Võ Văn Kiệt - nhà lãnh đạo có tư duy kiệt xuất:

Kỳ 7: Trọng trách của lực lượng Công an

Thứ Hai, 21/11/2022 09:11

|

(CATP) Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 50 (ngày 9 đến 11-01-1995), Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhấn mạnh: "Ngành Công an phải luôn luôn đảm bảo cho được sự ổn định về chính trị - xã hội, vượt qua mọi khó khăn để phát triển. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta không bao giờ sao nhãng nhiệm vụ bảo đảm, ổn định chính trị mà càng phải làm cho ổn định chính trị vững chắc hơn. Đây là mục tiêu chung của cả nước, của toàn Đảng, toàn dân, nhưng trọng trách nặng nề là của lực lượng Công an".

Thủ tướng với Công an nhân dân

Vẫn sống mãi theo thời gian và mang giá trị trường tồn, đó là những tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt với lực lượng Công an nhân dân. Ông luôn gương mẫu và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất của Đảng, tình thương yêu đồng bào, đồng chí, luôn thắt chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bởi vậy, trong cuốn sách "Thủ tướng Võ Văn Kiệt" (NXB Thông tấn, Hà Nội) đã viết: "Với tư duy mang tầm chiến lược, quyết tâm đổi mới, tác phong sâu sát, quyết đoán, luôn tìm tòi, trăn trở, hết lòng, hết sức vì sự nghiệp cách mạng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những đóng góp to lớn vào quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Tư tưởng đổi mới, hành động đổi mới, cùng với bầu nhiệt huyết với đất nước và nhân dân của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đưa ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước xuất sắc, một hình ảnh tiêu biểu của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập".

Trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, với tầm "nhìn xa, trông rộng", Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn có những ý tưởng lớn, táo bạo trong chỉ đạo và điều hành kinh tế - xã hội xuất phát từ nhu cầu phát triển của đất nước với động cơ trong sáng vì nước, vì dân. Thực tiễn đã chứng minh những quyết sách đúng đắn, mang tầm chiến lược của Thủ tướng đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, văn hoá, giáo dục, quốc phòng, an ninh.

Nụ cười của Thủ tướng luôn thân thiện với mọi người...

Sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, một trong những quan điểm nhất quán trong tư duy chỉ đạo chiến lược của Thủ tướng Võ Văn Kiệt là phải giữ vững an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Phải xác định bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, trong đó lực lượng Công an giữ trọng trách nặng nề.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng ghi nhận và đánh giá cao vai trò của lực lượng Công an đối với sự nghiệp cách mạng. Thủ tướng nêu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Lực lượng Công an nhân dân Việt Nam (19-8-1945 - 19-8-1995): "Mỗi thắng lợi của cách mạng nước ta đều có đóng góp của lực lượng Công an nhân dân... Chúng ta phải quan tâm bảo vệ vững chắc chế độ chính trị và những thành quả cách mạng đã giành được. Công an nhân dân có vai trò rất quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa sống còn này".

Trong điều kiện đất nước ta đang tích cực thực hiện công cuộc đổi mới, tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại, bên cạnh những mặt thuận lợi, công tác bảo vệ an ninh, trật tự đã và đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới, đòi hỏi phải có cách suy nghĩ mới, thường xuyên tiếp cận cái mới, tranh thủ, chủ động nắm lấy cái mới.

Với tầm bao quát, tư duy nhạy bén, sâu sát thực tiễn, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có những nhận xét, đánh giá và nhận định hết sức xác đáng về tình hình, công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 51 (năm 1996) là: "Quan hệ của nước ta với các nước tiếp tục được mở rộng, đó là cơ hội để chúng ta nhanh chóng hội nhập với thế giới. Nhưng mở ra quan hệ với các nước, cũng có nhiều phức tạp, các thế lực thù địch sẽ có điều kiện để tác động "diễn biến hoà bình" sâu hơn, trực tiếp hơn vào nội bộ ta. Lối sống tư sản và các văn hoá ngoại lai độc hại sẽ du nhập vào nước ta, cộng với những tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường sẽ là một nguy cơ đối với sự ổn định chính trị, xã hội, nếu ta không đấu tranh quyết liệt, đồng bộ và thường xuyên. Đây là vấn đề hai mặt, việc mở ra là một yêu cầu của đất nước, nhưng càng mở ra, càng hội nhập với các nước thì đặt ra trách nhiệm của ngành Công an càng nặng nề thêm, càng phức tạp thêm".

Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 50

Đến Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 52 (năm 1997), Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã chỉ đạo sâu sát, cụ thể từng lĩnh vực, nhất là những vấn đề nhạy cảm, như an ninh đối ngoại, an ninh nội bộ, an ninh trong tôn giáo, dân tộc...

Thủ tướng nhấn mạnh: "Đối với các đối tượng bất mãn chống đối trong nội bộ, phải cô lập số chống đối công khai trắng trợn, móc nối với bên ngoài; tác động chuyển hoá số đông có nhận thức sai lệch, thu hẹp diện chống đối. Đối với các tổ chức phản động lưu vong, phải thúc đẩy sự phân hoá, vô hiệu hoá từng tổ chức, ngăn chặn sự móc nối của chúng với phản động trong nước, phát hiện, trừng trị kịp thời những hoạt động manh động phá hoại của chúng. Cho nên công tác an ninh phải phân tích mức độ các đối tượng để có đối sách thích hợp với từng loại đối tượng, phân hoá tranh thủ tối đa, thu hẹp diện xử lý pháp luật. Trong đối sách với các đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia, phải thận trọng, cương quyết, làm rõ đối tượng chủ mưu, cầm đầu với số bị lôi kéo, lừa bịp để có đối sách thích hợp. Có chính sách khoan hồng với những người ăn năn, hối cải, lập công chuộc tội". Những tư tưởng chỉ đạo đó của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Kiên trì…

Với nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt ra nhiều vấn đề phải nghiên cứu, đánh giá, phân tích, dự báo để xử lý, tạo được sự chuyển biến, làm giảm tội phạm nói chung, ngăn chặn không để trọng án phát triển. Trong đó, đặc biệt chú trọng phòng ngừa xã hội, thu hẹp, tiến tới từng bước xoá bỏ nguyên nhân nảy sinh tội phạm, phải giáo dục ngăn ngừa, quản lý đối tượng từ cơ sở. Đây là vấn đề cơ bản, lâu dài, lực lượng Công an phải kiên trì và quyết tâm thực hiện.

Những năm sau đổi mới (1986), đi liền những mặt tích cực, tình trạng tham ô, tham nhũng, buôn lậu diễn ra rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, trắng trợn. Các đối tượng tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa thường lợi dụng những sơ hở trong quản lý kinh tế, chế độ, chính sách và hệ thống pháp luật chưa được hoàn chỉnh, đồng bộ để rút tiền, tài sản của Nhà nước, làm giàu cho bản thân.

Với cương vị là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo quyết liệt tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 52 (1997): "Phải tổ chức thật tốt cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Đây đang là vấn đề bức bách của Đảng, Nhà nước và toàn dân. Chính phủ đang khẩn trương chuẩn bị để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh về chống tham nhũng. Lực lượng Công an phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt. Cần củng cố lại tổ chức, bộ máy và tăng cường những cán bộ giỏi cho lĩnh vực phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng".

Còn nhớ, trước đây vào dịp Tết Nguyên đán, số vụ tai nạn do pháo gây ra làm chết nhiều người, thiệt hại nhiều tài sản của Nhà nước, tổ chức và công dân. Ngày 08-8-1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ban hành Chỉ thị số 406/CT-TTg "Về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo". Đây là điều được nhân dân đồng tình ủng hộ, dư luận thế giới đánh giá cao.

Thực hiện Chỉ thị số 406/CT-TTg, lực lượng Công an đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, tổ chức, chỉ đạo thực hiện và kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi sản xuất, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển và đốt pháo nổ; tuyên truyền, giải thích vận động nhân dân không sản xuất, tàng trữ, buôn bán và đốt pháo. Ở những địa phương có nghề sản xuất pháo, như Hà Tây, Gò Vấp (TPHCM), Nam Ô (Đà Nẵng), Cần Thơ... lực lượng Công an đã tăng cường công tác nắm tình hình, vận động nhân dân bỏ nghề sản xuất pháo, chuyển sang nghề khác; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các ngành nghề thích hợp cho nhân dân.

Do có những hoạt động tích cực, kiên trì, thường xuyên và ráo riết của lực lượng Công an, các bộ, ngành, địa phương, nên từ Tết Nguyên đán Ất Hợi năm 1995 đến nay, cả nước hầu như không có pháo nổ, nhưng không khí đón Tết, vui xuân của nhân dân vẫn rất vui vẻ, mọi nhà hạnh phúc vì không có tai nạn do pháo gây ra.

(Còn tiếp...)

Kỳ 6: Mốc son của Thủ tướng với ngành giáo dục
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang