Võ Văn Kiệt - nhà lãnh đạo có tư duy kiệt xuất:

Kỳ 6: Mốc son của Thủ tướng với ngành giáo dục

Chủ Nhật, 20/11/2022 16:56

|

(CATP) Trên nhiều tỉnh, thành hiện nay đều có trường học mang tên Võ Văn Kiệt - đây là dấu ấn in đậm tư duy ngời sáng của cố Thủ tướng đối với nền giáo dục nước nhà. Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Nhà giáo Nhân dân, Tiến sĩ Đặng Huỳnh Mai (nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long) nhớ lại lời Thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Bộ (Bộ GD&ĐT) cũng cần chú trọng đến việc xây dựng và đầu tư vào đội ngũ lãnh đạo các trường cũng như lực lượng giáo viên. Phải có thầy giỏi mới có trò giỏi".

Đồng bằng sông cửu long phát triển bền vững

Nghị quyết 120/NQ-CP ra đời ngay sau Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu ngày 26 và 27-9-2017, trong đó xác định các quan điểm chỉ đạo: Kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, chủ động thích ứng, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, trong đó chú trọng bảo vệ đất nước và con người. Thay đổi tư duy phát triển, từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, từ phát triển theo số lượng sang chất lượng, phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu. Tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn. Và phát triển bền vững vùng ĐBSCL vì lợi ích chung của đất nước là sự nghiệp của toàn dân, khuyến khích, huy động tất cả các tầng lớp, thành phần xã hội, các đối tác quốc tế và doanh nghiệp tham gia vào quá trình phát triển.

Lực lượng TNXP TPHCM dâng hương tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ngày 18-11, đồng chí Lê Minh Khoa, Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TPHCM cùng Thường trực Đảng ủy, Ban Chỉ huy, Trưởng các phòng nghiệp vụ đã đến dâng hương tưởng niệm nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Võ Văn Kiệt tại Khu tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt thuộc thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Phát biểu tại buổi lễ dâng hương, đồng chí Lê Minh Khoa xúc động cho biết, trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn với tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Khi nhắc đến Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hầu hết cán bộ, đội viên TNXP TPHCM đều nhớ câu nói: "Thanh niên xung phong, đó là sức mạnh đi lên làm đẹp cuộc đời, làm đẹp lòng người của thành phố mới". Từ những câu nói của bác Sáu Dân, các thế hệ cán bộ, đội viên TNXP TPHCM luôn nhớ những lời căn dặn đó và đã cụ thể hóa các chỉ đạo bằng những chương trình, phần việc phù hợp, hiệu quả với tinh thần "vượt khó, xung kích, năng động, sáng tạo". Cùng ngày, Lực lượng TNXP TPHCM phối hợp với UBND huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long thực hiện công tác an sinh xã hội, trao 20 phần quà trị giá 100 triệu đồng cho các gia đình thương binh, liệt sỹ và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Nam Anh

Nghị quyết cũng chỉ ra, mô hình phát triển ĐBSCL phải lấy con người làm trung tâm, phục vụ người dân, giảm khoảng cách giàu nghèo, chú trọng về chất lượng hơn số lượng, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, tiếp cận chủ động, linh hoạt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra nhanh, ngày càng cực đoan và tác động của việc khai thác, sử dụng nguồn nước với quy mô lớn, cường độ cao trên thượng nguồn sông Mê Kông. Chuyển đổi mô hình phát triển nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, đa dạng sinh học, môi trường sinh thái của vùng. Đồng thời Nghị quyết cũng giao Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH cần phải đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với thị trường xuất khẩu lao động, để người dân tham gia một cách tích cực, chủ động, với vai trò là trung tâm của quá trình chuyển đổi sản xuất và sinh kế, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế vùng, đổi mới công tác đào tạo, biến những người nông dân thành công nhân nông nghiệp có trình độ tay nghề cao và góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu lao động.

Nhà giáo Nhân dân, Tiến sĩ Đặng Huỳnh Mai cho biết: "Với Nghị quyết 120/NQ-CP, như nhiều chuyên gia đã nhận định là một tổng thể các giải pháp giúp ĐBSCL phát triển bền vững và kết quả này có được xuất phát từ sự trăn trở của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong đó có vấn đề về giáo dục và đào tạo. Từ nhận định này, nhớ lại năm 1991, khi Bộ GD&ĐT chuẩn bị Tổng kết 10 năm triển khai chương trình Cải cách giáo dục đầu tiên sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1981 - 1991). Thủ tướng Võ văn Kiệt đã yêu cầu Bộ GD&ĐT triệu tập cuộc họp với một số Giám đốc Sở GD&ĐT trẻ, năng động để Thủ tướng lắng nghe tiếng nói từ cơ sở. Khi nhận được thông tin từ Bộ GD&ĐT, nhóm chúng tôi ở phía Nam gồm anh Phụng (Bình Dương), Vũ Hùng (Đồng Tháp), Hoài Dũng (An Giang) và tôi vui lắm vì lần đầu tiên trong đời được họp với Thủ tướng, được Thủ tướng lắng nghe tiếng nói từ lực lượng trẻ của cả nước, một điều rất mới! Hội nghị lần đấy cũng rất căng thẳng, nhiều luồng đánh giá khác nhau về một số vấn đề mới từ chữ viết không có bụng (g, h, l, b) đến nội dung, chương trình giảng dạy cụ thể từng khối lớp và việc giáo dục đạo đức thông qua các môn học. Điều quan trọng ở đây là Thủ tướng Võ Văn Kiệt lắng nghe và trân trọng ý kiến từng người một. Lúc đó, chúng tôi đều có chung một nhận định: Thủ tướng rất quan tâm đến trí thức trẻ”.

Giảng viên, sinh viên ĐHQG Hà Nội tặng hoa Thủ tướng Võ Văn Kiệt (năm 1997)

Phải đào tạo nhân tài, có thầy giỏi mới có trò giỏi

Qua hồi tưởng của Nhà giáo Nhân dân, Tiến sĩ Đặng Huỳnh Mai, lúc ấy, trước khá nhiều ý kiến trái chiều trong hội nghị phạm vi hẹp đó, với nụ cười đặc biệt mang dấu ấn riêng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cho ý kiến: "Chữ viết không có bụng không phải là nguyên nhân chính làm cho đạo đức xã hội xuống cấp, tuy nhiên Bộ GD&ĐT cũng nên cân nhắc giữa yếu tố truyền thống và nội dung cải cách trong việc chỉ đạo chuyên môn. Giáo dục nên chú trọng đến việc giáo dục trẻ là công dân tốt thông qua việc dạy kiến thức chứ không nên cứ chăm chăm vào việc đổi mới nội dung dạy học. Điều quan trọng tôi muốn nói ở đây là mỗi khi chỉ đạo điều gì, Bộ cần chú trọng đến khả năng nhận thức, tâm sinh lý lứa tuổi để việc dạy và học vừa sức, không tạo áp lực cho trẻ, nhất là trẻ mới lớn. Một vấn đề sống còn của đất nước là phải đào tạo cho được nhân tài để xây dựng và phát triển kinh tế xã hội sau này, như Bác Hồ đã dặn là: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu". Theo tôi, mặc dù Bác không nói ra, nhưng đó cũng chính là sự phụ thuộc vào công chỉ đạo của Bộ và công dạy dỗ của thầy cô. Từ đó, Bộ cũng cần chú trọng đến việc xây dựng và đầu tư vào đội ngũ lãnh đạo các trường cũng như lực lượng giáo viên. Phải có thầy giỏi mới có trò giỏi. Bộ cũng nên quan tâm đến điều kiện làm việc của giáo viên vùng núi, biên giới và hải đảo".

Biết miền Tây Nam Bộ có Giám đốc trẻ là Lê Vũ Hùng (Đồng Tháp), Đặng Hoài Dũng (An Giang) và tôi (Nhà giáo Nhân dân, Tiến sĩ Đặng Huỳnh Mai), Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã gọi 3 người lại và dặn dò: "Miền Tây của mình, nơi chiến trường ác liệt, bà con nhân dân mình chịu nhiều mất mát, hy sinh cũng nhiều, các cô chú "ráng" tập trung lo cho con em mình được học hành. Nhớ xây trường cho vùng căn cứ kháng chiến. Bổ sung cho đủ giáo viên giảng dạy. Mở lớp bổ túc và bình dân học vụ cho nhân dân lao động. Mấy cháu phải đặc biệt quan tâm đến vùng lũ như trường lớp học phải tôn lên cao, sắm xuồng cho thầy cô đi lại, mua vài phương tiện đánh bắt cá mùa nước nổi để giáo viên sinh sống. Điều đặc biệt là đưa lớp học về gần dân cho trẻ nhỏ đến trường tiện lợi, không để tai nạn xảy ra mỗi khi nước về".

Theo Nhà giáo Nhân dân, Tiến sĩ Đặng Huỳnh Mai, sau đó một năm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo tất cả đơn vị sự nghiệp phải tiết kiệm 10% ngân sách được cấp. Nhờ đó, ngành giáo dục đã sử dụng số tiền này để xây trường, phủ mái đỏ một phần ở vùng lũ, vùng căn cứ cách mạng và vùng đồng bào Khmer trước khi có chủ trương kiên cố hoá trường học của Chính phủ. Từ đó đến nay, Vĩnh Long đã phát triển được 412 trường với tổng số 203.246 học sinh. Trong đó có 131 trường mầm non, 160 trường tiểu học, 87 trường THCS, 34 trường THPT, 3 trường ĐH (ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Xây dựng miền Tây, ĐH Cửu Long) và phân hiệu ĐH kinh tế TPHCM. Đây là điều mà lúc sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn nhắc nhở Vĩnh Long cần có một trường ĐH để con em, nhân dân mình không phải đi xa và tốn kém.

Ngày nay, theo đánh giá của Bộ GD&ÐT về kết quả năm học 2020 - 2021, mặc dù có rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng ngành giáo dục cả nước nói chung, ÐBSCL nói riêng đã nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiều tỉnh, thành đã chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch năm học 2020 - 2021, vận dụng linh hoạt các hình thức dạy học qua Internet, trên truyền hình, tinh giản Chương trình giáo dục phổ thông, học kỳ II, điều chỉnh quy định đánh giá cuối năm học... phù hợp với điều kiện của từng trường, từng địa phương. Nhờ đó, chất lượng giáo dục đại trà được giữ vững.

Nhà giáo Nhân dân, Tiến sĩ Đặng Huỳnh Mai cho biết: "Đã nhiều năm trôi qua, mặc dù toàn vùng với sự quan tâm của cấp ủy và UBND các tỉnh với nhiều chuyển biến đáng kể, nhưng nhìn chung giáo dục ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của cả nước. Hy vọng với nhiều giải pháp chỉ đạo của Chính phủ, Nghị quyết 120/NQ-CP, một tổng thể các giải pháp giúp ĐBSCL phát triển bền vững về kinh tế, xã hội nói chung, GD&ĐT nói riêng, góp phần giải quyết những trăn trở của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đương thời".

(Còn tiếp...)

Kỳ 5: Dấu ấn trên khắp đất nước - Khai sinh Đại học Quốc gia
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang