Khánh thành bia tưởng niệm liệt sỹ đồi Pháo Thủ tại Bắc Ninh

Thứ Bảy, 12/08/2017 19:46  | Quốc Huy

|

(CAO) Nhằm tri ân các gia đình thương binh, liệt sỹ, các gia đình có công với cách mạng, sáng 12-8, tại TP.Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) diễn ra lễ khánh thành bia tưởng niệm liệt sỹ tại đồi Pháo Thủ.

Các đại biểu tham dự cắt băng khánh thành

Đến dự buổi lễ có các đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban dân vận Trung ương; Trần Văn Túy, Ủy viên Ban thường vụ Quốc Hội, Trưởng Ban dân biểu Quốc hội; Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyễn Nhân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh; Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên UVTW Đảng, nguyên Tư lệnh quân khu 4 cùng nhiều cựu binh, thân nhân các Liệt sỹ Lữ đoàn pháo phòng không 226 cùng lãnh đạo Công ty TNHH phát triển du lịch quốc tế Phượng Hoàng…

Tại buổi lễ, Đại tá Trịnh Vĩnh Pha, Trưởng Ban liên lạc Lữ đoàn pháo phòng không 226 - Quân khu 9 cho biết: “Lữ đoàn Pháo phòng không 226 - Quân khu 9 hiện nay (trước đây là Trung đoàn pháo phòng không 226, còn có tên gọi là Đoàn pháo cao xạ Quang Trung, thuộc Quân chủng Phòng không không quân), được thành lập năm 1965 tại thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Do tính chất và đặc điểm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ vùng trời của Tổ quốc, bảo vệ các mục tiêu quan trọng và làm nghĩa vụ quốc tế nên nhiệm vụ của lữ đoàn liên tục thay đổi, cơ động để luôn sẵn sàng chiến đấu. Bước chân của cán bộ, chiến sỹ lữ đoàn đã in dấu trên nhiều nẻo đường chiến dịch ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam và nước bạn Lào, Campuchia”…

Các đại biểu tham dự cắt băng khánh thành và thắp hương tại khu bia tưởng niệm các liệt sỹ

Từ tháng 3-1967 đến tháng 1-1968, tại trận địa bảo vệ cầu Đáp Cầu (TP.Bắc Ninh hiện nay), Lữ đoàn 226 đóng quân trên đồi Pháo Thủ và một số khu vực lân cận, đã đương đầu với gần 500 lượt máy bay Mỹ đánh phá ác liệt cây cầu bắc qua sông Như Nguyệt, là tuyến giao thông huyết mạch của quốc lộ 1. Lữ đoàn 226 đã đánh 40 trận, tiêu diệt 8 máy bay địch, bắt sống 5 giặc lái. Tiêu biểu là trận đánh ngày 17-10-1967, cụm phòng không bảo vệ cầu Đáp Cầu đã bắn rơi 5 máy bay F105D, trong đó 4 chiếc rơi tại chỗ, bắt sống 4 giặc lái… Trong thời gian bảo vệ cầu Đáp Cầu, theo số liệu chưa đầy đủ, đã có 28 cán bộ, chiến sỹ của Lữ đoàn 226 hi sinh, 40 đồng chí bị thương. Lữ đoàn 226 và 3 tiểu đoàn trực thuộc đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đặc biệt, cùng với nhiều trận địa tại tỉnh Hà Bắc cũ, cao điểm 50 – đồi Pháo Thủ cũng chính là điểm pháo cao xạ bảo vệ từ xa vùng trời thủ đô Hà Nội trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cùng quân và dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm, đánh tan âm mưu của giặc Mỹ muốn biến Việt nam ta trở về thời kì đồ đá. Chính nơi đây bài hát “Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa” nổi tiếng đã được ra đời từ cảm xúc của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý khi chứng kiến tình cảm giữa quân và dân sâu đậm “như cá với nước”.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng với các cựu quân nhân Việt Nam, các thân nhân gia đình liệt sỹ chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ

