(CATP) Công việc ổn định luôn là mục tiêu phấn đấu của sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học. Hình thức tìm việc qua mạng xã hội, các kênh việc làm trực tuyến, diễn đàn rao vặt, nhóm tuyển dụng... dễ thu hút đông đảo người tìm việc tham gia. Tuy nhiên, đây cũng là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo...
Vừa tốt nghiệp đại học ra trường với chuyên ngành thiết kế nội thất, L.N.T (SN 2001, quê Tiền Giang; tạm trú Q12) chạy đôn, chạy đáo tìm một công việc để trang trải cho cuộc sống nơi thành thị. Để thuận tiện cho việc đi làm của T., ba mẹ T. ở quê vay mượn tiền để mua cho con trai chiếc xe máy Yamaha Exciter. Có được xe, trong lòng T. khấp khởi mừng thầm và hứa sẽ làm việc chăm chỉ, kiếm được tiền nhằm giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
Tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội, thấy có một công ty xây dựng đang cần tuyển vị trí thiết kế nội thất nên T. gửi thông tin ứng tuyển. Hồi hộp chờ đợi, vài ngày sau T. nhận được cuộc gọi từ một người đàn ông tự giới thiệu là quản lý nhân sự của công ty này. Sau phần hỏi về trường và ngành học của T., người này yêu cầu T. mang hồ sơ đến phỏng vấn, đồng thời cung cấp địa chỉ công ty tại thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi rồi cúp máy...
Sau cuộc điện thoại, T. háo hức chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết cho hồ sơ xin việc với hy vọng buổi phỏng vấn diễn ra thành công tốt đẹp. Đầu giờ chiều 05-11, T. điều khiển xe máy Yamaha Exciter đến địa chỉ người đàn ông đã cung cấp.
Trong lúc T. đang loay hoay tìm kiếm và hỏi thăm người bán trái cây bên lề đường về công ty xây dựng mình đang tìm, một người đàn ông tiến lại gần chào hỏi: "Em đến phỏng vấn à?". Nhìn thấy anh ta mặc đồng phục bảo vệ, T. lịch sự trả lời: "Dạ đúng rồi anh!". "Anh là bảo vệ của công ty. Sếp dặn anh đón em qua bên kia phỏng vấn, văn phòng công ty xây chưa xong", người đàn ông đề nghị và chỉ T. đi sang cửa hàng thời trang bên kia đường để xe máy. Cảm thấy bất an, lo lắng, T. liền lên tiếng hỏi: "Để xe ở đó có được không anh?". Nhân viên bảo vệ nhanh nhảu đáp: "Em cứ yên tâm để xe ở đây đi, anh sẽ giữ cho".
Trước lời đề nghị trên, T. có chút lưỡng lự, song thấy người đàn ông mặc đồ nhân viên bảo vệ, hơn nữa biết rõ thông tin về việc hôm nay mình đến phỏng vấn nên tin tưởng giao xe. Nhanh chân băng qua đường để đến công ty phỏng vấn, T. bước vào căn nhà đang xây thì không thấy ai. Mối nghi ngờ càng hiện rõ nên T. vội sang quán nước bên cạnh hỏi thăm. Qua trao đổi với chủ quán, T. mới vỡ lẽ không có công ty xây dựng đăng tuyển dụng. Nghe đến đây, T. bắt đầu toát mồ hôi hột. Nghi có điều chẳng lành, T. hốt hoảng băng qua đường thì hỡi ơi, chiếc xe máy mới mua của mình đã "không cánh mà bay" cùng với gã "nhân viên bảo vệ" bất nhân.
Từ vụ việc trên cho thấy, đối với các sinh viên mới ra trường, muốn tìm một công việc đúng chuyên ngành không phải dễ. Lợi dụng điều này, các đối tượng xấu đã đăng tải thông tin tuyển dụng việc làm trên mạng xã hội nhằm tìm kiếm những "con mồi" nhẹ dạ cả tin nhằm chiếm đoạt tài sản. Câu chuyện mà T. gặp phải là bài học cảnh giác dành cho mọi người trong việc bảo quản tài sản trước những thủ đoạn tinh vi, khó lường của tội phạm lừa đảo.