Nhiều đối tượng hình sự, ma tuý xuất hiện trong các vụ tụ tập gây rối

Thứ Hai, 13/08/2018 08:11  | Hải Triều

|

(CAO) Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm, trong đó có các vụ tụ tập, kích động gây rối, qua phân tích thực tiễn, Bộ Công an nhận định, các thành phố lớn, các khu công nghiệp là nơi tập trung các cơ sở chính trị, kinh tế quan trọng, tập trung đông dân cư nên cũng là địa bàn tập trung chống phá của các thế lực thù địch, phản động với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc.

Nhóm này lợi dụng triệt để các “sự kiện” nhạy cảm hoặc cố tình tạo ra các “sự kiện”… để xuyên tạc tạo sự hoài nghi, hình thành tâm trạng bức xúc trong một bộ phận không nhỏ quần chúng nhân dân, từ đó kích động tập trung đông người, tuần hành gây rối, leo thang các hoạt động bạo lực, cực đoan, khủng bố phá hoại.

Đáng chú ý, tại TPHCM đã xảy ra 2 vụ khủng bố bằng bom xăng tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và vụ khủng bố bằng chất nổ tại trụ sở Công an phường 12, quận Tân Bình.

Cũng theo Bộ Công an, trong một số vụ tụ tập biểu tình đã phát hiện nhiều đối tượng hình sự, ma túy (có cả đối tượng nhiễm HIV). Các đối tượng này được thuê mướn tham gia biểu tình (từ 200.000đ - 400.000đ/lần tham gia), với hành vi rất manh động, liều lĩnh, trở thành cốt cán trong các hoạt động gây rối, chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản, kể cả thực hiện hành vi khủng bố, phá hoại.

Nhấn mạnh tính phức tạp của hoạt động của tội phạm tại các thành phố lớn, báo cáo phân tích: Năm thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) chiếm khoảng 25% số vụ phạm pháp hình sự toàn quốc.

Riêng Hà Nội và TPHCM chiếm khoảng 20%. 18 địa bàn trọng điểm về tội phạm hình sự (Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Nam Định, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Đắk Lắk, Khánh Hoà, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Cần Thơ, An Giang) chiếm khoảng 45 - 50% cả nước.

Hoạt động của tội phạm tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TPHCM được kiềm chế và giảm về số vụ, nhưng vẫn nổi lên phức tạp là hoạt động của tội phạm có tổ chức (chủ yếu dưới các dạng băng nhóm đâm thuê, chém mướn, bảo kê bến bãi, kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, quán bar, karaoke, vũ trường, nhà nghỉ; tổ chức các hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá, hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê...).

Tội phạm giết người, cố ý gây thương tích; tội phạm trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản trên đường phố... Đáng lưu ý, các đối tượng hoạt động rất manh động, khi bị phát hiện sẵn sàng dùng hung khí tấn công lại người dân gây lo lắng trong nhân dân, điển hình là vụ nhóm đối tượng trộm cắp ở TPHCM khi bị người dân truy đuổi đã tấn công lại làm 2 người chết, 3 người bị thương...

Tại các khu công nghiệp, tình hình an ninh trật tự cũng tiềm ẩn nhiều phức tạp, nhất là hoạt động kích động công nhân đình công, lãn công, tham gia biểu tình trái pháp luật. Các vi phạm pháp luật về môi trường vẫn diễn ra phổ biến; các băng nhóm tội phạm có tổ chức (chủ yếu là các đối tượng hình sự bên ngoài, câu kết với các phần tử xấu trong công nhân) thực hiện các hoạt động bảo kê, cưỡng đoạt tài sản của công nhân; tổ chức các hoạt động cho vay nặng lãi, cờ bạc, mại dâm... sẵn sàng gây ra các vụ đâm, chém, siết nợ, đòi nợ thuê, gây phức tạp tình hình tại các khu công nghiệp tập trung đông công nhân.

Trước tình hình trên, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc triển khai toàn diện các kế hoạch, biện pháp công tác bảo đảm an ninh trật tự chung trên phạm vi toàn quốc, trong đó xác định các địa bàn trọng điểm cần ưu tiên là các thành phố lớn, các khu công nghiệp. Triển khai việc thành lập một số Đồn Công an tại các khu công nghiệp để đảm bảo phù hợp với tính chất, nhiệm vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các địa bàn đặc thù.

Riêng về đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự đã xác định 18 địa bàn trọng điểm, trong đó có 10 địa bàn phức tạp nhất về tội phạm có tổ chức để tập trung chỉ đạo phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả...

Bình luận (0)

Lên đầu trang