Làm thế nào để nâng cao hiệu quả về an toàn giao thông?

Thứ Ba, 18/04/2017 21:13  | Đoàn Tuấn

|

(CAO) Đó là câu hỏi đặt ra của các đại biểu tham gia hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác vận động nhân dân tham gia đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), an toàn giao thông (ATGT)” do Bộ Công an tổ chức diễn ra vào ngày 18-4 tại Hà Nội.

Tại hội thảo, các ý kiến đều khẳng định bảo đảm trật tự an toàn giao thông là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ của rất nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể xã hội, trong đó cảnh sát giao thông là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò trung tâm.

Quang cảnh hội thảo

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, lực lượng cảnh sát giao thông phải tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ như: tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, đăng ký quản lý phương tiện, điều tra giải quyết tai nạn giao thông và tuyên truyền, hướng dẫn vận động quần chúng chấp hành pháp luật về an toàn giao thông...

Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, để nâng cao hiệu quả của việc đảm bảo an toàn giao thông là phải tuyên truyền kết hợp với xử lí nghiêm vi phạm.

Trong đó, phải tăng cường trang bị các thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại vừa tạo điều kiện dễ dàng cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, vừa để người dân tin tưởng hơn, đồng thời phương tiện, công cụ hiện đại thì cũng thuận lợi cho việc thu nhận thông tin từ nhân dân.

Ông Minh đưa ra quan điểm, khi người cảnh sát phát hiện vi phạm là có quyền xử phạt, không thể chấp nhận việc người dân đôi co với cán bộ cảnh sát để đòi cung cấp bằng chứng vi phạm. Trong trường hợp này, nếu không đồng ý, người vi phạm có quyền kiện ra toà.

Một số ý kiến cũng cho rằng nên có hệ thống cơ sở dữ liệu để tích hợp các vi phạm của người tham gia giao thông. Lần đầu vi phạm, có thể nhắc nhở nhưng vẫn tích hợp lỗi vào hệ thống. Nếu tái phạm thì sẽ xử phạt nặng hơn.

Thiếu tướng Trần Sơn Hà phát biểu tại hội thảo

Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông khẳng định tính cấp thiết của việc tổ chức hội thảo cũng như đánh giá rất cao các bài tham luận của các đại biểu tham dự. Đây là những ý kiến, đề xuất, bài học kinh nghiệm quý giá để Bộ Công an tiếp thu, chọn lọc, từ đó tiếp tục chỉ đạo lực lượng CAND nói chung và CSGT nói riêng nâng cao hiệu quả công tác vận động nhân dân tham gia bảo đảm TTATGT.

Muốn công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, đại diện Cục CSGT cũng khẳng định ngoài CSGT còn cần phải có sự hỗ trợ, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của tất cả các đơn vị, cơ quan chức năng.

Trả lời PV bên lề hội nghị, Thiếu tướng Trần Sơn Hà cho rằng việc lái xe chống lệnh, cãi lại cảnh sát diễn ra phổ biến có nguyên nhân xuất phát từ văn hóa giao thông.

Thiếu tướng Trần Sơn Hà cho biết thêm: “Các đồng chí ra đường làm nhiệm vụ đã được tập huấn rất kỹ về các tình huống nghiệp vụ, khi người ta chống lại thế nào, xe không dừng thế nào... thực hiện rất nhuần nhuyễn. Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng người tham gia giao thông chống lại và gây hậu quả đáng tiếc”.

“Quan trọng nhất là người tham gia giao thông phải ứng xử có văn hóa. Người tham gia giao thông phải chấp hành pháp luật, sau đó có quyền khiếu nại người thi hành công vụ không đúng hoặc chưa chuẩn”, Thiếu tướng Trần Sơn Hà nhấn mạnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang