14 giờ chiều 6/7, các thí sinh dự thi trong đợt 1 sẽ đến điểm thi làm thủ tục dự thi, đính chính (nếu có sai sót), nghe phổ biến quy chế thi và lịch thi để sẵn sàng cho buổi thi đầu tiên vào sáng 7/7.
Khi làm thủ tục, thí sinh sẽ nhận thẻ dự thi và đối chiếu các thông tin cá nhân như họ, tên đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh, đối tượng ưu tiên… Nếu phát hiện có sai sót, thí sinh phải báo ngay cho cán bộ coi thi hoặc người làm nhiệm vụ tại điểm thi để được xử lý.
Khi làm thủ tục dự thi, thí sinh phải mang chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cuớc công dân (còn hạn). Trong trường hợp mất chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ cần thiết khác, thí sinh phải báo cáo ngay cho giám thị hoặc cán bộ coi thi để xử lý.
Trong sáng 6/7, các địa phương cũng triển khai thực hiện giao nhận đề thi đến các điểm thi.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho thì sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại TPHCM - Ảnh: VNN
Dự kiến cả nước có gần 12.000 thí sinh sẽ thi đợt 2
Theo tổng hợp của Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tính đến 16 giờ 30 ngày 5/7, tổng số thí sinh dự kiến thi đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 do ảnh hưởng bởi COVID-19 là 11.551 em, tại 39 tỉnh, thành phố. Trong đó, nhiều nhất là Bình Định với 2.569 thí sinh, Bắc Giang 2.477 thí sinh.
Hiện toàn quốc có 45 thí sinh F0, nhiều nhất là TPHCM với 27 thí sinh. Tổng số F1 toàn quốc là 362 thí sinh, nhiều nhất là Bình Dương với 231 thí sinh. Tổng số F2 toàn quốc là 337 thí sinh, nhiều nhất là TPHCM với 69 thí sinh.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết: Đây là năm thứ hai, kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông được tổ chức. Trong 2 năm qua, kỳ thi phải trải qua khó khăn khách quan do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Khó khăn lớn nhất năm nay vẫn là làm sao vừa ứng phó được với dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, cán bộ, giáo viên; vừa tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, năm nay vai trò chủ động của địa phương được thể hiện rõ nét trong các quyết định về phương án tổ chức kỳ thi trên địa bàn. Điều này giúp học sinh, phụ huynh yên tâm hơn, không bị động trong kế hoạch thời gian tổ chức thi.
Công tác kiểm tra thực tế tại địa phương cho thấy, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã được các tỉnh, thành phố thực hiện chủ động hơn, do đã có kinh nghiệm từ năm trước. Địa phương đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức kỳ thi; bảo đảm các quy định phòng dịch, vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh, trật tự. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn nghỉ cho thí sinh, người thân ở các điểm tổ chức thi.
Nhiều địa phương có các hình thức hỗ trợ về đi lại, ăn ở cho học sinh ở xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng: Không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại.
Các địa phương đã chủ động rà soát, thống kê số lượng học sinh trong diện F0, F1, F2 và lên phương án tính toán để tổ chức các đợt thi. Một số địa phương quyết định vẫn cho học sinh F1, F2 thi cùng 1 đợt tại điểm thi riêng và bảo đảm các biện pháp an toàn.
Các địa phương khác lại quyết định tổ chức đợt 2 cho các thí sinh diện F1, F2. Sự linh hoạt của các địa phương còn thể hiện ở chỗ, có thể cho học sinh F2 dự thi đợt 1 nếu các em có nguyện vọng và được trải qua các vòng xét nghiệm bảo đảm về an toàn phòng dịch.
Các địa phương đều đã bố trí điểm thi dự phòng, các phòng thi dự phòng ở mỗi điểm thi để sử dụng khi cần thiết; bố trí tối thiểu 2 cán bộ y tế (những kỳ thi trước chỉ bố trí 1 cán bộ y tế) ở mỗi điểm thi và huy động lực lượng làm công tác ứng trực để xử lý các tình huống đột xuất.
Năm nay, rất nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ thí sinh, cán bộ, giáo viên làm thi; một số địa phương còn ưu tiên tiêm vaccine cho những người này...
Theo kế hoạch, sáng 6/7, các cán bộ coi thi có mặt tại điểm thi để phân công nhiệm vụ cụ thể, thống nhất phương thức làm việc và kiểm tra các công việc chuẩn bị cho kỳ thi từ Quy chế thi, quy trình tổ chức coi thi, những vấn đề cần chú ý khi tổ chức coi thi…
Các nội dung về cơ sở vật chất, công tác an ninh, y tế… tại điểm thi cũng được rà soát, kiểm tra lại lần cuối. Nội dung này càng được chú trọng trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 còn phức tạp.
Theo Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, thành phần điểm thi sẽ gồm: Trưởng điểm thi, các phó trưởng điểm, thư ký điểm thi, cán bộ coi thi, cán bộ giám sát phòng thi, trật tự viên, nhân viên y tế, nhân viên phục vụ và công an, kiểm soát viên quân sự.