Có một miền biên viễn Bình Liêu

Thứ Hai, 31/01/2022 23:50

|

(CAO) Mang theo bài thơ “Lau biên giới” của nhà thơ Chế Lan Viên “Ai đi biên giới cho lòng ta theo với; Thăm ngàn lau chỉ trắng có một mình; Bạt ngàn lau trắng ở tận cùng bờ cõi; Suốt một đời cùng với gió giao tranh”, người con đất phương Nam là tôi bỗng một ngày chạm ngõ Bình Liêu - một miền biên viễn với lau trắng ngút ngàn, với hoa sở đong đưa dọc đường lên những cột mốc biên cương Tổ quốc.

Bình Liêu, một huyện biên giới thuộc tỉnh Quảng Ninh cách Hà Nội 270km gần đây đã trở thành điểm đến của du khách khắp mọi miền đất nước. Bởi lẽ, Bình Liêu ngoài núi non trùng điệp, ngoài cảnh sắc nên thơ thì nơi này còn gắn với những cột mốc biên cương của Tổ quốc, mà mỗi khi nhắc đến trong tim mỗi chúng ta đều rung lên cảm xúc thiêng liêng.

Ai đó đã ví, Bình Liêu như “thiên cường cột mốc”! Với gần 50km đường biên giáp với nước bạn Trung Quốc, Bình Liêu có cung đường tuần tra đẹp nhất vùng Đông Bắc. Những tháng cuối năm, hoa lau trắng trời biên giới đã làm cho cảnh sắc thêm phần thơ mộng. Khi lau gần tàn cũng là lúc những cành hoa sở bắt đầu bung nụ, những bông hoa trắng đơn sơ, giản dị như chính con người và vùng đất Bình Liêu.

Đến Bình Liêu, các bạn phải đến cột mốc 1305. Cột mốc 1305 cũng như bao cột mốc biên cương, nếu không nói là khiêm tốn hơn nhưng trên con đường đến cột mốc này, du khách sẽ được trải nghiệm một cung đường đầy cảm xúc. Để đến mốc 1305, từ cửa khẩu Hoành Mô, du khách men theo cung đường tuần tra biên giới uốn lượn để đến từ chân dốc và chuẩn bị hành trình gần 2 giờ để đến cột mốc. Với gần 2.000 bậc thang, cung đường lên mốc 1305 có nhiều đoạn dốc ngược, hai bên là sườn núi.

Đường ra biên giới Bình Liêu

Có đoạn sẽ cho du khách có cảm giác như đi trên “sống lưng khủng long”, có đoạn lại cho du khách tận hưởng những cơn gió rào rạt thổi, hòa quyện với bạt ngàn lau trắng. Thỉnh thoảng, độ khó của cung đường cũng dễ làm du khách nản lòng nhưng hãy cố lên, càng lên cao du khách sẽ được thu vào tầm mắt cảnh quan hùng vĩ miền biên ải, những dãy núi xanh thẳm kéo đến tận chân trời.

Trên đường tuần tra hôm ấy, một bạn người dân tộc Dao, khi biết chúng tôi đến từ phương Nam đã tặng đoàn nhành hoa sở với nụ cười e thẹn trong nắng chiều biên cương. Ai đó đã ngân nga “Chiều biên giới em ơi; Có nơi nào cao hơn; Như đầu sông đầu suối; Như đầu mây đầu gió như trời quê biên cương; Em ơi có nơi nào đẹp hơn, chiều biên giới khi mùa đào hoa nở, khi mùa sở ra cây, lúa lượn bậc thang mây mùi tỏa ngát hương bay...”.

Sau quãng đường dài đầy thử thách với gió lạnh cuối năm, với những con dốc ngược, cột mốc 1305 hiện ra đơn sơ giữa 2 dãy núi. Chưa bao giờ hai chữ Việt Nam khắc trên cột mốc lại cho ta cảm giác thiêng liêng như lúc này. Bao mệt mỏi dường như tan biến! Gió biên cương lồng lộng giữa đất trời! Ngoài cột mốc 1305, ở miền biên ải Bình Liêu, du khách còn có thể chinh phục các cột mốc như 1300, 1302, 1327… Những cột mốc này nằm rải rác trên cung đường tuần tra biên giới cao hơn 700m so với mặt nước biển, uốn lượn trên những dãy núi đồi ngập tràn lau trắng sẽ cho du khách những cảm xúc bồi hồi.

Bình minh trên biên giới Bình Liêu

Và nếu đến Bình Liêu, bạn hãy một lần cắm trại và nhóm lửa trên đỉnh núi Cao Ly. Đêm. Mặc cho sương lạnh, cho gió lùa… chúng tôi đã nhóm lên bếp lửa giữa màn đêm trên đỉnh núi Cao Ly. Trong ánh lửa bập bùng, những bài hát, câu chuyện kể về những vùng miền Tổ quốc, những bài ca về biên giới lại được vang lên. Rồi sáng hôm sau, Cao Ly lại cho ta cảm giác ngỡ ngàng không chỉ với bao la hoa mua, hoa sim tím mà còn có cảnh vật thật hiền hòa bởi trước mắt hiện ra những cánh đồng của đồng bào các dân tộc uốn lượn dưới thung lũng đẹp đến nao lòng.

Bình Liêu còn có chợ trong thung lũng Đồng Văn, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu với bà con các dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ trong bộ trang phục truyền thống rực rỡ và nhiều sản vật địa phương. Mai này khi về phương Nam đầy nắng ấm, nhưng với tôi, đêm ở Cao Ly sẽ không thể nào quên…

“Sống lưng khủng long” trên đường lên Cột mốc 1305
Du khách với cột mốc 1305

Nếu nhắc đến cảnh vật mà không nhắc đến con người Bình Liêu với bản sắc văn hóa thật đậm đà là một thiếu sót. Vùng đất miền biên viễn này có những những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số. Bình Liêu là huyện đa dân tộc (trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số), với 5 dân tộc chính (dân tộc Tày chiếm 58,4%, dân tộc Dao chiếm 25,6%, dân tộc Sán Chỉ chiếm 15,4%, dân tộc Kinh chiếm 3,7%, dân tộc Hoa chiếm 0,3%). Mỗi dân tộc đều có những yếu tố văn hóa riêng, tạo nên một bề dày văn hóa phong phú, đa dạng.

Các dân tộc trên địa bàn đã hình thành nên nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, được gìn giữ gần như nguyên vẹn như nghệ thuật diễn xướng Then của dân tộc Tày, hội Soóng Cọ của người Sán Chỉ, lễ hội đình Lục Nà hay hội hát Sán Cố của người Dao. Đây là tài sản vô giá để Bình Liêu phát triển du lịch cộng đồng gắn với các di tích danh thắng, di tích lịch sử trên địa bàn. Ngoài ra, Bình Liêu cũng sở hữu những giá trị văn hóa phi vật thể riêng, nổi bật là các lễ hội như Lễ hội đình Lục Nà, Lễ hội Kiêng gió, Hội hát Tháng ba... Đây chính là tài nguyên văn hóa quý giá để miền biên giới này thu hút du khách đến tìm hiểu, khám phá.

Những ngày cuối năm, cái rét đầu đông miền biên viễn Bình Liêu đã khiến những người con phương Nam như chúng tôi bồi hồi. Đã đi qua nhiều vùng đất nhưng có lẽ, miền biên viễn này với những cột mốt thiêng liêng nằm giữa lau trắng ngút ngàn sẽ mãi không bao giờ quên trong tâm trí.

Bình luận (0)

Lên đầu trang