Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Thay thế, điều chuyển cán bộ, công chức năng lực yếu

Thứ Năm, 08/06/2023 10:48

|

(CAO) Đã xảy ra tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc; có tâm lý e ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền…

Sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, sáng nay 8/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trả lời chất vấn, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Trước khi trả lời, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã báo cáo cập nhật tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 năm 2023, tiếp thu, giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu trước khi trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội

Phó Thủ tướng cho biết, trong tháng 5 và những ngày đầu tháng 6, trước tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nền kinh tế chịu tác động kép, vừa phải chống chịu với sức ép từ cả bên trong và bên ngoài, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội và đạt được những kết quả tích cực.

“Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát (CPI tiếp tục xu hướng giảm, bình quân 5 tháng ở mức 3,55%); các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm” – Phó Thủ tướng thông tin.

Liên quan đến công tác an sinh xã hội, lao động, việc làm, theo Phó Thủ tường, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục đứt gãy các chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm duy trì và tạo thêm việc làm cho người lao động.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn; báo cáo cấp có thẩm quyền về các cơ chế, chính sách hỗ trợ mới trong trường hợp cần thiết…

Chính phủ cũng xác định tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số; thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực…

Đề cập đến công tác cán bộ, Phó Thủ tướng nhìn nhận đây là nhiệm vụ then chốt của cả hệ thống chính trị, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta.

Về tổng thể, theo Phó Thủ tướng, năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng lên, song đã xảy ra tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc; có tâm lý e ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền…

Phiên làm việc của Quốc hội sáng 8/6

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra có trường hợp đẩy việc lên cấp trên hoặc sang các cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương…

“Tình trạng này dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây lãng phí thời gian, nguồn lực, cơ hội phát triển, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, gây cản trở công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp” – Phó Thủ tướng nhận xét.

Theo ông, cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển KTXH đã đề ra.

Nêu giải pháp thời gian tới, Phó Thủ tướng nói, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập, yếu kém nêu trên; quán triệt và tiếp tục thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước.

Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; kiên quyết không để xảy ra việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Bên cạnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là thanh tra, kiểm tra đột xuất, Chính phủ cũng đề nghị biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với tổ chức, cá nhân các cơ quan, tập thể, cán bộ, công chức quyết liệt trong thi hành công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, dám nói, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo vì lợi ích chung.

“Kịp thời rà soát, xử lý, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm” – Phó Thủ tướng nêu rõ.

Nêu câu hỏi tới Phó Thủ tướng, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nhận định, nền công vụ quốc gia hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì hệ thống luật lệ, quy trình rõ ràng, đầy đủ và đồng bộ có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

“Qua hai ngày chất vấn đã cho thấy, hệ thống luật lệ, quy trình, thể chế còn những vấn đề, quy định pháp luật trong một số lĩnh vực vẫn chưa được sửa đổi, hoàn thiện kịp thời, xử lý triệt để phân công, phân quyền…” - đại biểu Tám bình luận.

Đại biểu Tô Văn Tám chất vấn Phó Thủ tướng Lê Minh Khái

Thực trạng này, theo đại biểu, đã tác động khó khăn đến sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, đồng thời là một thách thức cho cán bộ, công chức khi thực thi công vụ.

“Đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ sẽ có giải pháp căn cơ nào trong việc hoàn thiện thể chế luật lệ thời gian tới?” - đại biểu Tám chất vấn.

Trả lời đại biểu, Phó thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề hoàn thiện thể chế.

“Mỗi tháng Chính phủ họp chuyên đề bàn về thể chế, từ khâu đề xuất, quyết định văn bản pháp luật cần có chất lượng” – Phó Thủ tướng thông tin.

Cùng với đó, theo Phó Thủ tướng, Chính phủ cũng thực hiện nhiều giải pháp khác như nâng cao chất lượng thẩm định, thực hiện nghiêm quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật; công tác thẩm định, phản biện, nhất là lắng nghe dư luận xã hội được quan tâm...

“Với những giải pháp như vậy, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật sẽ thực hiện tốt hơn thời gian tới” - Phó Thủ tướng tin tưởng.

Chia sẻ quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) cho rằng, một trong những giải pháp cốt lõi để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phải kiểm soát quyền lực, đảm bảo quyền lực được thực thi trong khuôn khổ.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nêu câu hỏi với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái

“Đảng và Nhà nước ta đã nhiều lần đề cập việc kiểm soát quyền lực, xác định đây là vấn đề cốt lõi để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” – bà Hà nêu và đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết đâu là giải pháp cốt lõi để kiểm soát quyền lực.

Hồi âm đại biểu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả cần kiểm soát được quyền lực. Đây là việc có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, do quyền lực có xu hướng gây tha hóa khi không kiểm soát.

“Kiểm soát quyền lực là việc căn cơ trong phòng chống tham nhũng, giúp loại bỏ, phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm sai phạm” – Phó Thủ tướng nhìn nhận và cho rằng, thực tiễn cho thấy phải kiểm soát quyền lực chặt chẽ tại các cơ quan quản lý nhà nước, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, cần thiết lập được cơ chế kiểm soát quyền lực với người có chức vụ, quyền hạn, nhốt quyền lực vào lồng cơ chế.

Bình luận (0)

Lên đầu trang