(CAO) Ít ai biết được rằng sống ngay giữa đồng bằng Sông Cửu Long bốn bề sông nước nhưng người dân lại đang phải chịu cảnh “chết khát” do nước bị nhiễm mặn nặng khi mùa khô đến. Chính vì vậy, họ xem những bể chứa nước ngọt như là một thứ tài sản vô giá.
Ngày 23-3, Đoàn công tác xã hội từ thiện của Báo Công an TP.HCM do Đại tá Trần Trọng Dũng - Tổng Biên tập dẫn đầu phối hợp cùng Công ty bảo hiểm Manulife Việt Nam đã trao tặng 112 bể chứa nước ngọt cho người nghèo bị ảnh hưởng bởi hạn mặn trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc và huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
Đại diện Báo CATP và Manulife trao tặng
bể nước cho người nghèo - Ảnh: Thiên Long
Cùng đi với đoàn có ông Phan Văn Mãi, Uỷ viên TW Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bến Tre; ông Dương Vũ Thông, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo TP.HCM; ông Đào Văn Đồng, Giám đốc phụ trách chất lượng hệ thống đại lý công ty Manulife Việt Nam và lãnh đạo các phòng, ban trên địa bàn của huyện Mỏ Cày Bắc.
Theo đó, đoàn đã trao tặng 100 bể chứa nước ngọt được xây dựng kiên cố bằng xi măng có dung tích 2.000 lít/bể cho người dân 4 xã Tân Phú Tây, Phước Mỹ Trung, Hưng Khánh Trung A và xã Nhuận Phú Tân của huyện Mỏ Cày Bắc. Tổng kinh phí xây dựng 100 bể chứa nước này lên đến 200 triệu đồng. Ngoài ra, dịp này báo CATP cũng tặng thêm 12 bể chứa nước bằng nhựa cho người nghèo của xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre với tổng kinh phí 20 triệu đồng.
Niềm vui của gia đình ông Sáu khi có được bể chứa nước ngọt - Ảnh: Thiên Long
Được nhận bể chứa nước ngọt từ báo CATP và nhà tài trợ Manulife Việt Nam, ông Nguyễn Văn Sáu (51 tuổi, ngụ ấp Phước Hậu, xã Phú Mỹ Trung) không khỏi xúc động khi từ nay sẽ hết cảnh “chết khát bên dòng sông” do nước bị nhiễm mặn nặng. Ông Sáu cho biết trước khi được tài trợ tiền xây bể chứa nước, mỗi năm khoảng từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm là nước bị nhiễm mặm nặng không thể sử dụng được. Người dân phải chứa nước mưa trong những lu, khạp dung tích nhỏ nên dùng chỉ được một thời gian ngắn là hết. Thành ra, cuộc sống của người dân rất khổ cực.
Gia cảnh gà trống nuôi con bệnh tật do di chứng của chất độc da cam rất khó khăn nên ước mơ có cái bể xi măng để tích trữ nước ngọt dùng trong những tháng khô hạn nhiễm mặn đối với ông quá xa vời. “Nhiều khi hết nước ngọt phải dùng nước mặn nấu cơm ăn mặn chát nhưng cũng phải cố nuốt. Còn giờ thì khỏe quá rồi”, ông Sáu phấn khởi.
Dù ở nhà tranh nhưng người này vẫn quyết mua tấm lợp về dựng lên bảo vệ bể nước - Ảnh: Thiên Long
Cách nhà ông Sáu không xa, bà Phạm Thị Hồng (50 tuổi) xem bể chứa nước ngọt do báo CATP và nhà tài trợ tặng như là một tài sản vô giá. Bà nói bể nước này để giành khi nào hạn mặn quá mới dùng. Còn giờ nước chưa bị mặn lắm nên vẫn còn dùng được. Để nước khỏi chảy ra ngoài và cháu nhỏ không xả nước, bà Hồng dùng dây thun và bao nilon bọc chặt vòi nước để bảo quản thứ tài sản vô giá của mình. “Có trải qua nỗi khổ cực phải dùng nước mặn khi mùa khô hạn đến thì mới thấy quý những nước ngọt này như thế nào”, bà Hồng thanh minh cho hành động của mình.
Ông Đào Văn Đồng cho biết là công ty hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, Manulife luôn đặt mục tiêu phát triển bền vững lên hàng đầu. Cụ thể, doanh nghiệp chỉ có thể phát triển bền vững khi thành công đó được chia sẻ với cộng đồng, xã hội. Do đó, việc trao tặng bể nước cho bà con vùng bị ảnh hưởng bởi nước mặn xâm nhập là một hoạt động ý nghĩa thiết thực mà Manulife muốn chia sẻ với bà con và chính quyền tại Bến Tre.
Bà Hồng cột chặt vòi bằng bao nilon và dây thun để giữ gìn những giọt nước ngọt vô giá - Ảnh: Thiên Long
Thay mặt chính quyền địa phương, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đã gửi lời cảm ơn sâu sắc và trao tặng bằng khen cho Báo Công an TP.HCM và nhà tài trợ Manulife đã hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi nạn xâm nhập mặn. Ông Mãi cho biết thêm, tình hình nhiễm mặn trên địa bàn ngày càng diễn biến phức tạp. Trước đây, một số vùng trong tỉnh Bến Tre như huyện Châu Thành chưa bị nhiễm mặn thì nay cũng đã bị ảnh hưởng. Trong năm 2016, toàn địa bàn tỉnh Bến Tre bị nước mặn xâm nhập, gây thiệt hại ước tính trên 1.500 tỷ đồng, khiến cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Bà Lê Thị Trang, Chủ tịch UBMTTQ huyện Mỏ Cày Bắc cho biết thêm do là huyện mới được thành lập từ năm 2009, người dân sống chủ yếu dựa vào làm vườn nên thu nhập rất bấp bênh. Theo khảo sát mới đây, trên toàn địa bàn huyện có gần 5.500 hộ nghèo và cận nghèo, chiếm gần 17% tổng số hộ dân. Trong đó, có gần 1.500 hộ thiếu dụng cụ chứa nước ngọt cần được hỗ trợ từ cộng đồng, xã hội. Qua báo CATP, chính quyền địa phương rất mong nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các mạnh thường quân để hỗ trợ những người dân còn khó khăn có bể chứa nước ngọt, vượt qua thời điểm khó khăn khi mùa xâm nhập mặn đang bắt đầu.
Đại tá Trần Trọng Dũng nếm thử những giọt nước mát lành từ bể chứa - Ảnh: Thiên Long
Trước đó người dân phải chứa nước trong những lu, khạp nhỏ - Ảnh: Thiên Long
Đời sống của người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn - Ảnh: Thiên Long
Với những người dân nghèo nơi đây, bể nước là thứ tài sản vô giá - Ảnh: Thiên Long
Phó Bí thư tỉnh ủy Bến Tre tặng bằng khen cho Báo CATP và nhà tài trợ - Ảnh: Thiên Long