Nửa thế kỷ sau những trận đánh đi vào lịch sử, các cựu binh Lữ đoàn 226 ở khắp trong nam, ngoài bắc hội tụ về đồi Pháo Thủ, xúc động thăm lại trận địa năm xưa và dự lễ khánh thành bia tưởng niệm. Bia tạc bằng đá kim sa đen cao 2,55m, rộng 2,1m; lư hương tạc từ đá trắng Nghệ An. Bia được đặt trên bệ cao trong khuôn viên đẹp, linh thiêng ở đỉnh đồi Pháo Thủ, do Công ty Phượng Hoàng đầu tư, xây dựng. Nội dung khắc trên bia tóm tắt lịch sử, chiến công của Lữ đoàn 226 và tên tuổi, quê quán của 28 liệt sỹ đã hi sinh. Trong đó đã tìm thấy 14 bia, mộ liệt sĩ, hiện còn lại 14 liệt sỹ Ban liên lạc và các cơ quan liên quan đang tiếp tục tìm kiếm.

Tại buổi lễ, các đại biểu đã tham gia cắt băng khánh thành bia tưởng niệm và ôn lại truyền thống vẻ vang của đơn vị qua các thời kì. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công ty TNHH phát triển du lịch quốc tế Phượng Hoàng xúc động cho biết: “Công ty Phượng Hoàng có vinh dự được tọa lạc trên đồi Pháo Thủ, một địa danh linh thiêng và hào hùng của dân tộc đã ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cán bộ, nhân viên công ty luôn tâm niệm phải xứng đáng với sự hi sinh của thế hệ cha anh, hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh doanh và đóng góp vào công tác an sinh xã hội, tri ân đồng chí, đồng bào. Chúng tôi xin hứa sẽ cùng với Ban liên lạc tìm kiếm đầy đủ danh tính và thân nhân của 14 liệt sỹ còn lại để có những việc làm cụ thể, thiết thực bù đắp sự hi sinh to lớn của các liệt sỹ”.

Đồng chí Nguyễn Quốc Thước phát biểu tại buổi lễ
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch công ty Phượng Hoàng tặng 100 triệu đồng cho đại diện Ban liên lạc Lữ đoàn 226

Phát biểu tại buổi lễ ông Nguyễn Quốc Thước, nguyên UVTW Đảng, nguyên Tư lệnh quân khu 4 đã xúc động bày tỏ lòng biết ơn thân nhân các gia đình liệt sỹ, tri ân 28 liệt sỹ Lữ đoàn 266 đã anh dũng hy sinh để bảo vệ bầu trời Bắc Ninh nói riêng, bầu trời Thủ đô Hà Nội từ xa nói chung. Ông Nguyễn Quốc Thước cũng mong muốn rằng cho dù có khó khăn đến đâu cũng cố gắng huy động tất cả các nguồn lực để tìm cho bằng được các liệt sỹ còn mất tích để đền đáp sự hy sinh mất mát to lớn của các liệt sỹ Lữ đoàn 226 nói riêng, các anh hùng liệt sỹ nói chung trên cả nước đã anh dũng hy sinh trên mọi mặt trận của cả ba miền Bắc, Trung, Nam… để dành lại nền Độc lập - Tự do cho chúng ta như ngày hôm nay.

Nhân dịp này, thay mặt cán bộ, nhân viên Công ty TNHH phát triển du lịch quốc tế Phượng Hoàng, ông Nguyễn Văn Hùng đã trao 100 triệu đồng tặng Ban Liên lạc bạn chiến đấu Lữ đoàn 226; Ban tổ chức buổi lễ cũng trao tặng 14 thân nhân liệt sỹ số tiền 5 triệu đồng/người.

Văn nghệ chào mừng buổi lễ
Các đồng đội Lữ đoàn 226 năm xưa có dịp gặp lại nhau

Bình luận (0)

Lên đầu trang