Học cho có, dạy cho xong: Môn giáo dục công dân tồn tại để làm gì?

Thứ Sáu, 26/06/2015 20:40  | Ngô Đồng

|

(CAO) "Việc dạy môn giáo dục công dân ở trường đọc chép rất chán. Nhiều lúc con nghĩ môn học này tồn tại để làm gì khi không dạy được về đạo đức, nhân cách, cách ứng xử?"...

Bà Trương Mỹ Hoa, Nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại diễn đàn "Lắng nghe trẻ em nói"

100 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên 24 quận huyện và một số trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn TP.HCM đã có những chia sẻ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình trong cuộc sống về các vấn đề liên quan quyền trẻ em và công tác chăm sóc trẻ em tại diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” được tổ chức sáng 26-6.

Hơn 34 câu hỏi của các em được đặt ra, xoay quanh chủ yếu các vấn đề mà các em quan tâm là: Tình trạng bạo lực học đường, tình trạng trẻ thiếu nơi vui chơi giải trí lành mạnh, trẻ bị bỏ rơi trong chính ngôi nhà của mình, trẻ khuyết em lang thang chưa được hưởng những quyền cơ bản…

"Thuốc" nào cho bạo lực học đường?

Em Nguyễn Thị Kim Thùy (Q.7) nói: “Con thấy ngày nay nhiều vụ học sinh đánh nhau, con được biết gần đây là trường hợp một bạn nữ bị các bạn đánh hội đồng, phải xin chuyển trường. Nếu không có một trường quốc tế đứng ra tài trợ cho bạn học thì không biết tương lai của bạn sẽ ra sao. Con muốn biết ngành giáo dục của mình hiện nay giải quyết tình trạng bạo lực học đường như thế nào?”.

Em Châu Hoàng My (Q.8) đặt vấn đề: “Con thấy hiện nay khi các bạn đánh nhau, phần lớn nhà trường đều xử lý theo cách đình chỉ học đối với học sinh đánh bạn. Con nghĩ một học sinh đã không được giáo dục tốt mới có hành vi đánh bạn, nay lại bị đình chỉ học thì bạn ấy sẽ còn tệ hơn. Con không biết là cô chú có biện pháp nào hay hơn không?.

Các em chia sẻ về vấn nạn bạo lực học đường

Em Nguyễn Thị Bảo Châu (Q.10) thắc mắc: “Con nghĩ môn giáo dục công dân là một môn học rất thú vị, dạy học sinh cách làm người, ứng xử trong giao tiếp,… Bạo lực là hệ quả của việc bỏ quên giáo dục hành vi, đạo đức nhưng không hiểu sao các thầy cô lại chọn biện pháp dạy theo kiểu đọc chép rất chán, không hấp dẫn, khô cứng. Nhiều lúc con nghĩ môn học này tồn tại để làm gì khi chỉ dạy cho có mà không dạy được về đạo đức, nhân cách, cách ứng xử?... Tụi con rất muốn được học thêm các lớp kĩ năng giao tiếp, ứng xử”.

Nhiều vấn đề các em đặt ra rất đáng để quan tâm

Nhiều em học sinh cũng thắc mắc là tại sao hiện nay trước cổng trường học vẫn còn tồn tại các tiệm internet. Điều này góp phần làm cho học sinh trốn học nhiều hơn để đi chơi game. Đây là điều thật sự rất đáng quan tâm, bởi lẽ, không ít trường hợp nạn bạo lực học đường xảy ra là do các em học theo những những game online có tính bạo lực.

Muốn nhà nước nghỉ bán thuốc lá, bia rượu... một ngày

Không chỉ chia sẻ vấn nạn bạo lực học đường, nhiều học sinh cũng chia sẻ tâm tư mà các em phải chứng kiến hằng ngày ngay tại chính ngôi nhà của mình.

Nhiều em muốn nhà nước cấm bán rượu và thuốc là vì… “Ba con cứ hút thuốc lá hoài. Nhà nước có thể không sản xuất thuốc lá trong một ngày được không?”. Rồi “Ba con hay nhậu nhẹt rồi về đánh con?",… Nhiều học sinh lại đặt ra vấn đề: “Cha mẹ đánh con thì có vi phạm pháp luật hay không?”.

Em Trần Thị Ngọc Hạnh chia sẻ vấn nạn trẻ em lang thang, ăn xin

Bên cạnh đó là những vấn đề nhức nhối của xã hội cũng được các em quan tâm. Em Trần Thị Ngọc Hạnh (mái ấm Ga Sài Gòn, Q.3) thì chia sẻ: “Con ra phố thấy nhiều bạn cùng trang lứa với mình đi ăn xin, sống lang thang, đi bán vé số. Tại sao hiện nay vẫn còn nhiều trẻ em rơi vào tình cảnh này. Con muốn biết biện pháp xử lý của các cô chú?.

Nhiều trẻ em lại mong muốn những vấn đề thiết thực với nhu cầu của mình như: “Con muốn trường có một sân đá banh cỏ”, hay như “tụi con nhà nghèo, không có tiền đến chơi ở các khu vui chơi, cô chú có cách nào giúp tụi con không?...

Việc dạy trẻ phải nhân văn và bình đẳng

Chia sẻ với các em thiếu nhi về vấn nạn bạo lực học đường, bà Lương Thị Thuận - Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM nói: “Bạo lực học đường đang là vấn đề nóng của xã hội. Thiết nghĩ, gia đình, nhà trường và xã hội phải chung tay, phải quan tâm, giáo dục trẻ từ tính ăn, nết ở và lắng nghe trẻ em nói để chăm sóc, bảo vệ cho trẻ được tốt hơn”.

Bà Lương Thị Thuận nhận định: “Việc tăng thêm các môn học về kĩ năng sống, kĩ năng giao tiếp là rất cần thiết trong thởi buổi hiện nay”.

Về việc trẻ bị bạo hành từ gia đình, thầy cô, bà Thuận nói: “Ngày xưa, ông bà ta dạy theo cách ‘thương cho roi cho vọt’; nhưng hiện nay đòi hỏi việc dạy trẻ phải nhân văn và bình đẳng. Việc bạo lực đối với trẻ bị xã hội lên án gay gắt nhưng không có nghĩa là những thói hư tật xấu của trẻ không được răn dạy. Trong một chừng mực nào đó, tùy từng trường hợp phải có biện pháp giáo dục cụ thể”.

Về vấn đề vi phạm quyền trẻ em, bà Nguyễn Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM thông tin, hiện nay TP.HCM có trên 1.400.000 trẻ em; trong đó có gần 15.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và gần 50.000 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Công tác Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được các ban ngành đoàn thể TP.HCM hết sức quan tâm và đạt được những kết quả hết sức tích cực. Tuy vậy, vẫn còn đâu đó các trường hợp vi phạm quyền trẻ em như sử dụng lao động trẻ em, trẻ em bị xâm hại, tai nạn thương tích, trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em lang thang kiếm sống,…

Bà Nguyễn Thành Phụng, Trưởng phòng bảo trợ trẻ em TP.HCM giải đáp các thắc mắc cho trẻ em

Ông Phạm Đình Nghinh, Giám đốc trung tâm công tác xã hội trẻ em TP.HCM (Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM) cho biết: “Tất cả tâm tư, nguyện vọng của các em sẽ được tập họp lại để trình Hội đồng nhân dân và các ban ngành liên quan để giải quyết, trả lời cho các em.

Ngoài việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ, ba yếu tố: gia đình - nhà trường - xã hội nếu hài hòa, sẽ giúp cho trẻ định hướng phát triển tốt. Làm sao để không còn tình trạng trẻ lang thang, xin ăn, bị xâm hại, ngược đãi, không còn cảnh trẻ phải sớm bươn chải, mưu sinh, bị hành hạ… và làm sao để các em có một môi trường sống an toàn, đầy đủ, lành mạnh, sống đúng với lứa tuổi của các em… Đây vẫn là câu hỏi đau đáu, nhức nhối làm đắng lòng người lớn. Và cũng là trách nhiệm quan trọng đặt ra cho gia đình và xã hội.

Trung tá Trần Phú, cán bộ đội 3 phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (PV28, Công an TP.HCM) cho biết: “Thời gian qua, nạn bạo lực học đường được ghi nhận và phản ánh nhiều. Đặc biệt là tình trạng các em quay lại clip, chụp ảnh bạo lực học đường rồi đưa lên mạng. Điều này cũng góp phần gây nên những ảnh hưởng xấu. Phòng PV 28 Công an TP.HCM cũng đã xây dựng nhiều chương trình, phối hợp với các trường học để phổ biến giáo dục, tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường cho các em học sinh. Tuy nhiên, việc ngăn chặn bạo lực học đường cần phải có sự phối hợp của nhiều ban ngành”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang