Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Phát huy mạnh mẽ trong phòng chống dịch

Thứ Ba, 07/09/2021 12:11

|

(CATP) Xuất phát từ yêu cầu cấp bách trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã triển khai hệ thống quản lý di biến động công dân vùng dịch và quản lý tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 gắn với khai thác dữ liệu từ hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu cư trú (DLQG về DC).

Sau một thời gian đưa vào sử dụng, hệ thống được cả người dân và lực lượng chức năng đánh giá là rất thuận tiện, nhanh chóng, dễ thực hiện và giảm được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Cung cấp nhiều tiện ích

Từ ngày 11-8-2021, sau khi thí điểm thành công, Bộ Công an đã chính thức triển khai phần mềm quản lý công dân vùng dịch trên toàn quốc trên nền tảng Cơ sở DLQG về DC để phục vụ công dân kê khai được thuận lợi, bảo mật thông tin, phục vụ hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh Covid trong tình hình hiện nay.

Theo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, dữ liệu sau khi công dân kê khai được kiểm duyệt, xử lý trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo xác định chính xác; thông tin này được thông báo về cấp phường, xã nơi công dân đi, đến để quản lý kịp thời đúng thông tin và con người thực tế. Qua đó, truy vết lộ trình di chuyển của công dân dễ dàng, nhanh chóng, chính xác nhất và tiết kiệm chi phí trong công tác phòng, chống dịch hiện nay.

Việc triển khai phần mềm quản lý công dân vùng dịch sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc quản lý công dân ra, vào vùng dịch; kịp thời truy vết F0, F1, F2; báo cáo kết quả với Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 các cấp giúp triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và tiết kiệm chi phí.

Việc ra đời hệ thống kê khai Covid-19 sẽ giải quyết ùn tắc tại chốt kiểm dịch ở cửa ngõ các thành phố thông qua việc cho phép người dân khai báo trước thông tin cá nhân, thông tin y tế và cho phép người dân xuất, lưu mã QRcode để cán bộ trực chốt đối chiếu, kiểm tra khi đi qua các chốt kiểm soát. Khi đã có mã QRcode, người dân có thể sử dụng lại mã QRcode trong 72 giờ đồng hồ (kể từ thời điểm khai báo) để tránh phải khai báo lại.

Toàn bộ dữ liệu người dân khai báo và dữ liệu dân cư cũng như lịch sử di chuyển của người dân đều được Bộ Công an bảo đảm tuyệt đối bí mật. Các trường hợp người nhiễm bệnh có lịch trình di chuyển và tiếp xúc phức tạp, khi có yêu cầu của Bộ Y tế, Bộ Công an sẽ phối hợp trong công tác truy vết y tế để bảo đảm có phương án xác định và cách ly các F1, F2... kịp thời.

Đoàn công tác của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH kiểm tra thực hiện mã QR code tại một chốt kiểm dịch ở TP.Hồ Chí Minh

Việc thực hiện cũng rất nhanh chóng, thuận tiện, có thể khai báo trước tại nhà hoặc tại chốt. Đối với người không sử dụng điện thoại thông minh vẫn có thể kê khai qua giấy để cán bộ Công an tập hợp nhập vào hệ thống; đối với xe "luồng xanh" thì triển khai và kiểm tra trước khi xuất bến.

Sau khi kê khai, cán bộ tại trạm kiểm tra đối chiếu với giấy tờ tùy thân và xác nhận thông tin công dân đi qua. Sau khi cán bộ tại chốt kiểm dịch xác nhận thông tin công dân, hệ thống sẽ lưu lại thông tin và tiến hành xác thực thông tin công dân qua kết nối với hệ thống Cơ sở DLQG về DC.

Khi qua chốt kiểm dịch, phối hợp với cán bộ Công an thực hiện thao tác kiểm tra nhanh chóng, rút ngắn thời gian, không làm ùn tắc giao thông. Hàng ngày hoặc đột xuất, các chốt kiểm dịch và công an các cấp kịp thời báo cáo với Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 các cấp về tình hình công dân ra, vào; truy vết công dân nghi F0, F1, F2 để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hoặc triển khai các biện pháp đảm bảo ANTT.

Nhanh chóng, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh

Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an cho biết, tính từ ngày 11-8-2021 đến 31-8-2021, trên 63 tỉnh, thành phố đã thiết lập 5.841 trạm kiểm soát với 14.938 tài khoản cán bộ từ tỉnh/huyện/xã để sử dụng tại trạm kiểm soát; đã có 1.777.862 công dân kê khai và được kiểm soát qua các chốt. Khi sử dụng phần mềm người dân chỉ mất trung bình 1 phút thực hiện kê khai, cán bộ xác thực trung bình mất 5 giây/người để kiểm tra qua chốt.

Thượng tá Nguyễn Văn Quang, Phó trưởng Phòng tham mưu, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, tăng cường vào TP.Hồ Chí Minh cho biết, CBCS của Cục đều đã được tập huấn phần mềm quản lý công dân vùng dịch và phối hợp với các lực lượng kiểm tra tại các chốt trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh.

Bên cạnh việc kiểm tra công dân qua các chốt khai báo di chuyển nội địa phòng, chống dịch Covid-19, còn kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, phòng, chống tội phạm phối hợp với Công an cơ sở thực hiện công tác an sinh xã hội tại địa bàn.
 

