Hà Tĩnh:

Lắp 130 thùng container trong rừng phòng hộ làm nhà nghỉ trái phép

Thứ Hai, 24/02/2020 11:36

|

(CATP) Được chấp thuận cho xây dựng 130 nhà lều bạt dưới tán cây rừng phòng hộ ven biển nhằm cho thuê phục vụ du lịch, nhưng doanh nghiệp lại tự ý đổ móng lắp 130 thùng container để làm “nhà nghỉ”.

Việc làm này diễn ra nhiều tháng trời, dù trước đó lực lượng kiểm lâm phát hiện, lập biên bản đình chỉ. Khi được thắc mắc về việc làm bất chấp vi phạm pháp luật này, đại diện chủ đầu tư cho biết họ tự ý chuyển đổi xây dựng vì đã được lãnh đạo các sở, ngành đồng ý bằng... miệng trong các cuộc họp (!?).

Cấp phép một đằng, xây dựng một nẻo

Năm 2008, Công ty Cổ phần Hồng Lam Xuân Thành (thôn 6, xã Xuân Thành, H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh) được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao đất ở Khu du lịch biển Xuân Thành thực hiện 3 dự án gồm: Sân Golf 18 lỗ Xuân Thành, Trung tâm dịch vụ thể thao giải trí đua chó Xuân Thành, Khu dịch vụ và nhà nghỉ Xuân Thành và xã Cổ Đạm (H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

Tuy nhiên, từ đó đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành vì nhiều lý do. Dự án này đã trải qua 4 lần điều chỉnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan chức năng đã có nhiều văn bản thúc giục nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án.

130 thùng container được doanh nghiệp tự ý lắp đặt trên rừng phòng hộ thay cho lều bạt

Trong lúc dự án đang còn dang dở, tháng 4-2017, Công ty Cổ phần Hồng Lam Xuân Thành lại được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao thêm 2,95ha rừng phòng hộ ven biển Xuân Thành để làm tiếp dự án “Quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng phòng hộ ven biển tại xã Xuân Thành”.

Theo quyết định chấp thuận của UBND tỉnh Hà Tĩnh, dự án này được đầu tư xây dựng, lắp đặt 130 lều trại các loại được làm bằng vải bạt kín các mặt. Cửa ra vào và nền các lều trại này cũng bằng vải bạt gắn liền. Tất cả các lều trại được lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống điều hòa và hệ thống quạt gió. Hệ thống đường ống mềm dẫn hơi lạnh từ dưới mặt đất, không ảnh hưởng đến cây rừng. Điều hòa tổng của dự án này phải đặt ngoài rừng phòng hộ.

Ngoài ra, dự án được xây dựng 3 nhà bán cà phê, trong 3 nhà bán cà phê này được xây 3 nhà vệ sinh khép kín kiểu nhà cấp 4. Xây dựng đường dạo nội bộ, hệ thống cấp điện, nước ngọt sinh hoạt, hệ thống thoát nước thải sinh hoạt…

Máy móc, công nhân đang tất bật làm việc dù trước đó đã bị kiểm lâm lập biên bản đình chỉ

Dự án đầu tư quản lý, khai thác, sử dụng lạch nước và hai bên bờ lạch nước ngọt Xuân Thành: Cung cấp dịch vụ cho khách có nhu cầu bơi thuyền và dạo chơi hai bên bờ lạch; kinh doanh các quán cà phê bên bờ lạch…

Mục đích của dự án này là khai thác tiềm năng lợi thế trên khoảnh 2,95 đất rừng phòng hộ nằm ven bờ biển dọc Khu du lịch Xuân Thành; quản lý, khai thác sử dụng và bảo tồn cảnh quan dải rừng phòng hộ để phát triển du lịch, dịch vụ theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời phải trồng thêm cây rừng và phát triển bền vững, nhằm đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng. Khi dự án hoàn thành sẽ tạo ra sân chơi cho du khách, tạo cảnh quan đẹp và hấp dẫn cho khu vực, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Rừng phòng hộ bị bê tông hóa ngầm dưới đất

Trong văn bản chấp thuận của UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu, dự án này phải hoàn thành đưa vào khai thác trong vòng 2 tháng, tức là từ tháng 6-2017.

Tuy nhiên, 3 năm sau, Công ty Cổ phần Hồng Lam Xuân Thành không tuân thủ xây dựng như chủ trương của UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt là làm 130 lều trại bằng vải bạt mà họ đào hố trong rừng, đổ cọc bê tông làm móng rồi đặt lên đó 130 thùng container để làm phòng nghỉ.

