Quân đội, công an, y tế phải đáp ứng các yêu cầu của TPHCM, trên cơ sở sát thực tế

Thứ Sáu, 27/08/2021 08:25

|

(CAO) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các lực lượng quân đội, công an, y tế phải đáp ứng các yêu cầu của TPHCM, trên cơ sở sát thực tế, khả thi, khoa học, tiết kiệm.

Chiều tối 26/8, ngay sau khi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã làm việc với lãnh đạo thành phố về các biện pháp triển khai tại địa bàn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chuyến công tác, làm việc nhằm đánh giá sơ bộ tình hình triển khai tăng cường thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố kể từ ngày 23/8.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu thảo luận, đánh giá các giải pháp đã đề ra và đang thực hiện, đồng thời rà soát để nếu có vấn đề phát sinh trong thực tiễn thì có biện pháp bổ sung, khắc phục, hoàn thiện.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, sau 3 ngày thực hiện Công điện 1099 của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay lưu lượng người dân lưu thông giảm 90% so với ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg và giảm 25% so với ngày 22/8.

Cùng với đó, thành phố đã xét nghiệm với 947.000 test nhanh kháng nguyên tại vùng đỏ, vùng cam, ghi nhận 32.700 mẫu, dương tính chiếm 3,4%. Thành phố cũng đã tiêm được 5,6 triệu liều vaccine nhưng những ngày gần đây đạt thấp.

Đối với việc quản lý, chăm sóc điều trị F0, hiện 401 trạm y tế lưu động với sự tham gia của Tổ quân y đã phát huy hiệu quả trong điều trị tại nhà, tại cộng đồng. Các trung tâm phục hồi quốc gia đi vào hoạt động, cùng với kết nối các tầng điều trị, kịp thời cứu chữa các ca chuyển nặng.

 Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi báo cáo tại buổi làm việc

Về cung ứng hàng hóa, bảo đảm an sinh xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh đã làm việc với các nhà cung ứng để cung cấp hàng hóa tới xã, phường, thị trấn, cơ bản đáp ứng nhu cầu bà con.

Thành phố đã triển khai gói an sinh 1,5 triệu đồng/hộ và đang khẩn trương cấp phát trên 540.000 gói an sinh cho các gia đình gặp khó khăn cho dịch bệnh. Thành phố cũng nỗ lực duy trì sản xuất không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa theo các phương thức bảo đảm an toàn, đặc biệt là cố gắng duy trì các hoạt động logistics.

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Y tế, các địa phương, cơ quan tiếp tục hỗ trợ thành phố về lực lượng, phương tiện và trước mắt chưa rút lực lượng, phương tiện trước ngày 15/9 để giúp thành phố triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch trong giai đoạn cao điểm này.

Phát biểu kết luận cuộc họp, thay mặt Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, các cấp chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan chức năng, các lực lượng tuyến đầu như: y tế, quân đội, công an… trong phòng, chống dịch, nhất là trong tổ chức thực hiện các chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện giãn cách xã hội; đồng thời chia sẻ sâu sắc với những mất mát của nhân dân về vật chất, tinh thần, về con người do dịch bệnh gây ra.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, sau khi đi kiểm tra tại các cơ sở về việc thực hiện tăng cường giãn cách xã hội từ ngày 23/8 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, có thể thấy, các biện pháp, chiến lược chống dịch của Thành phố đề ra là đúng đắn.

Kết quả trong 4 ngày qua có nhiều dấu hiệu tích cực như lưu lượng đi lại giảm, xét nghiệm được tăng cường, an sinh xã hội, những nhu cầu yêu cầu cơ bản của người dân dần được đáp ứng. Người lang thang, cơ nhỡ; người nước ngoài đã được đưa về tập trung để quản lý, chăm lo đời sống.

Việc phân loại, phân luồng điều trị đã đi vào nền nếp hơn; có nhiều mô hình, cách làm hay như “đi chợ hộ,” túi an sinh... được triển khai. Thủ tướng chỉ rõ, vẫn còn một số việc cần rút kinh nghiệm như một số người dân vẫn còn lúng túng không biết gọi ai khi thiếu lương thực, thực phẩm thiết yếu hoặc khi cần cấp cứu, tiếp cận y tế...

Thủ tướng cùng các thành viên đoàn công tác kiểm tra thực tế công tác phòng chống dịch tại TPHCM

Trên cơ sở đánh giá tình hình, Thủ tướng yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp theo Chỉ thị 1099, với phương châm lấy xã, phường, thị trấn làm “pháo đài,” người dân là “chiến sỹ” để lãnh đạo thống nhất trong việc thực hiện nghiêm việc giãn cách, người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó,” triệt để khắc phục tình trạng “chặt ngoài lỏng trong.”

Để làm được điều đó, phải đảm bảo cho người dân không thiếu ăn, thiếu mặc, chăm lo an sinh xã hội, tăng cường tiếp cận y tế đến gần nhân dân hơn; kêu gọi vận động, thuyết phục, đề nghị người dân chia sẻ khó khăn khi thực hiện giãn cách xã hội; vận động người dân thấy được đây là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm với chính bản thân mình và gia đình, cộng đồng.

Thủ tướng yêu cầu các lực lượng hỗ trợ dưới sự chỉ huy của cấp ủy, chính quyền, với hệ thống chính trị là nòng cốt, tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc các công điện của Thủ tướng; tiếp tục tổ chức xét nghiệm thần tốc, khoa học, hiệu quả dưới sự chỉ đạo của Thành phố theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ưu tiên các đối tượng cao tuổi, có bệnh nền… theo thứ tự phù hợp.

Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến biện pháp để giảm ca tử vong, trước hết là phải giảm F0, giảm nguồn lây, phát hiện nguồn lây thật nhanh, phải xét nghiệm thật nhanh, phân loại ngay tại cơ sở để có biện pháp chăm sóc, điều trị phù hợp, hiệu quả, giảm tải cho tuyến trên.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn việc phân loại, chuyển tuyến người nhiễm COVID-19, bảo đảm việc hỗ trợ y tế, điều trị hiệu quả, tránh lúng túng, chậm trễ.

Thủ tướng thăm hỏi, tìm hiểu cuộc sống của người dân tại TP.Thủ Đức, TPHCM

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phát huy vai trò, sự chủ động, tính sáng tạo, linh hoạt của lực lượng cơ sở, Tổ COVID cộng đồng, công an khu vực... vì đây là lực lượng gần dân nhất, nắm rõ nhất tình hình, đời sống người dân trên địa bàn.

Thủ tướng cũng đề nghị Thành phố nghiên cứu phương án di dời một số người dân ra khỏi các vùng tập trung đông dân cư; tăng cường hướng dẫn nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng về phòng chống dịch, về điều trị, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở như loa phát thanh; không chỉ chăm lo vật chất mà còn chăm lo tinh thần cho nhân dân.

Đối với công tác tổ chức, Thủ tướng yêu cầu thành lập, kiện toàn trung tâm chỉ huy phòng chống dịch tại xã, phường. Thành phố, quận, huyện phải tăng cường kiểm tra giám sát, hỗ trợ, giúp đỡ các xã, phường để thực hiện mục tiêu đã đề ra.

Các lực lượng quân đội, công an, y tế phải đáp ứng các yêu cầu của Thành phố, trên cơ sở sát thực tế, khả thi, khoa học, tiết kiệm.

Thủ tướng yêu cầu huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể xã hội, tổ chức tôn giáo và các tổ chức khác trong việc vận động, hướng dẫn, giải thích, thuyết phục và yêu cầu người dân chấp hành nghiêm việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19…

Về các đề xuất của Thành phố, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn "cao điểm nhất"; tiếp tục ưu tiên vaccine cho Thành phố trong điều kiện vaccine khan hiếm.

Nhấn mạnh yêu cầu không để ách tắc việc vận tải, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương thực hiện tăng cường giãn cách xã hội, Thủ tướng chỉ rõ, các địa phương dứt khoát không ban hành giấy phép con, nếu có thì Bộ Giao thông vận tải phải phê bình, chấn chỉnh, báo cáo Thủ tướng nếu không xử lý được.

Thủ tướng mong muốn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố cũng như các bộ, ngành, đơn vị liên quan đã quyết tâm rồi, quyết tâm cao hơn nữa, đã cố gắng rồi, cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết rồi, đoàn kết hơn nữa, đã phối hợp chặt chẽ rồi, phối hợp chặt chẽ hơn nữa, đã có kết quả rồi, đạt kết quả cao hơn nữa trong phòng, chống dịch bệnh, chăm lo đời sống nhân dân.

Tình hình dịch bệnh đến 18h ngày 26/8:

Thành phố Hồ Chí Minh:

- Số ca nhiễm: 194.108 ca.

- Số ca tử vong: 7.810 ca.

- Số tiêm chủng: 5.772.966 liều.

Trong nước:

- Số ca nhiễm: 392.938 ca.

- Số ca tử vong: 9.667 ca. Trong đó Thành phố Hồ Chí Minh: 7.810 ca; Thủ đô Hà Nội: 38 ca.

- Số ca khỏi bệnh: 188.488 ca.

- Số tiêm chủng: 18.522.203 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 16.382.658 liều, tiêm mũi 2 là 2.139.545 liều.

Thế giới:

- Số ca nhiễm: 214.942.457

- Số ca tử vong: 4.480.593

- Số ca hồi phục: 192.257.605.

Bình luận (0)

Lên đầu trang