(CATP) Ngày càng vắng dần những sạp báo trên đường phố Sài Gòn, số người bán báo dạo cũng ít đi, báo giấy đang đứng trước thử thách lớn nhất trong lịch sử mấy trăm năm của mình!
Thời vàng son, con đường nào của TPHCM cũng có các quầy báo di động và người bán dạo. Từ nửa đêm, khi mọi người còn đang say giấc nồng thì vỉa hè các đường: Lý Chính Thắng, gần trụ sở Báo Tuổi trẻ, Báo Phụ nữ TPHCM (Q3), Nguyễn Thị Minh Khai, gần tòa soạn Báo Sài Gòn giải phóng (Q1)... có hàng trăm người sắp xếp, chèn hàng xấp quảng cáo vào "ruột" các tờ báo, chuẩn bị phát hành đến đại lý. Còn tại tòa soạn 110 Nguyễn Du, Q1, trong các ngày phát hành Báo CATP, từ 4-5 giờ sáng, người, xe đã hối hả, nhộn nhịp khắp các con đường Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Du... Xe máy, xích lô, ôtô tải nhẹ... ùn ùn chở báo "xuất bến", tiếng cười nói rộn ràng, tiếng xe máy ầm ĩ giống như một hội chợ. Chỉ cần vài chục phút sau là những tờ báo nóng hổi đã đến tay người tập thể dục sớm, trước khi người đi làm, sinh viên đến trường mua vội dọc đường.
Một sạp báo trên đường Phạm Ngọc Thạch
Trên nhiều vỉa hè, từng chồng báo giấy cao ngất ngưởng, người bán mướt mồ hôi để đưa báo và lấy tiền từ người đi đường. Những người bán dạo thì luôn miệng rao những tin tức nóng hổi nhất, thời sự nhất để "câu khách". Người uống cà phê sớm thì rút ví ra mua và đọc bên ly cà phê như một thói quen mỗi sáng của người Sài Gòn. Họ có thể nhịn ăn sáng nhưng thiếu báo giấy là không chịu được!
20 năm trước, tôi vào Sài Gòn thi đại học, ở tại Nhà khách Quốc hội (số 65 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q1). Trước nhà khách này có 2 quầy báo, mỗi sáng khi dừng đèn đỏ, cứ hết lượt người này mua vội tờ báo đến người khác ghé vào. Chị chủ quầy báo nói, mỗi sáng như vậy bán được 500 - 1.000 tờ báo các loại là bình thường, thu nhập rất khá. Cạnh đó, từ bác xe ôm đến giới công chức đi xe máy đều say sưa đọc báo, không bỏ sót chuyên mục nào, cả khi tranh thủ chờ đèn xanh để lướt vội vài dòng ngoài trang nhất.
Trong những mùa tuyển sinh đại học, bài giải đề thi được lồng vào bên trong tờ báo dày cộm mà từ thí sinh đến phụ huynh đều dậy sớm để mua. Mùa SeaGames, Euro cho đến World Cup hoặc khi xảy ra Chiến tranh vùng Vịnh, Mỹ đánh Iraq (9-1-1991), các tờ nhật báo còn ra thêm tờ tin nhanh phát hành lúc 5 giờ sáng hay tờ tin buổi chiều, đời sống báo chí rất sôi động.
Báo CATP đến với bạn đọc ở Trường Sa
Vẫn nhớ như in cái cảnh mỗi sáng sớm, lứa sinh viên tập tành viết báo như chúng tôi phải "bay" đến các sạp báo ven đường để lật giở vội vài tờ báo mình cộng tác. Khi ấy, chúng tôi gọi đó là "đọc cọp", bởi có bài thì mới mua và ngược lại. Hôm nào thấy có tên trong trang phóng sự là mừng vui khôn xiết, hôm nào không có bài đăng thì thẫn thờ cả ngày, đợi số báo tiếp theo vì tiền nhuận bút đủ giúp chúng tôi đóng học phí, mua sách vở, học thêm tiếng Anh... Thấy đám sinh viên lật qua lật lại tờ báo mà không mua, chị bán báo có khi nhớ mặt, không ngờ nhiều đứa trong số "đọc cọp" sau đó đã trở thành nhà báo và đóng góp gián tiếp cho thu nhập của chị.
Báo CATP thời đó luôn đứng trong nhóm báo giấy có số lượng phát hành lớn của cả nước. Thậm chí, có giai đoạn báo "cán mốc" 700.000 bản/kì, là một hiện tượng của làng báo Việt Nam. Nhiều người lính trẻ ở Trường Sa đọc Báo CATP đến thuộc từng trang, từng chuyên mục và xem như "món ăn tinh thần" không thể thiếu. Báo CATP còn theo các chuyến tàu, xe sang Lào, Campuchia, thậm chí là qua Mỹ, châu Âu, Úc... và được kiều bào thích thú đón nhận. Điều đó khiến chúng tôi vô cùng xúc động.
Đà Lạt chỉ còn vài quầy báo giấy
Năm 2010, khi "cưỡi ngựa sắt" đi làm kí sự đường xa tại các tỉnh miền Tây hay Tây nguyên, điều hạnh phúc nhất của chúng tôi là nhờ bác xe ôm chạy đi mua tờ báo CATP ở sạp hay bưu điện. Bài vở ở tỉnh gửi về được đăng ngay hôm sau, nguyên cả trang A3, là niềm vui vô bờ bến của cánh phóng viên trẻ thích đi "cày" xa.
Vài năm gần đây, nhiều tờ báo tư nhân ra đời bằng cách mua lại "măng-sét", hàng chục trang tin điện tử, báo mạng "sinh sản" vô tội vạ, đưa những thông tin giật gân, câu khách làm độc giả nhiều báo chính thống giảm số lượng. Sự hỗn loạn đó khiến cả độc giả lẫn cơ quan quản lý báo chí bức xúc!
Cùng với sự phát triển công nghệ, thiết bị cầm tay và các mạng xã hội, tờ báo in có vài trăm tuổi đang rơi vào hoàn cảnh "sắp kết thúc vai trò lịch sử". Những gì báo in đã đóng góp cho sự phát triển của nhân loại, của đất nước, luôn là niềm tự hào của các thế hệ người làm báo.