Bán đất mộ trái phép trong rừng đặc dụng

Thứ Năm, 12/01/2017 00:09  | Hoàng Quân

|

(CAO) Biết được nhu cầu cần đất để chôn cất và sự thiếu hiểu biết của người dân, một số đối đối tượng lừa bán đất để xây phần mộ trong khu rừng đặc dụng tại Huế.

Người dân chịu cảnh “tiền mất tật mang”, còn tình hình an ninh trật tự mất ổn định, vấn đề tâm linh bị xáo trộn nghiêm trọng.

Theo chân “cò” đất mộ trong rừng phòng hộ

Từ thông tin của người dân phản ánh về việc nhiều người dân có nhu cầu mua đất tại khu vực rừng đặc dụng có chức năng phòng hộ, sinh thái tại phường An Tây (TP.Huế) và xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế) để làm nơi an táng, sẽ được một số người “có trách nhiệm” bán, vừa qua, chúng tôi đã xâm nhập đường dây bán đất xây mộ phần này.

Khu đất trong rừng đặc dụng mà “cò” lừa bán cho người dân để chôn cất mộ

Liên hệ với ông Võ Thành Trọng (ngụ khu tái định cư Kim Sơn, thôn Kim Sơn, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy). Theo hẹn, chúng tôi lên nhà hàng Ngọc Linh thì thấy ông Trọng đang đứng chờ rồi dẫn theo đường nhựa lên đồi Trục Voi.

Sau 10 phút leo dốc lên đỉnh đồi, ông Trọng chỉ vào một khu đất trống và nói đất này sẽ bán để xây mộ. Ông Trọng nói: “Vị trí này rất thuận lợi. Con đồng ý thì đặt cọc cho chú làm. Khi nào có người nhà, thầy địa lên thì điện cho chú rồi chú dẫn đi. Vào quán nước bên đường cạnh trụ sở cũ của UBND xã Thủy Bằng, hỏi chủ quán tên Mai thì người này cũng “đồng tâm hiệp lực” với ông Trọng. Ông Trọng nói tiếp: “Bên kia có hơn 100m2 nhưng mỗi mét 700 trăm nghìn đồng. Còn đất trên núi Trục Voi mỗi mét khoảng 250 – 300 nghìn đồng”.

Bình quân xây một mộ ông Trọng nhận thi công với giá 3,5 - 4 triệu đồng. Còn xây mộ lớn hơn thì đắt hơn nữa. Ông Trọng khoe làm lăng mộ có thâm niên, kinh nghiệm, có uy tín. Chúng tôi bày tỏ lo lắng khi đem người lên an táng sẽ bị ngăn cản, đập phá mộ.

Ông Võ Thành Trọng chuyên cò bán đất trái phép

Ông Trọng khẳng định: “Mình có tiền mình mua đất, đem lên chôn là quyền của mình. Đã làm cho bay là đã có trách nhiệm, sắp xếp mọi cái ổn thỏa, bay không có gì phải lo cả. Không cần ai bảo kê hoặc ai dám phá. Các nơi tới đây đều đến chôn cả, có ai lo lắng gì đâu và chưa xảy ra việc gì”.

Ông Trọng gợi ý đặt cọc tiền và chúng tôi đưa trước 1 triệu đồng. Ông Trọng ghi biên nhận: “Hôm nay ngày 19-8-2016, tôi có nhận tạm ứng 1.000.000 đồng của anh Nguyễn Hữu T. (trú xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) để bán và cấp đất an táng cho 12 ngôi mội được giải phóng mặt bằng. Vị trí ở đồi Trục Voi (dưới đường dây điện 500kV). Nếu sau này có xảy ra vấn đề về tranh chấp đất đai thì ông Trọng sẽ là người đứng ra làm việc và chịu trách nhiệm về phần đất đã bán và cấp trên”.

Một “cò” đất mộ nữa là ông Nguyễn Ch. (ngụ thôn Kim Sơn, xã Thủy Bằng). Ông Ch. nổi tiếng trong việc um mộ gió (lập mộ gió) để chiếm đất sau đó giới thiệu cho những người có nhu cầu đến mua. Năm ngoái, ông Ch. được ký hợp đồng làm nhân viên bảo vệ rừng của Lâm trường Tiền Phong.

Tháng 10-2016, ông Ch. được ông Phan Nhật Trường (ngụ phường An Đông, TP.Huế) thuê xây 6 ngôi mộ trên đỉnh đồi Trục Voi, bên dưới đường dây điện 500kV. Tuy nhiên, tập kết vật liệu (đá hộc, cát, xi măng, bia,…) đến xây mộ thì bị UBND xã Thủy Bằng phát hiện và buộc đình chỉ.

Ông Lê Văn Thìn – Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng cho biết: “Ông Ch. có đưa ra văn bản đồng ý do UBND xã xác nhận (do ông Nguyễn Thanh Nguyên - phó Chủ tịch UBND xã ký) đồng ý cho xây mộ nhưng văn bản này không hợp lệ”.

Nguyên do văn bản này có “vấn đề” khi không có số và chỉ là bản photo (có công chứng). Hơn nữa, việc giải quyết về nơi chôn cất, xây lăng mộ đều do ông Thìn thực hiện nên nếu có chữ ký của ông Nguyên là không đúng thẩm quyền.

“Cò” Trọng “lủi” mất tích

Vào sáng 31-12-2016, phóng viên liên hệ với ông Trọng và nói gia đình đã đến hiện trường để chuẩn bị các thủ tục trên phần đất đã đặt cọc trước trên đồi Trục Voi. Ông Trọng nói sẽ đến ngay lập tức. Chúng tôi đến đồi Trục Voi thì một số cán bộ, bảo vệ của Công ty lâm trường Tiền Phong đến kiểm tra.

Các cán bộ cho biết phần đất này thuộc khoảnh 1, tiểu khu 154 là đất rừng đặc dụng, do lâm trường quản lý, sử dụng; không ai được xâm phạm, làm thay đổi hiện trạng đất. Và việc chôn cất, xây lăng mộ là trái phép.

Chúng tôi ngỡ ngàng, nhìn sang ông Trọng thì thấy ông đã trốn mất. Các cán bộ cho biết ông Trọng chuyên lừa bán đất và lừa xây lăng mộ cho người dân. Nhiều người đã bị ông Trọng lừa lấy tiền đặt cọc sau đó trốn. Theo tìm hiểu của phóng viên và xác minh từ chính quyền địa phương thì ông Trọng có hai căn nhà tại khu tái định cư Kim Sơn (thôn Kim Sơn, xã Thủy Bằng), gồm một căn nhà cấp 4 và một căn nhà 2 tầng.

Tuy nhiên, ông Trọng không có hộ khẩu ở xã Thủy Bằng mà có hộ khẩu ở phường An Tây. Khi có việc gì (ngoài việc liên hệ mua đất, xây mộ,...) tìm ông Trọng thì rất khó bởi ông thường trốn tránh. Vì thế người này được gắn với cái tên “Trọng lủi”.

Cán bộ UBND xã Thủy Bằng và cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng của lâm trường cũng hay mời ông Trọng đến để làm rõ các phản ánh của người dân về việc được ông Trọng giới thiệu bán đất trong rừng nhưng ông Trọng không đến.

Khu rừng đặc dụng trên được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế giao cho do Công ty lâm trường Tiền Phong (trụ sở tại thôn Kim Sơn, xã Thủy Bằng) quản lý và sử dụng.

Ông Lê Quang Tuấn – phó Trung tâm khoa học kỹ thuật và sản xuất nông lâm nghiệp Thiên An (thuộc Công ty lâm nghiệp Tiền Phong), phụ trách quản lý bảo vệ rừng của trung tâm này khẳng định không hề có chuyện cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng của trung tâm, của công ty câu kết, móc nối với các đối tượng khác để bán đất xây mộ cho người dân.

Nhiều khu vực rừng thông có chức năng phòng hộ bị các đối tượng rao bán trái phép

Ông Tuấn cho biết: “Những năm trước đây, có tình trạng người dân địa phương thường vào rừng chôn cất xây lăng mộ. Một số người ở các nơi khác cũng đến chôn cất. Do ở đây có địa hình thuận lợi: đồi núi, rất cao ráo, sạch sẽ, vị trị giáp thành phố nên cũng thuận tiện và chi phí cũng thấp hơn so với việc chôn cất, xây mồ mả ở các nghĩa trang.

Tuy nhiên từ khi Công ty lâm nghiệp Tiền Phong được tỉnh giao đất thì chúng tôi bảo vệ nghiêm ngặt. Thực tế vẫn có một số đối tượng sinh sống ở xã Thủy Bằng và phường An Tây lén lút um mộ gió, giành đất trong rừng đặc dụng sau đó mối lái, rao bán cho người dân. Anh em cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng cũng hay tổ chức kiểm tra, phát hiện có mộ gió là phá ngay.

Nếu thấy người nào chặt phá cây thông, xây mộ thì chúng tôi buộc đình chỉ và xử phạt hoặc kiến nghị chính quyền địa phương xử lý. Một số trường hợp có mộ cũ mà có nhu cầu sửa chữa, cải tạo thì chúng tôi hướng dẫn người dân làm đơn xin lãnh đạo công ty và UBND xã xem xét, xử lý. Không có chuyện cho người khác chôn cất, xây mồ mả trong rừng đặc dụng”.

Ông Tuấn cho biết thêm, dù nắm được một số đối tượng cò đất mộ, giành phần đất trong rừng phòng hộ nhưng không có cơ sở để xử lý bởi không thể bắt được quả tang, không có nhân chứng, vật chứng.

Ông Lê Văn Thìn - Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng khẳng định: “Xã kiên quyết ngăn chặn việc chôn cất, xây dựng mộ trong khu vực rừng trên địa bàn nằm ngoài diện tích quy hoạch nghĩa trang của địa phương. Một số phần mộ cũ nếu xin sữa chữa, cải tạo thì phải làm đơn để xã xem xét và giải quyết một cách hợp tình, hợp lý”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang