Tại tờ trình này, Chánh toà tối cao đề xuất Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết trên theo trình tự, thủ tục rút gọn với nội dung cụ thể: “Từ nay đến ngày 1-2-2022, cho phép Chánh án TANDTC trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC trong đó có từ nguồn Thẩm phán cao cấp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện luật định nhưng chưa đủ 5 năm làm Thẩm phán cao cấp”.
Giải trình về đề xuất trên, Chánh án Nguyễn Hoà Bình chỉ ra bất cập trong thực tiễn thi hành Luật tổ chức Toà án nhân dân. Cụ thể, luật quy định Hội đồng Thẩm phán TANDTC có 17 thành viên, bao gồm: Chánh án, các Phó Chánh án và các Thẩm phán TANDTC. Thẩm phán TANDTC do Quốc hội phê chuẩn phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật, trong đó phải có tối thiểu 5 năm là Thẩm phán cao cấp (quy định tại điểm a khoản 1 Điều 69 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014).
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình
Trong khi đó, theo Chánh án Nguyễn Hoà Bình, Thẩm phán cao cấp là ngạch Thẩm phán mới được quy định từ năm 2015 sau khi Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 có hiệu lực thi hành.
“Tính từ tháng 8-2015 đến tháng 5-2019, số lượng Thẩm phán cao cấp được bổ nhiệm 171 người. Trong số Thẩm phán cao cấp được bổ nhiệm trong năm 2015, năm 2016, đến nay phần lớn đã nghỉ hưu, lớn tuổi, một số không đủ các tiêu chuẩn, điều kiện khác để bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC, như: trình độ, năng lực, tín nhiệm.... Có 31 người đủ tuổi bổ nhiệm thì lại chỉ còn 1 người trong quy hoạch lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao giai đoạn 2016-2021” – Chánh án nêu khó khăn.
Cũng theo Chánh án Nguyễn Hoà Bình, hiện nay Hội đồng Thẩm phán TANDTC có 16 thành viên, bao gồm: Chánh án, 4 Phó Chánh án, 11 Thẩm phán TANDTC. Thế nhưng, năm 2019 có 1 người đã nghỉ hưu, đến năm 2020 sẽ có 4 người nghỉ hưu, năm 2021 sẽ có 3 đồng chí nghỉ hưu; đến năm 2022 và sau đó phần lớn Hội đồng Thẩm phán TANDTC sẽ nghỉ hưu.
Đội ngũ lãnh đạo TANDTC hiện có 5 người, gồm: Chánh án và 4 Phó Chánh án. Năm 2019, có 1 Phó Chánh án đã nghỉ hưu, năm 2020 sẽ có 1 Phó Chánh án được nghỉ hưu và đến năm 2023 sẽ có 2 Phó Chánh án nghỉ quản lý.
“Để bảo đảm hoạt động của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và công tác lãnh đạo, điều hành TANDTC theo quy định, thì cần phải lựa chọn nguồn cán bộ có đủ điều kiện theo quy định để bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC và trên cơ sở đó, lựa chọn để bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao” – Chánh án tiếp tục giải trình.
Thảo luận tại tổ ngay sau đó, Chánh án Nguyễn Hoà Bình giải thích thêm về việc tại sao lấy mốc là năm 2022.
“Đợt cũ bổ nhiệm chuyển đổi. Đợt làm bài bản đủ điều kiện là lứa tháng 1-2017, số này đến tháng 1-2022 thì mới đủ 5 năm để chọn được nguồn. Nếu cứ lấy số chuyển đổi thì phần lớn đã nghỉ hưu, lớn tuổi. Giờ bổ nhiệm đủ 17 người theo quy định thì chọn người làm lãnh đạo TANDTC là không có” – Chánh án phân tích.
Liên quan đến ý kiến của cơ qua thẩm tra thắc mắc tại sao không lấy nguồn bên ngoài, Chánh án thừa nhận là phải tính điều này vì luật đã cho phép. “Nhưng luật của ta khác luật các nước. Họ có 2 điều ta không có, một là bắt buộc thành viên không phải thẩm phán tham gia Hội đồng thẩm phán để tăng tính phản biện. Nếu toàn thẩm phán thì theo nề nếp tư duy cũ” - Chánh án Nguyễn Hoà Bình giải thích.
Lý do nữa, theo ông Bình, là họ khống chế số lượng từ bên ngoài vào hội đồng, có nước không quá 2, có nước không quá 3, bởi số đó đủ tăng phản biện. “Đây là Hội đồng của các thẩm phán, tham gia xét xử chứ không phải hội đồng của các nhà khoa học nên người ta khống chế. Chúng tôi không báo cáo vì chỉ tập trung báo cáo nguồn là số đông tạo ra hội đồng này trong tương lai, tức số này chúng tôi quản lý, bên ngoài chúng tôi không biết người nào” - Chánh án Toà tối cao nói.
Trước đó, thay mặt cơ quan thẩm tra trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu một số nguyên nhân dẫn đến thiếu nguồn bổ nhiệm thẩm phán TANDTC, trong đó có lý do là không tính đến nguồn cán bộ là những người không công tác tại các Tòa án nhưng giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức trung ương, am hiểu sâu sắc về chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao hoặc là những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về pháp luật…
Cũng theo bà Nga, số Thẩm phán cao cấp được bổ nhiệm trong các năm 2015, 2016 chỉ có 29 người cho thấy công tác triển khai thi hành Luật tổ chức TAND 2014 có phần chậm. Bên canhj đó, việc TANDTC báo cáo ngoài các Thẩm phán đã nghỉ hưu, lớn tuổi thì một số Thẩm phán không đủ các tiêu chuẩn, điều kiện khác để bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC như trình độ, năng lực, tín nhiệm… cho thấy, công tác quy hoạch, bồi dưỡng tạo nguồn để bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC đối với số Thẩm phán này còn nhiều bất cập.
“Việc để xảy ra tình trạng đến nay, còn 31 Thẩm phán cao cấp bổ nhiệm trước năm 2017, đủ tuổi bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC nhưng chỉ có 1 người trong quy hoạch lãnh đạo TANDTC giai đoạn 2021-2026 cho thấy công tác bồi dưỡng, tạo nguồn quy hoạch lãnh đạo TANDTC chưa đáp ứng yêu cầu” – cơ quan thẩm tra lưu ý.
Tỏ ý tán thành với để xuất của Chánh Toà tối cao và Uỷ ban Tư pháp, đại biểu Dương Ngọc Hải và Nguyễn Đức Sáu (TPHCM) nhất trí phải sửa theo hướng là kéo dài tới năm 2022 mà không cần đủ thời hạn 5 năm.
“Một thành viên mới nghỉ là trung tướng Nguyễn Văn Hạnh, Phó Chánh án TANDTC đồng thời là Chánh án toà quân sự. Lực lượng kế cận cũng đã chuẩn bị về hưu mà theo Luật Tổ chức TAND nếu không bổ sung thì sẽ thiếu hụt” – ông Sáu nêu tính cấp bách của việc sửa đổi.
Cho biết từng tham gia thẩm định tờ trình, đại biểu Sáu khẳng định, nếu thiếu một thành viên thì sẽ ảnh hưởng rất lớn. “Phải sửa, không phải thông qua nhiều kỳ họp mà chỉ tại 1 kỳ họp thôi, theo thủ tục rút gọn” – đại biểu Sáu nhấn mạnh.
Cũng trong phiên thảo chiều tại tổ, Quốc hội đã cho ý kiến về dự luật Chứng khoán (sửa đổi) và dự luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).