ĐBQH đề xuất tách Uỷ ban Chứng khoán ra khỏi Bộ Tài chính

Thứ Năm, 06/06/2019 21:54  | Mai Loan

|

(CAO) Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, chiều 6-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, trình bày Tờ trình về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Thảo luận về dự án Luật chứng khoán (sửa đổi), các đại biểu đề nghị quy định rõ: chứng khoán đã chào bán ra công chúng phải được niêm yết, đăng ký giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán. Đồng thời, làm rõ việc cho phép doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chào bán chứng khoán riêng lẻ thì mặt được và rủi ro là gì.

Các đại biểu cũng cho rằng: Luật chứng khoán (sửa đổi) nhằm tiếp cận tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế để góp phần thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần triển khai hiệu quả các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có các Hiệp định thương mại thế hệ mới.

Do đó, cần tập trung chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và tăng tính thẩm quyền cho Ủy ban chứng khoán, đảm bảo tính độc lập về mặt nghiệp vụ.

Các đại biểu làm việc tại hội trường 

ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) đề nghị dự thảo luật quy định rõ tránh tình trạng thao túng, lũng loạn thị trường chứng khoán. Ông cho rằng, qua quá trình vận hành có những bất cập, ví dụ một thời chúng ta giữ nguồn tiền trong thị trường chứng khoán giữ bí mật cho nhà đầu tư và không truy đến tận gốc nguồn mua cổ phiếu. Như thế bị bệnh lấy tiền của ngân hàng đi góp vốn, sở hữu chéo, như vậy gây động tác là vốn thực vào nền kinh tế chỉ 1 đồng nhưng hệ số ảo làm cho nguồn lực nền kinh tế bị thất thoát. Khi phân phối lại nguồn lực của nền kinh tế mà dựa trên số liệu ảo thì không đạt được yêu cầu phát triển”

Còn theo ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) đề nghị nên tách Uỷ ban Chứng khoán ra khỏi Bộ Tài chính, chuyển sang đơn vị độc lập trực thuộc Chính phủ, vì trước hết, trong giai đoạn 2006 - 2010 cơ quan này vốn trực thuộc Chính phủ, sau đó mới thuộc Bộ Tài chính. Việc trực thuộc Bộ Tài chính phát huy một số mặt mạnh. Nhưng thị trường vốn trên thị trường chứng khoán khoảng 218 tỷ đô la Mỹ, còn vốn thực chỉ chiếm 4%, vốn chủ yếu vẫn cấp từ tổ chức tín dụng. Điều này gây rủi ro lớn vì huy động ngắn hạn cho mục tiêu dài hạn. Do đó, cần tăng cường huy động từ thị trường chứng khoán để bảo đảm an toàn cho thị trường tài chính, đáp ứng nhu cầu vốn của nền sản xuất nước ta.

Ông Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi)

Đồng tình cao với việc nâng điều kiện vốn điều lệ tối thiểu đã góp đối với công ty đại chúng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng, ĐB Nguyễn Văn Dành, (Bình Dương) phân tích, việc nâng vốn điều lệ cũng là tăng yêu cầu tiêu chuẩn đối với những doanh nghiệp đủ điều kiện lên sàn, điều này cũng phù hợp với tình hình phát triển quy mô của nền kinh tế thời gian qua.

Góp ý về tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong dự án Luật, ĐB Lê Công Nhường, (Bình Định) nêu ý kiến: “Trong điều 51 thiết kế về tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài đối với chứng khoán tôi thấy chưa rõ, đề nghị sau này ra Chính phủ làm rõ hơn từng loại hình của doanh nghiệp nắm giữ bao nhiêu cần có quy định rõ. Giao dịch chứng khoán là giao dịch thường xuyên phải có những biện pháp kỹ thuật để giám sát khi mua bán vượt quá tỷ lệ cho phép. Ngoài ra, thị trường chứng khoán càng lớn sẽ có nhiều "tin tặc" lấy tài khoản vì vậy cần bổ sung thêm điều khoản trong Luật để bảo vệ các giao dịch”.

Các đại biểu phát biểu đóng góp ý kiến tại tổ

Cũng trong chiều nay, thảo luận về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), các đại biểu đề nghị tiếp tục quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức, biên chế, cải cách chế độ tiền lương; bảo đảm hài hòa, hợp lý giữa yêu cầu xây dựng Dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, “chú trọng nâng cao chất lượng ở vùng trọng điểm quốc phòng, an ninh và những địa bàn phức tạp”… nhưng cần tinh gọn về tổ chức, biên chế, thiết thực, hiệu quả, tránh dàn trải nguồn lực.

ĐB Trần Việt Khoa (Hà Nội) cho rằng: “Lực lượng dân quân tự vệ tập trung là rất khó khăn nhất là đối với những doanh nghiệp ở đó tổ chức cơ sở Đảng không có, hoặc tổ chức cơ sở Đảng còn nhỏ, hoặc chủ yếu phần lãnh đạo của doanh nghiệp đó là người nước ngoài, đòi hỏi Luật khi đưa ra chúng ta cần hết sức quan tâm trong điều kiện hiện nay. Bây giờ chúng ta cũng phải khẳng định là bất kể doanh nghiệp nào khi vào hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và hợp tác phải chấp hành và thực hiện luật pháp của Việt Nam. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước thì vấn đề chiến tranh nhân dân, kết hợp lực lượng chủ lực, lực lượng địa phương ngày xưa gọi là dân binh bây giờ là dân quân tự vệ. Đây là 3 lực lượng cấu thành lực lượng vũ trang".

Một số ý kiến cho rằng, thành lập dân quân tự vệ tại các khu công nghiệp là khó vì mỗi nhà máy có cách tổ chức hoạt động riêng, cần tiếp thu và nghiên cứu cho phù hợp hơn. Do đó, điều kiện thành lập dân quân tự vệ tại các doanh nghiệp phải đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, đảm bảo tính khả thi vì doanh nghiệp có nhiều loại hình từ tư nhân đến có vốn đầu tư nước ngoài…

Bình luận (0)

Lên đầu trang