Lực lượng Công an tại TPHCM dùng điện thoại thông minh quét kiểm tra mã QR do người dân khai báo qua phần mềm quản lý di biến động dân cư, khi lưu thông qua chốt kiểm soát phòng chống dịch

Được phân công trực chốt kiểm dịch khu vực trường Tiểu học Dương Văn Lịch, huyện Nhà Bè (TP.Hồ Chí Minh), Đại úy Vũ Văn Dương, Bí thư Đoàn Thanh niên Cục Cảnh sát QLHC về TTXH được tăng cường vào TP.Hồ Chí Minh cho biết, đây là địa bàn giáp ranh giữa TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Long An, hàng ngày, lưu lượng xe ôtô các loại qua chốt khoảng 400 - 500 lượt.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ tại chốt, anh cùng cán bộ công an địa phương hướng dẫn công dân chủ động khai báo trước khi di chuyển từ nhà đến các địa điểm cần thiết và ngược lại, để đảm bảo việc di chuyển của công dân vừa đúng đối tượng, vừa thuận lợi, nhanh chóng và không ùn tắc giao thông, tập trung đông người tại các chốt kiểm soát.

Lái xe ôtô tải "luồng xanh" Đỗ Đình Mạnh (SN 1978, ngụ phường Lương Khánh Thiện, TP.Phủ Lý, Hà Nam), vận chuyển hàng thiết yếu từ tỉnh Hà Nam vào TP.Hồ Chí Minh cho biết, sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, anh và nhiều lái xe khác thấy việc khai báo di chuyển nội địa phòng, chống dịch COVID-19 rất thuận tiện khi qua các chốt kiểm dịch.

"Công việc lái xe khiến trước đây tôi thường xuyên phải chờ đợi rất lâu, có khi xếp hàng dài vài cây số để khai báo tại các chốt. Ngoài mất thời gian chờ đợi, điều tôi lo lắng nhất là việc tiếp xúc gần, lây chéo khi khai báo ở chốt. Giờ thì tôi chỉ mất khoảng 10 giây để quét mã QR code do đã chủ động khai sẵn từ nhà” - anh Mạnh cho hay.

Còn ông Trần Văn An (ngụ quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi thấy ngành Công an triển khai phần mềm khai báo y tế như thế này là rất thiết thực, tạo nhiều thuận lợi cho người dân vì có thể chủ động kê khai tại nhà trước khi tham gia giao thông.

Việc quét mã QR rất thuận tiện, giúp chúng tôi qua chốt rất nhanh chóng, thuận tiện, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vì chỉ cần quét mã QR để đối chiếu mà không phải mất thời gian ngồi khai báo giấy. Lực lượng Công an và các ngành chức năng ở chốt làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, tận tình hòa nhã hướng dẫn người dân thực hiện các thao tác khi sử dụng phần mềm nên chúng tôi cảm thấy rất hài lòng".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

Việc khẩn trương nghiên cứu ứng dụng Cơ sở DLQG về DC để phục vụ ngay công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã góp phần quản lý chặt chẽ, khoanh vùng, dập dịch; phần mềm xác thực thông tin dân cư để triển khai các gói hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội... Lực lượng Công an đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trước đất nước, nhân dân, có nhiều cách làm sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành đúng tiến độ nhiệm vụ được đề ra.

Trên cơ sở dữ liệu quốc gia là nền tảng, cần tiếp tục đẩy mạnh, kết nối liên thông, tương tác với dịch vụ công trực tuyến giữa Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan quản lý khác, các tổ chức chính trị xã hội liên quan; đồng thời kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia khác phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và phòng, chống dịch Covid-19. Các bộ, ngành địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an kết nối tận dụng những thông tin đã có, bảo đảm chống chồng chéo, trùng lặp, tránh lãng phí.

Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH:

Hiện nay, do hệ thống mới được triển khai nên khó khăn chủ yếu do người dân chưa chủ động kê khai thông tin để có mã QR code trước khi đi đường. Bộ Công an đã cơ bản hoàn thiện app "VN-eID" trên nền tảng di động (đã được đăng tải lên kho ứng dụng AppStore, trong thời gian tới sẽ được đăng tải lên kho ứng dụng CHPlay), đang tiếp tục nâng cấp tối ưu phần mềm để thuận lợi cho công dân chỉ cần khai báo 1 lần.

Qua triển khai thí điểm phần mềm quản lý tiêm chủng cho thấy, hệ thống mới thay thế hệ thống thủ công, bám sát nghiệp vụ tiêm chủng của cơ sở; việc thực hiện kê khai, kiểm soát thông qua thẻ căn cước công dân gắn chip (có mã QR code) giúp thực hiện kê khai và đăng ký nhanh chóng, chính xác; tránh ùn ứ, tụ tập đông người tại địa điểm tiếp nhận hồ sơ, công dân được chủ động về lịch tiêm tránh mất thời gian; các chức năng trong các bước thực hiện tiêm chủng hỗ trợ hiệu quả cho cán bộ y tế; hệ thống và dữ liệu công dân đảm bảo an ninh, an toàn thông tin và bảo mật. Trên cơ sở kết quả thí điểm, Cục đang đề nghị Bộ Y tế tích hợp vào hệ thống chung và xem xét để triển khai toàn quốc.

Bộ Công an: Tăng cường ứng dụng công nghệ, hỗ trợ hiệu quả phòng chống dịch
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang