Bị dính thủ đoạn lừa đặt tiệc, nhà hàng Vừng Ơi bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 526 triệu đồng
Chiều 4/5, Đại tá Trương Minh Đương - Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị thụ lý đơn tố cáo khẩn trương điều tra, làm rõ sự việc. Cùng ngày, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã nhận đơn trình báo của nhà hàng Vừng Ơi (đường Thánh Mẫu, P.7, TP Đà Lạt) về việc bị nhóm lừa đảo gọi điện đặt tiệc đãi khách, nhờ nhà hàng mua rượu, sâm, chiếm đoạt 526 triệu đồng, và đang tiến hành các hoạt động điều tra.
Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng dịp lễ, cuối tuần, gần cuối giờ trưa, chiều, lúc nhà hàng đông khách, chủ, quản lý nhà hàng bận rộn, chúng gọi điện thoại đến đặt tiệc cho mấy chục người trở lên, sau đó nhờ đặt mua thêm rượu, sâm - loại không phổ biến, khó tìm, sau đó giới thiệu chỗ bán và cho số điện thoại để người của nhà hàng trực tiếp đặt mua, nhập vào bữa tiệc; kẻ lừa đảo làm giả giao dịch chuyển khoản tiền đặt cọc… sau đó mất hút.
Anh Nguyễn Đình Quốc Huy, chủ nhà hàng Vừng Ơi, cho biết, ngày 1/5, nhà hàng nhận được điện thoại của một người giới thiệu tên là Việt Thanh bên “Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh” đặt tiệc cho 20 khách, với giá 350.000 đồng/suất ăn.
Sau đó, họ gởi hình chai rượu, yêu cầu nhà hàng chuẩn bị loại rượu này để họ đãi khách. Nhìn mẫu mã chai rượu thuộc loại không phổ biến, nhà hàng báo với khách tìm mua không có loại rượu này.
Người xưng tên Việt Thanh nói có quen đơn vị cung cấp loại rượu trên và gửi số điện thoại qua zalo để nhà hàng đặt mua.
Khi nhân viên nhà hàng cập nhật số điện thoại trên vào zalo thì thấy hiện lên "Cửa hàng xuất nhập khẩu…" Theo yêu cầu của Việt Thanh, nhà hàng đã đặt mua tổng cộng 20 chai rượu, 40 hộp sâm thường, 10 hộp sâm VIP. Để tạo sự tin tưởng Việt Thanh chuyển hình sao chụp giao dịch chuyển khoản từ Ngân hàng Agribank vào tài khoản nhà hàng Vừng Ơi.
Kiểm tra tài khoản không thấy số dư biến động, tuy nhiên, anh Huy nghĩ do ngày nghỉ lễ nên tiền khách chuyển vào tài khoản có thể hệ thống bị nghẽn giao dịch, bị chậm. Với phương châm "khách hàng là trên hết"; lại "lu bu" không kiểm tra số dư tài khoản và yên tâm trước sau sẽ nhận được tiền vì mẫu giao dịch y như các giao dịch chuyển tiền thật, trong chiều 1/5, nhà hàng Vừng Ơi đã 5 lần chuyển tiền vào tài khoản mang tên Dương Ngọc Khánh (ngân hàng Vietcombank) để mua rượu và sâm giúp khách đặt tiệc.
Vậy nhưng đến tối 1/5, không thấy bên "cửa hàng xuất nhập khẩu…" giao rượu và sâm như đã hẹn và cũng không thấy khách tới đãi tiệc, lúc này anh Huy mới té ngửa bị dính bẫy lừa đảo.
Nhà hàng An Mộc bị lừa mất 240 triệu đồng
Ngay trong đêm 1/5 anh Huy đến Công an TP Đà Lạt trình báo vụ bị lừa đảo gần 527 triệu đồng. Theo quy định của Bộ luật hình sự, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên 500 triệu đồng thuộc thẩm quyền của Công an tỉnh thụ lý, Công an TP Đà Lạt đã hướng dẫn anh Huy đến Trực ban Công an tỉnh Lâm Đồng gởi đơn trình báo vụ việc để cơ quan chức năng xem xét, xử lý.
Trước đó, ngày 2/5, đại diện nhà hàng An Mộc (đường Pasteur, P.4, TP Đà Lạt), cho biết cũng bị dính bẫy lừa như trên, các đối tượng dùng thủ đoạn như với nhà hàng Vừng Ơi, chiếm đoạt của nhà hàng số tiền 240 triệu đồng.
Theo trình bày của chị N.T.B.H., kế toán nhà hàng An Mộc, sáng 30/4, có người đàn ông gọi điện tự xưng tên là Hải, công tác ở một cơ quan nhà nước trên địa bàn H.Di Linh (Lâm Đồng), muốn đặt phòng ăn cho 20 – 25 người vào buổi tối cùng ngày, đồng thời yêu cầu nhà hàng chuẩn bị 12 chai rượu vang Twomey.
Chị H. báo cho người này biết nhà hàng không có loại rượu vang trên và tìm mua ở Đà Lạt cũng không có.
Đúng theo "kịch bản", người xưng tên Hải nói có quen đơn vị cung cấp loại rượu trên và gửi số điện thoại số 0328.513.373 có tên “Cửa hàng xuất nhập khẩu…” để nhà hàng đặt mua. Chiều lòng khách, chị H. đặt mua 12 chai rượu và chuyển khoản ngay 28,6 triệu đồng vào tài khoản mang tên Dương Ngọc Khánh - ngân hàng Vietcombank. (Đây cũng là tên chủ tài khoản của nhóm lừa đảo một ngày sau đó lừa nhà hàng Vừng Ơi- PV).
Nhóm lừa đảo giả mẫu giao dịch tiền chuyển khoản của các ngân hàng y như thật nên "con mồi" dễ bị sập bẫy
Tiếp đó, người xưng tên Hải gọi điện đến nhà hàng nói cần mua sâm làm quà tặng và nhờ nhà hàng mua giúp luôn. Chị H. nói không có sẵn tiền để mua. Nhằm tạo lòng tin, “khách đặt bàn” xin số tài khoản của nhà hàng để chuyển tiền. Sau đó, người này báo đã chuyển tiền mua sâm, kèm theo ảnh chụp giao dịch chuyển khoản từ ngân hàng Agribank.
Dù tiền vẫn chưa vào tài khoản của nhà hàng, nhưng giống như anh Huy - chủ nhà Vừng Ơi, chị H. nghĩ rằng do ngày nghỉ lễ kẹt mạng nên tiền chưa qua tài khoản nhà hàng, yên tâm chiều lòng "khách VIP".
Chắc mẩm tiền "khách" đã chuyển vào tài khoản, chị H. huy động tiền của một số người để chuyển mua 20 hộp sâm là 47,7 triệu đồng cho nhà cung cấp rượu, sâm do Hải giới thiệu.
Thoáng lo âu, chị H. kiểm tra tài khoản vẫn chưa thấy tiền "khách" chuyển tiền nhờ mua sâm nên báo lại Hải. Người xưng tên Hải gửi tiếp bản chụp sao kê “đã trừ tài khoản” nên kế toán nhà hàng tin tưởng tiếp tục gửi thêm 88,2 triệu đồng tiền mua sâm. Tuy nhiên sau đó không thấy nhà cung cấp mang rượu, sâm đến, điện thoại không liên lạc được; đến tối không thấy "khách đặt tiệc" đến, quản lý nhà hàng An Mộc biết mình đã bị lừa nên đã làm đơn tố cáo đến Cơ quan Công an.
Hiện sự vụ đang được Cơ quan điều tra Công an TP Đà Lạt thụ lý điều tra.
Được biết, thủ đoạn lừa đảo kiểu này mới xuất hiện từ đầu năm 2023. Chúng đã lừa một số nhà hàng ở các TP.Vinh (Nghệ An), Nha Trang (Khánh Hoà). Báo chí đã có các bài viết cảnh báo. Người dân, nhất là các chủ nhà hàng, cơ sở kinh doanh cần nâng cao tinh thần cảnh giác với các kiểu lừa đảo, phòng ngừa kẻ gian.
Chúng chat zalo nói chuyện, chuyển mẫu giao dịch chuyển tiền thành công như thật làm bị hại mất cảnh giác