(CAO) Dù cơn bão số 12 được dự báo ít có khả năng đổ vào TP.HCM nhưng để chủ động trong mọi tình huống và giảm thiểu tối đa nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, các cấp ngành và chính quyền nhiều địa phương trên địa bàn TP.HCM đã sớm chẩn bị các phương án để đối phó.
Trao đổi với Báo CATP, ông Lê Minh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, hiện các phương án ứng phó với bão số 12 đều đã sẵn sàng. Là xã duy nhất của TP.HCM tiếp giáp với biển, dự báo sẽ chịu tác động lớn nếu bão đổ bộ nên UBND huyện Cần Giờ đã chủ động lên phương án đối phó với cơn bão từ rất sớm.
Dự báo hướng đi của cơn bão số 12 - Ảnh: TT khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ
Theo ông Dũng, trên địa bàn toàn huyện Cần Giờ có 821 phương tiện đánh bắt thủy hải sản. Trong đó có 55 phương tiện đánh bắt xa bờ, 766 phương tiện đánh bắt ven bờ. Hiện nay, hầu hết các phương tiện đều đã về các nơi tránh trú bão an toàn. Chỉ còn 6 phương tiện đánh bắt xa bờ chưa về kịp nhưng đã được cơ quan chức năng thông báo kịp thời tình hình cơn bão để các chủ tàu này tìm nơi tránh trú an toàn.
Hiện gần 1.600 cán bộ, chiến sĩ gồm các lực lượng công an, quân đội… trên địa bàn huyện Cần Giờ huyện Cần Giờ được huy động túc trực 24/24 để chủ động đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Trong đó, 6.000 dân tại xã đảo Thạnh An và và một số hộ dân sống ven sông tuỳ theo diễn biến mức độ ảnh hưởng nặng nhẹ của bão sẽ có phương án sơ tán dân tại chỗ hoặc sơ tán dân vào đất liền để đảm bảo an toàn.
“Cùng với đó, các công trình, trường học, trụ sở UBND kiên cố cùng với các nhu yếu phẩm thiết yếu cũng đã được chuẩn bị để có phương án di dời dân đến tránh trú bão”, ông Dũng cho biết.
Ông Huỳnh Anh Tuấn – Chủ tịch xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ cho biết thêm, để ứng phó với diễn biến của cơn bão, chính quyền địa phương đã thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” và các phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy, hải sản trên biển. Đến chiều ngày 2-11, đã có 333 tàu thuyền, trong đó có 20 chiếc hoạt động xa bờ vào nơi tránh trú an toàn, 13 chiếc cũng đang trên đường vào bờ tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Hàng nghìn người dân của xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ sẵn sàng sơ tán tránh bão
Ngoài ra, chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia cố an toàn 16 chòi canh nuôi hàu và cá bè của ngư dân và vận động những người này lập tức vào bờ khi có lệnh. Cùng với đó, các thông tin về tình hình cơn bão được cập nhật thường xuyên trên đài truyền thanh xã, ấp. “Chúng tôi đã huy động 28 tàu thuyền có công suất từ 90 CV trở lên để sẵn sàng tham gia sơ tán dân khi tình hình bão diễn biến phức tạp, phải di dời dân về đất liền”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Trước đó, trong sáng ngày 2-11, UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp với 24 quận huyện và các sở ngành liên quan để triển khai các phương án, biện pháp phòng, tránh, ứng phó với bão. Ông Lê Thanh Liên – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị không được chủ quan, lơ là, chủ động phòng chống, ứng phó với mọi diễn biến phức tạp do bão số 12 gây ra.
Cùng ngày, ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM cũng đã có công văn yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP, UBND huyện Cần Giờ… thông báo, yêu cầu ngư dân và các chủ tàu thuyền đánh bắt thủy sản trên sông, biển vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn. Từ 1 giờ ngày 3-11, sẽ cấm tất cả tàu thuyền ra khơi hoạt động để đảm bảo an toàn cho ngư dân.