Áp thấp nhiệt đới sắp mạnh thành bão, TP.HCM sẵn sàng sơ tán dân

Thứ Năm, 02/11/2017 08:59

|

(CAO) Sáng sớm hôm nay (2-11), áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Nam Cà Mau - Bạc Liêu suy yếu thành một vùng áp thấp. Trong khi đó, áp thấp mới vào biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão.

Theo Trung tâm khí tượng và thủy văn Trung ương, sáng nay, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Nam Cà Mau - Bạc Liêu suy yếu thành một vùng áp thấp, gió dưới cấp 6. Dự báo, trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 10-15 km và suy yếu thêm.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có nguy cơ xảy ra một đợt mưa đặc biệt lớn và kéo dài trong nhiều ngày. Nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt diện rộng ở vùng trũng, đô thị thuộc các tỉnh nói trên rất cao.

Ven biển từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau cần đề phòng nước dâng kết hợp với kỳ triều cường cao khiến mực nước biển có thể lên tới 4-4,5m.

* Trong khi đó, áp thấp mới vào biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão số 12.

Theo Trung tâm khí tượng và thủy văn Trung ương, lúc 4 giờ sáng nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,0 độ Vĩ Bắc; 117,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 380km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 4 giờ ngày 3-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,3 độ Vĩ Bắc; 113,7 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Khu vực Nam Bộ chuẩn bị phương án đối phó áp thấp nhiệt đới kép
 

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, khu vực Giữa Biển Đông có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh.

Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 10-14 độ Vĩ Bắc; phía Đông 112,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km.

Do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh, từ đêm nay, ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; biển động.

Như vậy, đúng 20 năm sau bão Linda đổ bộ khiến hơn 3.000 người chết và mất tích, tại vùng biển phía Nam lại xuất hiện một cơn bão mới.

* Để ứng phó với khả năng áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, có thể đổ bộ vào các tỉnh phía Nam, tối qua (1-11), UBND TP.HCM khẩn cấp chỉ đạo các địa phương, đơn vị chức năng lên phương án ứng phó, trong đó có phương án di dời các hộ dân ở xã đảo Thạnh An (Cần Giờ) vào đất liền.

Thành phố yêu cầu di dời dân phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đối tượng là người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người tàn tật. Việc di dời dân phải đảm bảo an ninh, trật tự; người dân được di dời phải được đảm bảo chăm lo tốt tại nơi họ tạm cư tránh áp thấp nhiệt đới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang