Qung cảnh cuộc họp
Không xuất hiện thêm khách Trung Quốc
Theo báo cáo tổng hợp từ các sở, ban, ngành, từ nhiều nguồn về Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở, Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nCoV tỉnh Lâm Đồng, công bố, kể từ ngày 31-1-2020 đến nay, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng có 7 Công điện, Chỉ thị, Công văn, Quyết định chỉ đạo đối với các Bộ, ngành, địa phương về việc tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra; công bố diễn biến phức tạp, mới của dịch bệnh nCoV; yêu cầu khẩn trương, nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo, nghiêm cấm chủ quan, lơ là trước dịch bệnh lây lan khó lường.
Thực hiện chỉ đạo, cơ quan Bộ Y tế có 30 quyết định, công văn ban hành, cụ thể hoá việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo cung ứng trang thiết bị, thuốc; kiểm soát lây nhiễm; công tác tuyên truyền; hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng mới nCoV...
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, trực tiếp là Chủ tịch tỉnh làm Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nCoV đã ký nhiều công điện, văn bản chỉ đạo, quán triệt các đơn vị địa phương; đặc biệt ngành Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường phối hợp công tác phòng, chống dịch bệnh do nCoV gây ra; quyết liệt, khẩn trương, tập trung, ưu tiên các hoạt động công tác phòng, chống dịch, chủ động ứng phó dịch bệnh, không được để xảy ra sai sót, mất kiểm soát; quy trách nhiệm cụ thể, quán triệt đến từng đơn vị, từ Giám đốc, Phó giám đốc các Sở, ban, ngành đến cán bộ cấp thôn, xã. Ban chỉ đạo tổ chức họp thường xuyên để đôn đốc, triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh và báo cáo hàng ngày tình hình dịch bệnh cho UBND tỉnh và Bộ Y tế; xây dựng các phương án, kịch bản phòng, chống dịch tại các tuyến; sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra.
Các trường học tại TP.
Đà Lạt và Bảo Lộc được cán bộ y tế, giáo viên vệ sinh, phun thuốc chống tiêu độc, khử trùng
Các cơ sở y tế, bệnh viện và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chủ động nhân lực, vật lực, máy móc, trang thiêt bị y tế cùng hàng ngàn giường bệnh, xe cứu thương để thu dung, cách ly, khám và điều trị bệnh trong trường hợp xảy ra tình huống xấu về dịch bệnh bùng phát; ngành y tế phối hợp hải quan sân bay, an ninh xuất nhập cảnh lưu ý đảm bảo quy trình tiếp đón và cách ly người Việt Nam đến từ hoặc đi qua Trung Quốc trở về Việt Nam (được xác định đều có nguy cơ lây nhiễm); khẳng định, công dân đến từ tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc hoặc quá cảnh tại đây đều là ca bệnh để có phương án cách ly.
Tuy nhiên, theo báo cáo của bà Nguyễn Thị Hồng Phượng - Giám đốc Cảng hàng không Liên Khương (thị trấn Liên Khương, huyện Đức Trọng - Lâm Đồng), kể từ rạng sáng ngày 31-1-2020, chuyến bay cuối cùng chở 175 hành khách Trung Quốc về Vũ Hán, đến nay không xuất hiện thêm khách Trung Quốc nào qua đường hàng không đến Lâm Đồng. 6 đường bay Quốc tế còn lại (đi - đến Hàn Quốc có 3 đường bay đến các tỉnh, thành: Muan, Seoul, Daegu); Băng Cốc - Thái Lan; Malaixia; Cam Túc - Trung Quốc (đã ngưng), lượng khách rất ít và đều được máy đo thân nhiệt, kiểm tra y tế tại sân bay, chưa phát hiện trường hợp nào lây nhiễm bệnh; đơn vị kiến nghị được trang bị thêm máy đo thân nhiệt và được Ban chỉ đạo chấp thuận.
Hàng chục ngàn lượt khách du lịch huỷ tour đến Đà Lạt
Bà Nguyễn Thị Nguyên - Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch tỉnh Lâm Đồng, cho biết: qua báo cáo thống kê, đến nay có 28.508 lượt phòng khách đặt tại 35 khách sạn từ 3 đến 5 sao đã huỷ tour du lịch Đà Lạt, cho đến tháng 3-2020. Trên địa bàn TP. Đà Lạt và các vùng lân cận có khoảng 20.000 khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú. Số lượng khách huỷ phòng chưa thống kê, nhưng con số rất lớn, chỉ còn khoảng 25% lượng khách so với cùng kỳ các năm trước đây; trong đó, khách quốc tế hiện chỉ có 4% so với khoảng 25-30% so với mọi năm.
Du khách, người dân địa phương đi dạo, mua sắm tại Chợ Đêm - Đà Lạt, tối 10-2
Đại tá Lê Hồng Phong - Phó giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, khẳng định: các lực lượng thuộc Công an tỉnh phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các Sở: Y Tế, Văn hoá - Thể thao - Du lịch, Giao thông vận tải... kiểm tra, rà soát, nắm rất chắc số du khách nước ngoài, trong đó có người Trung Quốc đi - đến địa bàn để phân loại, cách ly, theo dõi... Đến nay, Công an tỉnh xử lý 11 trường hợp tung tin đồn thất thiệt, làm giả kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona và đã lập hồ sơ xử lý. Hiện, toàn tỉnh Lâm Đồng có 48 trường hợp người nước ngoài nhập cảnh, đến hoặc đi qua 31/31 tỉnh, thành Trung Quốc trong vòng 14 ngày qua, trong đó có 17 người Trung Quốc đang được cách ly tại các khách sạn, cơ sở lưu trú, công ty (trong đó, tại TP. Đà Lạt đông nhất - 36 người, các huyện Lạc Dương: 1, Đức Trọng: 1, Di Linh: 2, Bảo Lộc: 3 và Bảo Lâm: 5).
Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo, cho biết, phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành Y tế trên địa bàn, đến nay trên 300 trường học, cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục dạy nghề toàn tỉnh, đảm bảo 100% đã được quét dọn, làm vệ sinh sạch sẽ; đến trước ngày 16-2, đảm bảo tất cả các trường học trên toàn địa bàn sẽ được phun thuốc, sát khử trùng bằng Cloramin B để phòng, chống dịch bệnh. Hai thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và các Sở, ngành trên địa bàn tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiêm túc chấp hành việc thực hiện vệ sinh, lau chùi, phun hóa chất khử trùng, tiêu độc đến các cơ sở y tế, công sở, đơn vị lao động… Sở Công thương đã cấp tốc đặt mua khẩu trang với các công ty, nhà máy tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương để sớm đưa về địa phương.
Những ngày qua, một số nhà thuốc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, các lực lượng Công an, Quân đội, Cảng hàng không Sân bay Liên Khương tổ chức các đợt phát hàng chục ngàn khẩu trang đến mọi tầng lớp nhân dân. Các hãng xe khách lữ hành, chủ các khách sạn, cơ sở lưu trú hợp tác rất tốt việc này, họ chủ động nhắc nhở, phát khẩu trang đến từng hành khách.
Nhiều gia đình, nhóm bạn chọn giải pháp đi xe du lịch 5,7 chỗ đến Đà Lạt
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng - ông Đoàn Văn Việt ghi nhận báo cáo diễn biến tình hình thực hiện công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; đồng thời nghiêm túc nhắc nhở, chỉ đạo Sở Y tế và các sở, ban, ngành, cơ quan đơn vị địa phương phải thường xuyên, tích cực, quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV. Tỉnh quan tâm, hỗ trợ hết mức về mặt kinh phí; yêu cầu các ngành chủ động, đảm bảo quy trình từ việc phát hiện, tiếp nhận, cách ly, điều trị nếu có dịch bệnh. Ban Chỉ đạo luôn cập nhật, theo dõi diễn biến tình hình dịch cúm do virus corona gây ra để kịp thời có các giải pháp ứng phó, ngăn chặn, đẩy lùi. Việc đến ngày 16-2, học sinh, sinh viên các trường học có đi học lại hay chưa thì chưa quyết định. Sẽ công bố văn bản mới phù hợp tình hình thực tế...
Quan sát của Phóng viên báo Công an TP. Hồ Chí Minh những ngày cuối tuần vừa qua và đến hôm nay, lượng khách du lịch đến Đà Lạt vẫn có, chủ yếu bằng xe du lịch gia đình 5-7-16 chỗ; du khách chủ yếu đến từ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hoà, Đắk Lắk. Nhiều khách du lịch cho biết, họ đi theo nhóm, gia đình; ý thức, tuân thủ việc đề phòng dịch bệnh, yên tâm sức khoẻ các thành viên trong nhóm, đoàn; tránh tập trung chỗ đông người nên rất thoải mái. Tối 10-2, tại Chợ Đêm Đà Lạt, trên phố Hoà Bình, Quảng trường Lâm Viên, hồ Xuân Hương, Công viên Yersin - Đà Lạt, khá đông du khách và người dân địa phương đến đây vui chơi, đi dạo. Nhiều người dân Đà Lạt và du khách cho biết, ban ngày họ tự cách ly, hạn chế đến nơi đông người, đeo khẩu trang thường xuyên, tối đến đi dạo chơi để hưởng khí hậu Đà Lạt mát lạnh, trong lành.
Đến nay, giải pháp của ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng là không đến mức phải "đóng cửa" du lịch, nhưng tập trung tuyên truyền đến từng cơ sở lưu trú, kinh doanh... yêu cầu phục vụ và nhắc nhở du khách không tập trung đến chỗ đông người; ăn sạch, ở sạch, chủ động đeo khẩu trang, sử dụng thuốc sát, khử trùng. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo từ hạn chế đến dừng hẳn các lễ, hội du lịch, văn hoá - nghệ thuật tại địa phương.
tại Quảng trường Lâm Viên, bên hồ Xuân Hương, du khách, người dân đến vui chơi