, cả cán bộ YT cơ sở, cả các cán bộ liên quan, với thái độ ứng xử hiểu biết, nhân văn, để giúp người dân phòng dịch, điều trị.

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Khu chế xuất Tân Thuận

Diễn biến dịch Covid-19 TPHCM đang rất phức tạp, ca nhiễm mỗi ngày lên đến 3, 4 con số, gần lấp đầy một BVDC, trong đó có hơn 80% là F0 nhẹ. Với tốc độ này, phải chuẩn bị phương án xã hội lẫn YT để số F0 nhẹ điều trị tại nhà, đó cũng là khía cạnh khác để sống chung an toàn với SARS-CoV-2.

Không nên sợ hãi thái quá và cũng không được xem thường dịch, đặc biệt với biến chủng Delta, nhưng khoa học dịch tễ về Covid hiện đang có những bước tiến rất xa, Việt Nam hoàn toàn có thể tổ chức khống chế dịch trong tầm tay. Khống chế dịch Covid-19, nghĩa là cắt đứt những chuỗi lây nhiễm chứ chưa thể chấm dứt dịch, chiến lược vẫn là vắc-xin, chỉ có cách sống chung với nó một cách khoa học và an toàn cho cộng đồng với chiến lược này. Đó là lý do các chuyên gia phải hoạch định chiến lược sống chung với Covid-19 như Singapore, Úc, Anh, Mỹ... đang làm. Và đó cũng là lý do Việt Nam phải bắt đầu nghiên cứu chiến lược sống chung với Covid-19, bảo đảm sao cho cộng đồng được bảo vệ từ những ảnh hưởng nặng nề của virus, bởi chỉ có thể dập dịch chứ chưa thể tiêu diệt hết virus SARS-CoV-2.

Với quyết tâm truy vết F0, loại bỏ các nguồn lây trong cộng đồng, TPHCM đã thành lập Trung tâm điều phối xét nghiệm để phục vụ công tác truy vết, xét nghiệm nhanh các khu vực có nguy cơ cao, tìm nguồn F0.

Sáng 11-7, phát biểu tại buổi giao ban với lãnh đạo TPHCM về công tác chống dịch Covid-19, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 - yêu cầu Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ YT tại TPHCM khẩn trương đánh giá lại công tác theo dõi sức khỏe, điều trị F0 không có triệu chứng để điều chỉnh phù hợp; tiếp tục triển khai cách ly F1 tại nhà bảo đảm an toàn và đặt yêu cầu sau 15 ngày giãn cách, dập dịch phải đưa TPHCM cơ bản trở lại cuộc sống bình thường mới. Đó cũng là một cách sống chung khoa học và an toàn với dịch Covid-19.

Điều cơ bản vẫn là chiến lược vắc-xin. Bộ YT đã triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 từ tháng 7-2021 tới tháng 4-2022, với mục tiêu ít nhất 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm trong năm 2021 và đến hết tháng 1-2022 sẽ tiêm vắc-xin trên 70% dân số nhằm đạt miễn dịch cộng đồng. Đây là biện pháp phòng chống Covid-19 chủ động nhất, chiến lược nhất, để đủ điều kiện sống chung với Covid-19 an toàn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang