(CATP) Tại TPHCM, không khó để bắt gặp cảnh những chiếc xe ba gác máy, xe lôi với phần động cơ phía trước là "xe mù” (không đèn, không biển số, không còi...), còn phần sau là thùng tự chế chất hàng hóa cồng kềnh, kể cả những tấm tôn, thanh thép sắt lẹm. Những chiếc xe này đã và đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân khi lưu thông trên đường vì thiếu an toàn, ai cũng lo sợ tìm cách "né đi cho chắc".
Trên thực tế, xe ba gác máy, xe lôi tự chế "có đất sống" nhờ sự tiện lợi, có thể chở nhiều loại hàng hóa với giá rẻ. Các bác tài sẵn sàng chở hàng cồng kềnh, quá tải trọng và không ngại di chuyển trong nội thành vào các khung giờ cấm xe tải lưu thông hoặc giờ cao điểm.
Liên tiếp xảy ra va chạm giao thông
Với vị thế là trung tâm kinh tế năng động của cả nước, nhu cầu vận chuyển hàng hóa tại TPHCM rất lớn. Các loại xe ba gác, xích lô và xe ba bánh tự chế sinh ra để đáp ứng nhu cầu đó, đồng thời lại gây ra nhiều vấn đề về trật tự, an toàn giao thông. Đã có không ít vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra liên quan đến các loại xe này. Lực lượng chức năng TPHCM vẫn nỗ lực tăng cường giám sát, xử phạt, nhưng đến nay vẫn chưa chấm dứt hẳn được tình trạng các loại phương tiện vi phạm lưu thông trên đường.
Khi nhắc đến các vụ TNGT liên quan đến xe chở hàng tự chế, phải kể đến vụ va chạm xe thương tâm khiến một phụ nữ tử vong tại Q10 vào gần cuối năm 2023. Sáng 07/11/2023, người phụ nữ hơn 60 tuổi lái xe máy lưu thông trên đường Ba Tháng Hai (P10, Q10) đã tông vào bó sắt hộp chở trên xe xích lô do người đàn ông đi bộ đẩy di chuyển cùng chiều. Cú tông mạnh vào ngực khiến nạn nhân ngã xuống đường, tử vong tại chỗ. Một vụ khác xảy ra vào tháng 5/2024, anh L.V.H (34 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) điều khiển xe máy dừng trước trụ đèn giao thông đang đỏ tại ngã tư Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận), bị chiếc xe ba gác chở sắt tông trúng từ phía sau. Người chạy xe ba gác là ông T.V.B (50 tuổi, ngụ Q8) cho biết đã không kiểm soát được chiều dài của bó sắt nên không thắng kịp. Cú va chạm khiến anh H. bị thương, phải nhập viện cấp cứu.
Xe ba gác máy, xe tự chế chuyên chở thuê đậu tràn lan trên đường
Cũng trong tháng 5/2024, trên đường Nguyễn Văn Linh đoạn gần khu vực cầu Ông Lớn (H.Bình Chánh), một xe xích lô chở tôn bất ngờ bị lật do mất thăng bằng khi chạy quá tốc độ. Nhiều người lưu thông bằng xe máy xung quanh trải qua một phen hú vía, một số té xe do thắng gấp để tránh chiếc xe xích lô gặp nạn. May mắn là không xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Ông V.H.T (45 tuổi) - người lái xe xích lô - cho biết do các tấm tôn không được cuộn lại, quá cồng kềnh nên khi gió thổi mạnh khiến xe bị chao đảo rồi lật ngang.
Điều đáng nói là dù lực lượng chức năng TPHCM đã nhiều lần ra quân xử lý các phương tiện có hành vi chở hàng cồng kềnh, vượt quá giới hạn quy định, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa chuyển biến tích cực. Theo ghi nhận của phóng viên, chiều 12 và 13/7/2024, tại nhiều tuyến đường ở nội thành thuộc các quận 5, 8, 10, Tân Bình..., người đi đường vẫn bắt gặp các chiếc xe xích lô, xe ba gác chở thanh sắt dài, tấm tôn sắc bén, hàng quá khổ, cồng kềnh lưu thông. Những xe này không chỉ lấn chiếm mặt đường, cản trở giao thông mà còn thực sự nguy hiểm đối với người dân và phương tiện di chuyển xung quanh. Chỉ một thoáng mất tập trung, không chú ý quan sát, người đi đường có thể bị những thanh sắt nhọn va trúng bất cứ lúc nào.
Vài triệu đồng một chiếc xe tự chế
Phần lớn số xe tự chế, xe ba gác 3 - 4 bánh chở hàng cồng kềnh chạy vi vu trên đường được kéo bởi những xe máy chỉ còn khung sắt trơ trụi, hoàn toàn không có đèn, còi, không gắn biển số, còn được gọi là "xe mù”. Do giá rẻ chỉ vài triệu đồng/chiếc, những xe máy này vẫn được tận dụng để chở hàng cồng kềnh, quá khổ. Theo ghi nhận của phóng viên, từ đầu năm 2024 đến nay, Công an TPHCM đã tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý hàng ngàn trường hợp vi phạm liên quan đến xe tự chế.
Xe ba gác chở những thanh sắt cồng kềnh, che chắn sơ sài đang chờ giao hàng tại một con hẻm trên đường Lữ Gia (P15, Q11)
Một trong những khó khăn trong việc xử lý, ngăn chặn các phương tiện vi phạm trên lưu thông là sự tồn tại của các cơ sở "độ chế" xe trái phép. Đơn cử ngày 11/6/2024, Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) An Sương thuộc Phòng CSGT - Công an TPHCM phối hợp Công an H.Hóc Môn kiểm tra 3 cơ sở hàn sắt thép có nghi vấn "độ chế" các loại xe đẩy, xe kéo, xe ba gác tự chế. Trong đó, lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản tạm giữ nhiều thùng xe tự chế mà các cơ sở này chuẩn bị lắp ráp vào các loại "xe mù” để bán.
Các loại xe ba gác máy, 3 - 4 bánh, thùng xe tự chế hiện nay được rao bán tràn lan trên mạng hoặc bán công khai tại các cửa hàng chuyên kinh doanh xe ba gác, xe ba bánh tự chế. Giá chỉ từ vài triệu đến vài chục triệu đồng tùy loại xe cũ hoặc mới, được "độ chế" nhiều hay ít. Những xe mới có giá dao động từ 15 - 30 triệu đồng, trong khi xe cũ đã qua sử dụng nhiều khi giá chỉ từ 5 - 7 triệu đồng/chiếc. Những xe cũ này thường được lắp ráp bằng linh kiện trôi nổi, chấp vá tạm bợ từ "xác" các xe khác, hoàn toàn không qua kiểm định, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT cho người sử dụng và những người khác tham gia giao thông. Người có nhu cầu dễ dàng tìm mua các loại xe cũ này, giao dịch mua bán chỉ trả tiền rồi đem xe về chứ không làm thủ tục sang tên chủ sở hữu và không thông qua bất cứ cơ quan kiểm định an toàn kỹ thuật nào.
Xe lôi tự chế được kéo bằng "xe mù” chạy trên đường Phạm Thế Hiển (P7, Q8) sáng 12/7/2024
Nhiều người dân, đặc biệt là những người lao động có thu nhập thấp vẫn lựa chọn sử dụng xe tự chế vì chi phí rẻ và tiện lợi. Họ thường sử dụng các loại xe này để vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là trong các khu vực nội đô và những con hẻm nhỏ. Việc sử dụng các loại xe không bảo đảm an toàn này đã và đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về an toàn giao thông. Tài xế lái xe ba gác P.T.A (ngụ Q8) thừa nhận: "Ai mà không biết xe này nguy hiểm và bị cấm, nhưng giá của các loại xe tải nhỏ là cả một gia tài, đâu phải ai cũng mua nổi. Xe ba gác giúp tôi linh hoạt kiếm sống hàng ngày và nuôi gia đình. Tôi luôn cố gắng lái xe cẩn thận để tránh tai nạn, nhưng đôi khi cũng không thể tránh khỏi do cần giao hàng gấp hay chủ hàng bắt chở quá cồng kềnh...".
Chị H.T.L (ngụ Q.Tân Phú) thường xuyên sử dụng dịch vụ chở hàng bằng xe ba gác, cho biết: "Xe ba gác rõ ràng rất tiện lợi và rẻ hơn nhiều so với thuê xe tải. Nhưng khi cần vận chuyển hàng thì mình xài, chứ đi trên đường thấy các loại xe này cũng sợ lắm, phải né đi cho chắc". Mỗi ngày đi làm trên đường, khi thấy các xe thô sơ chở sắt thép, tấm tôn đi ngang, chị Lê Bích Hà (33 tuổi, ngụ Q6) cũng đều cố né ra thật xa, thậm chí dừng lại sát lề để nhường "hung thần" này vượt lên.
Hiện trường vụ tai nạn thương tâm trên đường Ba Tháng Hai (Q10) ngày 07/11/2023
"Một điều rất đáng lo ngại là nhiều xe chở hàng cồng kềnh, có xe chở những thanh sắt hộp sắc bén nhưng rất khó quan sát, phải lại gần mới thấy. Phải chi những xe này chịu khó trang bị vật dụng cảnh báo, vải phản quang... để báo hiệu chở hàng cồng kềnh, che chắn những phần nhô ra ngoài cẩn thận cho mọi người đi đường nhìn thấy mà tránh" - Chị Hà nêu quan điểm - "Với các loại hàng hóa, vật liệu cồng kềnh nguy hiểm như vậy, chủ hàng nên chuyên chở bằng ôtô hoặc các xe có thùng, có nắp đậy, chằng buộc an toàn để không mang tới nỗi lo và hậu họa khôn lường cho người đi đường".
(Còn tiếp...)