Gia tăng tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”

Thứ Hai, 16/12/2019 08:01  | Mai Hà

|

(CATP) Trong thời gian qua, hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn Hà Nội đang có chiều hướng gia tăng, đã len lỏi vào từng ngõ ngách phố phường Hà Nội thậm chí lan cả đến các vùng nông thôn, kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy liên quan đến hoạt động này... đồng thời gây nhức nhối trong nhân dân…

Tín dụng đen” len lỏi từ nông thôn đến thành thị

Theo báo cáo của CATP Hà Nội, trước năm 2016, hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự bất hợp pháp đã và đang trở thành vấn nạn của xã hội, len lỏi từ vùng nông thôn đến thành thị, gây mất ANTT trong xã hội và thiệt hại kinh lớn cho người dân, doanh nghiệp, quá trình hoạt động loại tội phạm này đã dân đến nhiều hậu quả gây bất ổn xã hội, ảnh hướng đến ANTT trên địa bàn.

Cũng theo báo cáo: Trong 3 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 231, các đơn vị nghiệp vụ CATP đã phát hiện hơn 1.000 vụ việc có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó có 244 vụ phạm pháp hình sự với 589 đối tượng có liên quan và 760 vụ việc đổ chất bẩn, chất thải xác định có mâu thuẫn bắt nguồn từ hoạt động vay, cho vay tài chính, cầm đồ.

Trong 244 vụ phạm pháp hình sự đã xử lý hình sự 166 vụ với 474 bị can, chiếm 68% tổng số vụ phạm pháp hình sự liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", đặc biệt trong số này chủ yếu là các tội cố ý gây thương tích và cướp tài sản.

Quá trình triển khai, các đơn vị đã phát hiện, triệt phá được 44 ổ nhóm tội phạm có tổ chức, 114 đối tượng hoạt động “tín dụng đen”; xác lập nhiều chuyên án trinh sát đấu tranh triệt phá như ổ nhóm Hải “bay”, Phùng Văn Lợi, Hải “bát giới”, Quang “rambo”, Tiến “trắng”... không để các ổ nhóm, đối tượng hoạt động công khai, gây nhức nhối trong xã hội.

Nguyên nhân của tình trạng này

Cũng theo báo cáo, nguyên nhân của tình trạng này là do lối sống buông thả của một bộ phận người dân, nhất là thanh, thiếu niên không có việc làm ổn định, tham gia cờ bạc, nghiện ma túy… dẫn đến tình trạng “vay nóng trả nợ với lãi suất cao.

Quang “rambo” và các đối tượng làn em cùng tang vật vụ án

Bên cạnh đó, sự phục hồi, phát triển nóng của nền kinh tế trong thời gian dài đã đẩy nhu cầu vay vốn trong kinh doanh của người dân lên cao. Sự nở rộ của các hoạt động “tín dụng đen” giúp cho một bộ phận người dân tiếp cận được nguồn vốn phục vụ nhu cầu, tuy nhiên mặt trái của các hoạt động này kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn TP.

Phương thức thủ đoạn của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường không mở cửa hàng mà chủ yếu tiếp cận với người có nhu cầu vay nợ bằng nhiều thủ đoạn: rải tờ rơi, dán quảng cáo, đăng thông tin cho vay nợ trên mạng Internet, mạng xã hội Zalo, Facbook.

Đặc biệt, một số đối tượng lôi kéo, co cụm hoạt động khép kín thành các băng ổ nhóm tội phạm có tổ chức “núp bóng doanh nghiệp”, thành lập công ty tài chính có chân rết ở nhiều tỉnh thành, quận, huyện; có quy chế hoạt động, trái pháp luật làm bình phong che giấu các hành vi vi phạm pháp luật.

Hình thức cho vay nợ rất da dạng và tinh vi, các đối tượng yêu cầu người vay tiền viết giấy vay nợ với rất đa dạng và tình vi như yêu cầu người vay tiền viết giấy vay nợ với số tiền cao hơn số thực vay (cộng luôn cả tiền lãi để không thể hiện cho vay nặng lãi).

Người vay tiền bị các đối tượng cắt luôn lãi suất, sau đó hàng ngày đóng tiền cho khoản vay đến khi đủ số tiền gốc; vay tiền dưới hình thức viết giấy xin việc, mua bán thuê ô tô, xe máy để khi người vay mất khả năng thanh toán sẽ gửi đơn đề nghị đến cơ quan Công an… lãi suất thường là 2.000 đồng/1 triệu/ngày (185,5%/năm); nhiều trường hợp là 7.000 đến 10.000đ/ 1 triệu/1 ngày (250 đến hơn 300%/năm).

Tất cả các khoản lãi suất không được ghi trên giấy tờ mà chỉ được thỏa thuận miệng nên gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý khi có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra. Khi đi đòi nợ, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn để gây sức ép với con nợ và thân nhân của họ, như: đổ chất bẩn, chất thải… để uy hiếp…

Ngoài ra, các đối tượng “tín dụng đen” còn có xu hướng cấu kết với đối tượng là người tỉnh ngoài, mở rộng địa bàn, thành lập cơ sở, “chân rết” hoạt động trên địa bàn rộng. Nếu như trước đây, hoạt động “tín dụng đen” tập trung nhiều ở các quận nội thành, khu công nghiệp thì nay đã len lỏi đến các huyện, địa bàn nông thôn.

Việc hình thành nhiều cơ sở kinh doanh cầm đồ tín dụng không có quy hoạch, không được cấp phép đã nảy sinh mâu thuẫn trong kinh doanh, kéo theo đó là tranh chấp địa bàn dẫn đến các hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích…

Thậm chí đã xuất hiện tình trạng các đối tượng người Hà Nội liên kết với các đối tượng lưu mạnh ở những địa bàn giáp ranh khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, xô xát các đối tượng tập trung hàng chục đối tượng mang theo hung khí để gây thanh thế và sẵn sàng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.

Đối tượng cầm đầu hoạt động “tín dụng đen” chủ yếu là các đối tượng hình sự cộm cán, nhiều tiền án, tiền sự có biểu hiện nằm im, hoạt động cầm chừng, không trực tiếp đứng tên, thường đứng sau chỉ đạo nhằm trốn tránh sự chú ý của cơ quan chắc năng; thường sử dụng các đối tượng người tỉnh ngoài, đối tượng lưu manh mới nổi ở các tỉnh lân cận và trên địa bàn để thực hiện các hành vi: xiết nợ, đòi nợ thuê, đe dọa, khủng bố tinh thần con nợ…

Đối tượng vay nợ càng càng đa dạng về thành phần từ học sinh, sinh viên, gái dịch vụ, nhân viên văn phòng…

Theo Đại tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội, trước thời điểm triển khai Kế hoạch 231, số lượng cơ sở kinh doanh cầm đồ, kinh doanh tài chính trên địa bàn thành phố qua điều tra cơ bản xác định là rất lớn, không thiếu các cơ sở đứng sau là những đối tượng hình sự tổ chức.

Trong khi đó, nhiều trường hợp người bị hại không dám trình báo vì bị các đối tượng đe dọa, khống chế, dẫn đến khó khăn trong phát hiện, điều tra, bắt giữ đối tượng. Nhiều đối tượng “lách luật” để hoạt động “tín dụng đen” như cầm đồ - là hoạt động kinh doanh có điều kiện, nhưng lại treo biển kinh doanh - tư vấn tài chính, là những ngành chưa được quản lý như ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhằm đối phó với cơ quan chức năng.

Đại tá Nguyễn Bình nhìn nhận, trong thời gian tới với những ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen” lớn, phức tạp, các đơn vị cần xác lập chuyên án truy xét và tập trung lực lượng, phương tiện nhanh chóng điều tra làm rõ.

Đặc biệt, khi tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố các vụ việc liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", cần phân loại tố giác đối với các vụ án hình sự, đảm bảo thực hiện nhanh chóng, kịp thời. Có sự phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu giữa các cơ quan khối nội chính và các Cục nghiệp vụ, Công an các tỉnh bạn, thì công tác đấu tranh phòng chống tội phạm “tín dụng đen” đạt hiệu quả hơn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang