Ba vấn đề "nóng": Tăng lương, y tế, giáo dục

Thứ Hai, 24/10/2022 08:52

|

(CATP) Chỉ mới ba ngày làm việc của Kỳ họp thứ 4 - Quốc hội (QH) khóa XV, nhiều vấn đề "nóng" về kinh tế - xã hội (KT-XH) được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và người dân quan tâm, nổi lên trong số này vẫn là cải cách tiền lương (CCTL), y tế (YT) - đặc biệt là vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế (VTYT) - và giáo dục (GD).

Tăng lương cơ bản từ 1-7-2023

Đây là vấn đề được cử tri quan tâm trong cuộc họp lần này. Sáng 22-10, trong phiên thảo luận tổ về tình hình KT-XH, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương, từ năm 2021 sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương, tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương quyết định lùi thời điểm thực hiện.

Cũng do dịch Covid-19, trong ba năm (2019 - 2021) lương cơ sở (CS) chưa thể tăng. Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, lần này với đề xuất tăng lương CS từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng, bắt đầu áp dụng từ 1-7-2023, là rất hợp lý và mức điều chỉnh khoảng 20,8% đang tiệm cận dần với cải cách chính sách tiền lương, vì khung CCTL dự kiến thấp nhất so với mức lương hiện hành tăng khoảng 29%, mức cao nhất trên 40%. Còn về thời gian tiến hành CCTL, bà Trà cho biết nếu năm 2023 - 2024 KT-XH phát triển tốt, bền vững, thì có thể thực hiện.

Về tình trạng công chức (CC), viên chức (VC) nghỉ việc có một phần do lương thấp và chủ yếu vì áp lực công việc trong đại dịch Covid-19, theo bà Trà, thực tế số cán bộ (CB), CC, VC nghỉ việc nhiều rơi vào 6 tháng cuối năm 2021 và nhiều nhất là 6 tháng đầu năm 2022. Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, tính từ thời điểm 01-01-2020 đến 30-6-2022, theo thống kê của 63 tỉnh thành, các bộ ngành cho thấy số CC, VC nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, trong đó CC hơn 4.000 người (chiếm 1,63%), chủ yếu của hai ngành GD (16.427 người) và YT (12.198 người).

Bộ trưởng Trà nhấn mạnh, cần tập trung nâng cao đời sống CB, CC, VC và việc điều chỉnh tăng lương CS nằm trong giải pháp đó. Ngoài ra, cần thay đổi thể chế quản lý, xây dựng môi trường làm việc văn hóa, thân thiện để người lao động (NLĐ) yên tâm công tác.

Nhiều bệnh viện ở TPHCM thiếu trang thiết bị y tế để khám chữa bệnh Ảnh: TTXVN

Liên quan đến vấn đề tăng lương CS như vậy đã đủ chưa, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng nếu tăng lương dàn đều theo công thức chung sẽ không hiệu quả, không tác động thiết thực đến các đối tượng cần nhất. Do đó, phải cân nhắc một số yếu tố khác để có sự điều chỉnh, như xác định mức sống cơ bản theo vùng và địa phương.

Đại biểu (ĐB) Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM - đề nghị khi tăng lương CS cần có chính sách với nhóm đối tượng có mức lương dưới trung bình, vì nhiều CB, CC, VC có lương cơ bản ban đầu nằm trong chuẩn nghèo của TPHCM. Bà Thúy cũng cho rằng cần sớm thực hiện CCTL đối với NLĐ thuộc khu vực doanh nghiệp, dù từ ngày 01-7-2022 NLĐ đã được tăng lương tối thiểu vùng song mức tăng thêm không đủ bù lạm phát, mức sống không thay đổi. Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, lạm phát khiến đời sống NLĐ khó khăn hơn, nếu mức tăng lương không tương xứng, việc điều chỉnh lương sẽ không hiệu quả.

Việc tăng lương CS từ 01-7-2023, ngay cả điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ YT dự phòng và YT cơ sở, thực hiện từ đầu tháng 01-2023, cũng chỉ là tạm thời, vấn đề là CCTL căn bản. Nếu cải cách này thực hiện chậm, vài ba năm nữa mới làm, cơ sở tính toán để thực hiện CCTL có thể lạc hậu so với đà tăng của giá cả.

Y tế bộn bề

Các vấn đề liên quan đến lĩnh vực YT đang rất "nóng" và một "núi" công việc đang chờ tân Bộ trưởng YT Đào Hồng Lan.

Theo Bộ trưởng Lan, sắp tới Bộ YT sẽ tập trung chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc của việc thiếu thuốc, trang thiết bị YT. Bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật, đặc biệt là Luật dược, Luật đấu thầu, Luật giá và các nghị định (NĐ) hướng dẫn để tháo gỡ căn cơ, bài bản, đảm bảo có căn cứ thực hiện cho chặng đường dài tiếp theo. Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương, bệnh viện (BV) chủ động tháo gỡ khó khăn thuộc thẩm quyền của mình, đẩy nhanh tốc độ mua sắm, đấu thầu tập trung và đàm phán giá thuốc; bộ cũng phân cấp, phân quyền về CS để làm sao chủ động, linh hoạt cho địa phương và CS triển khai thực hiện.

Giờ Tin học của các em Trường tiểu học Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TPHCM Ảnh: TTXVN

Với ý kiến tương tự, ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho rằng ngành YT đã có bộ trưởng mới nên từ nay đến cuối năm cần nhanh chóng sửa các thông tư, NĐ để tháo gỡ những vướng mắc về thiếu VTYT, thuốc chữa bệnh cho dân. Việc giải quyết chậm có nguy cơ tạo hệ lụy khôn lường, trong đó không mua được thuốc dẫn đến các BV không có thuốc và có thể khiến các hãng dược rời khỏi Việt Nam. Theo ông Hiếu: "Bộ khó đằng bộ, sở khó đằng sở, vì thế cần giao lại cho các đơn vị sử dụng trực tiếp đấu thầu, chịu trách nhiệm cá nhân".

Chính phủ cũng đã nhiều lần chỉ đạo giải quyết vấn đề thiếu thuốc, VTYT; trong đó, ngày 05-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện 778/CĐ-TTg về bảo đảm thuốc, trang thiết bị YT phục vụ công tác khám chữa bệnh (KCB). Thực tế từ khi có những phản ánh đầu tiên về tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, VTYT cho đến nay đã hơn 8 tháng nhưng vẫn chưa có thay đổi nào về chính sách, do đó nhiều BV công vẫn thiếu thuốc và VTYT, thậm chí thiếu nguồn vắc-xin như Sở YT TPHCM vừa báo động trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia...

Chưa hết, ngành YT còn đối diện với các vấn đề về thanh toán Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). Mới đây, Sở YT TPHCM đề xuất bộ tháo gỡ những vướng mắc khiến các BV không được Quỹ BHYT thanh toán 1.088 tỷ đồng giai đoạn 2019 - 2021. Theo Sở YT, từ khi áp dụng phương thức thanh toán mới như hướng dẫn trong NĐ146 ban hành năm 2018 của Chính phủ, hầu hết các BV đều gặp khó khăn do tổng mức thanh toán KCB BHYT thấp hơn nhiều so với chi phí thực tế, dẫn đến chi phí phát sinh trong hoạt động KCB BHYT của các BV không được Quỹ BHYT thanh toán do vượt tổng mức. "Thực tế đang diễn ra, hiện một số BV không còn nguồn chi thu nhập tăng thêm cho nhân viên, áp lực càng tăng khi nhân viên YT xin nghỉ việc ngày càng nhiều", công văn Sở YT TPHCM nêu.

Những vướng mắc này cho thấy Bộ YT cần sớm ban hành hướng dẫn thanh toán chi phí KCB BHYT đa phương thức, như khoán định suất đối với khám, điều trị ngoại trú; thanh toán theo nhóm đối với các bệnh phổ biến, những loại bệnh nặng, phức tạp và cũng cần tham mưu Chính phủ sửa đổi NĐ146. Trong khi đó, quyền lợi của người đóng BHYT ngày càng giảm, chính sách đóng BHYT đã lạc hậu, chính sách liên thông BHYT, chuyển viện... còn nhiều bất cập khiến trách nhiệm của tân Bộ trưởng Đào Hồng Lan càng nặng nề.

Giáo dục còn thiếu nhiều thứ

Giáo dục cũng là vấn đề rất "nóng" trong phiên họp QH kỳ này. Ngày 19-10, tại Bắc Ninh, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của QH đã tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ tư. Tại cuộc họp này, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng hầu hết các địa phương không được giao đủ chỉ tiêu giáo viên (GV) trên lớp, đồng nghĩa không đảm bảo điều kiện dạy tốt - học tốt. Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết chia sẻ, tại TPHCM thu nhập là một trong những nguyên nhân khiến địa phương này không tuyển đủ GV, dù đã giao cho các quận, huyện tự tuyển. Ví dụ lương GV Tiếng Anh chỉ trên dưới 4 triệu đồng/tháng, làm sao GV xoay xở nổi?

Theo Chương trình GD phổ thông mới, lớp 3 sẽ học Tiếng Anh và Tin học - hai môn phải có thiết bị giảng dạy, máy tính; trong khi tại TPHCM, máy tính để phục vụ chương trình này chỉ đáp ứng 55%, như vậy các địa phương khác sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều.

Ghi nhận ý kiến các ĐB, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho rằng thực tế còn phức tạp và thách thức hơn nhiều. Cũng theo Bộ trưởng Sơn, Bộ GD-ĐT nắm tất cả mọi thứ, trừ GV và tài chính, bộ chỉ biết kiến nghị, đề xuất; năm học 2022 - 2023 dự kiến tuyển được khoảng 27.850 GV, nhưng đã có gần 29.000 GV bỏ việc; nhiều địa phương giao chỉ tiêu nhưng không dám tuyển, "để dành" cho những trường hợp giảm biên chế.

Thông tin về việc triển khai Chương trình GD phổ thông năm 2018, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trách nhiệm đảm bảo điều kiện triển khai thuộc về chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, nếu ngân sách địa phương không cân đối được phải đề nghị Trung ương hỗ trợ. "Việc các tỉnh làm việc với Bộ Tài chính, Bộ GD-ĐT không biết số tiền được phân bổ thế nào, nơi nào thiếu, chỗ nào thừa, nên không thể nói Bộ GD-ĐT lấy tiền đi mua máy tính để cho một địa phương nào đó làm phòng học máy tính được", Bộ trưởng Sơn nói.

Cũng theo người phụ trách Bộ GD- ĐT, muốn chất lượng GD nâng cao thì phải có chuẩn, bao gồm chuẩn về trường học, chuẩn GV, chuẩn CS vật chất... song thực tế rất khó. "Nhưng chúng ta làm cách mạng thay đổi GD trong bối cảnh thiếu tất cả mọi thứ, đây là một thách thức mà chúng ta phải cùng nhau chia sẻ, kiến nghị và kiến nghị", ông nhấn mạnh.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 tổ chức hôm 12-8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu, cần chia sẻ với ngành GD: "Lương GV, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng không có thẩm quyền quyết định được. Đương nhiên ngành GD bao giờ cũng đề ra yêu cầu phải có đủ GV, trường lớp, nhưng để giải quyết yêu cầu này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT không quyết được".

Tất cả cho thấy những nghịch lý của ngành GD tồn tại rất lớn mà trong những ngày tới, các ĐBQH sẽ phân tích, đặc biệt là vấn đề học phí, sách giáo khoa, CS vật chất...

Bình luận (0)

Lên đầu trang