Bị đình chỉ vẫn làm vì lãnh đạo các sở, ngành đồng ý bằng miệng?

Cuối năm 2019 – đầu năm 2020, người dân xã Xuân Thành ngạc nhiên khi thấy có rất nhiều công nhân, máy móc từ đâu đến đào hố, đổ bê tông dầm cọc trụ rồi dựng lên đó hàng loạt thùng container nằm ngổn ngang dưới tán những cây phi lao trong khu rừng phòng hộ ven biển. Tiếp đó, họ đào bới chôn hệ thống bể chứa thải ngầm, lắp đặt ống nhựa chằng chịt dưới đất.

Việc chủ đầu tư tự ý thay đổi mục đích xây dựng dự án diễn ra hàng tháng trời công khai, rầm rộ trên đất rừng phòng hộ nhưng không bị chính quyền địa phương hoặc cơ quan có thẩm quyền nào lên tiếng ngăn cản. Người dân địa phương bức xúc vì việc dự án tự ý thay đổi khi chưa có đánh giá tác động môi trường. Hiện đất rừng phòng hộ bị đào xới, cùng với việc bị bê tông hóa ngầm bên dưới sẽ đe dọa khu rừng phòng hộ, nơi mà nhân dân xã Xuân Thành từ trước đến nay coi như một “tấm khiên” che chắn gió bão thổi từ cửa biển vào.

Dưới tán rừng bị đào xới nham nhở để xây lắp bể chứa chất thải và hệ thống ống nhựa

Không chỉ xâm phạm trong phạm vi rừng phòng hộ, khi phóng viên có mặt, những bãi cát sát bờ biển cũng bị chủ đầu tư dùng máy múc khoét tạo thành những hào sâu, rộng ngăn cách loang lỗ.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thanh Tường – Hạt trưởng hạt Kiểm Lâm H.Nghi Xuân, cho biết: “Việc Công ty Cổ phần Hồng Lam Xuân Thành được giao 2,95ha rừng phòng hộ ven biển để xây dựng 130 lều bạt dưới tán cây rừng nhằm mục đích kinh doanh thì UBND tỉnh đã có chủ trương chấp thuận.

Tuy nhiên, ngày 12-12-2019, chúng tôi kiểm tra phát hiện Công ty Cổ phần Hồng Lam Xuân Thành đang tiến hành thi công lắp đặt các thùng container trên các vị trí đất trống thuộc khu vực đất lâm nghiệp nên đã lập biên bản đình chỉ, bởi đây là việc làm không đúng với hồ sơ cấp phép là lắp đặt 130 lều bạt.

Theo đó, Hạt kiểm lâm Nghi Xuân cũng yêu cầu Công ty Cổ phần Hồng Lam Xuân Thành phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ rừng được quy định tại Điều 74 Luật lâm nghiệp, phải có phương án bảo vệ rừng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Bãi biển bị đào khoét thành hào sâu

Bà Hoàng Thương Huyền – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Hồng Lam Xuân Thành, thừa nhận dự án “Quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng phòng hộ ven biển tại xã Xuân Thành” ban đầu được phê duyệt làm lều bạt nhưng do bị gió biển quật rách nên công ty phải chuyển sang thùng container.

“Chúng tôi đã có công văn báo cáo lên tỉnh xin chuyển đổi từ lều bạt sang thùng container và chắc chắn cuối tháng này sẽ được chấp thuận” – bà Huyền khẳng định.

Khi phóng viên thắc mắc tại sao chưa có văn bản chấp thuận mà công ty vẫn tự ý chuyển đổi đào hố đổ bê tông làm móng, lắp hàng loạt thùng container trong khu vực rừng phòng hộ, bà Huyền cho biết: “Trong những cuộc họp làm việc với các sở, ban ngành, lãnh đạo của các sở, ngành đã đồng ý cho chủ trương làm bằng miệng (!?)”.

Kiểm lâm lập biên bản đình chỉ nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục thi công

Ông Phạm Anh Tuấn – Trưởng Ban quản lý Khu du lịch Xuân Thành – khẳng định: “Nhà đầu tư đã có tờ trình đề xuất và các sở, ban ngành đã tổ chức kiểm tra. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có quyết định đồng ý điều chỉnh, cho chuyển đổi từ xây dựng lều bạt sang thùng container”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang