Một số địa phương ĐBSCL kêu gọi hỗ trợ lực lượng phòng chống dịch

Thứ Ba, 19/10/2021 09:41

|

(CATP) Hiện nay, các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đang xem xét cấp độ vùng để thực hiện Nghị quyết (NQ) 128 của Thủ tướng. Thế nhưng, không ít địa phương có số ca lây nhiễm tăng nhanh, một số nơi đang đề nghị hỗ trợ lực lượng phòng chống (PC) dịch.

Số F0 từ vùng dịch về tăng

Theo thống kê của các tỉnh ĐBSCL, từ ngày 1 đến 10-10, trung bình mỗi ngày khu vực này đón hơn 30.000 người từ tâm dịch ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai... trở về. Trong đó, tỉ lệ người chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm mũi 1 tương đối ít, vì vậy tỉ lệ bùng phát dịch tương đối lớn. An Giang là tỉnh có số người về quê lớn nhất với hơn 51.000 người, trong đó chỉ có 8%tiêm 2 mũi vắc-xin và khoảng 30% được tiêm 1 mũi. Trong nửa đầu tháng 10, tỉnh này ghi nhận 2.180 ca mắc Covid-19, trung bình có 145 ca mắc mới/ngày. Tại Đồng Tháp, từ ngày 1 đến 15-10 ghi nhận hơn 730 ca mắc Covid-19 mới, trong đó chiếm hơn 60% là người từ vùng dịch về. Ngày 15-10, trong số 40 ca dương tính ghi nhận ở Bạc Liêu có đến 39 người theo đoàn về quê. Còn tại Cà Mau, từ ngày 1 đến 15-10 có 686 ca mắc mới, trong đó 555 trường hợp ghi nhận từ dòng người về quê...

Hiện nay, không ít địa phương lo nguy cơ bùng phát dịch bởi số ca F0 tăng nhanh. Tỉnh Sóc Trăng có khoảng 40.000 người về từ vùng dịch, trong số này có nhiều người nhiễm Covid-19. Tính đến ngày 16-10, tỉnh này có 3.338 ca mắc Covid-19 ở 11 huyện, thị xã, thành phố (TP) của tỉnh, hầu hết số ca mắc mới là những trường hợp F1 và từ vùng dịch về, tất cả đều được quản lý trước đó.

Báo cáo của Sở Y tế (YT) tỉnh Sóc Trăng, tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp. Hiện 2 ổ dịch liên quan đến tài xế xe tải chở tôm ở xã Lai Hòa, TX.Vĩnh Châu và Công ty CP chế biến thủy sản Út Xi (ấp Hà Bô, xã Tài Văn, huyện Trần Đề) chưa được kiểm soát, ngăn chặn, nhiều ngày qua đã lây lan nhanh. Sở YT Sóc Trăng nhận định, chùm ca bệnh ở xã Tài Văn là ổ dịch phức tạp nhất, đến nay phát hiện khoảng 1.000 ca nhiễm và đã lây lan đến 7 địa phương trong tỉnh.

Một bệnh viện điều trị Covid-19 đã quá tải

UBND tỉnh An Giang nhận định, đến nay số ca nhiễm ở địa phương chưa có dấu hiệu dừng lại, nhất là các ổ dịch mới bùng phát tại các huyện An Phú, Phú Tân, Chợ Mới và TX.Tân Châu. UBND tỉnh quyết định đầu tư gần 120 tỷ đồng để xây khẩn cấp khu hồi sức cấp cứu điều trị Covid-19 của Bệnh viện (BV) đa khoa trung tâm An Giang, BV đa khoa khu vực tỉnh tại TP.Long Xuyên và trang thiết bị YT cho các cơ sở điều trị bệnh nhân (BN) Covid-19 theo chiến lược "tháp 3 tầng" ở các huyện, TP của tỉnh, với quy mô 2.055 giường. Tỉnh Bạc Liêu cũng quyết định thành lập thêm 3 cơ sở thu dung điều trị BN Covid-19.

Kêu gọi hỗ trợ lực lượng phòng chống dịch

Trước tình trạng F0 tăng cao, tỉnh Sóc Trăng thành lập 3 bệnh viện dã chiến (BVDC), có thể tiếp nhận, điều trị khoảng 1.200 - 1.500 F0. Ngoài ra, tỉnh còn trưng dụng 2 khu nhà triển lãm Hồ Nước Ngọt (TP.Sóc Trăng) làm khu cách ly tập trung và điều trị BN nhiễm Covid-19 không triệu chứng, đồng thời trưng dụng trụ sở Tỉnh đoàn cải tạo thành BVDC của tỉnh. Thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề... cũng thành lập khu điều trị BN Covid-19, mỗi đơn vị tiếp nhận 200 - 300 trường hợp F0. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã gửi văn bản khẩn cấp đến Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ kiến nghị hỗ trợ khẩn cấp 10 bác sĩ (BS), 100 điều dưỡng, 500.000 test nhanh kháng nguyên, 100.000 bộ sinh phẩm xét nghiệm (XN) PCR, 50 máy thở các loại, 100.000 bộ trang phục PC dịch cấp độ 3, 100.000 liều vắc-xin Moderna và 900.000 liều vắc-xin khác.

Mới đây, Quân khu 9 đã điều 13 BS quân y, 14 điều dưỡng đến Sóc Trăng hỗ trợ BVDC điều trị Covid-19; Trường Đại học Y dược Cần Thơ cử 120 cán bộ sinh viên tình nguyện hỗ trợ tỉnh tiêm vắc-xin; Tập đoàn T&T Group và Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tặng 1 xe cứu thương để vận chuyển, cấp cứu BN; Tập đoàn Phương Trang hỗ trợ 10 máy trợ thở HFNC, 300 máy tạo ôxy lưu lượng cao, 300 máy SpO2, 5.000 bộ test nhanh kháng nguyên, 2.000 bộ đồ bảo hộ YT, 100.000 găng tay YT, 2.000 khẩu trang 3M nhằm chung tay với tỉnh phục vụ công tác PC dịch Covid-19. Bộ YT cũng đã phân bổ cho Sóc Trăng thêm 500.000 liều vắc-xin.

Tổ công tác phối hợp PC dịch Covid-19 của Ban Dân vận Trung ương hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng 1.100 liều vắc-xin cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, tình nguyện viên, 10.000 túi thuốc YT và 30.000 test nhanh cùng sinh phẩm đồng thời đề xuất cử ngay các đoàn YT đến Sóc Trăng hỗ trợ BVDC nâng cao năng lực điều trị, kết nối với các bộ ngành, các tỉnh, TP hỗ trợ Sóc Trăng xe XN lưu động 2.000 mẫu đơn/ngày.

Tại Cà Mau, từ khi hơn 30.000 người từ vùng dịch về, tỉnh đã kích hoạt 2 BVDC đảm bảo an toàn cả về điều kiện YT, sinh hoạt... Hiện tỉnh khẩn trương thiết lập tại BVDC số 3 thêm 250 giường để thu dung, điều trị BN F0.

Nhiều địa phương vẫn áp dụng "giấy phép con"

Chiều 18-10, người dân TP.Cần Thơ ra ngoài TP vẫn phải xin phép. Theo đó, người dân phải có lý do chính đáng kèm đơn xin ra khỏi TP kèm 4 chữ ký và con dấu: công an phường xác nhận cư trú, chủ tịch UBND phường, UBND quận xác nhận yêu cầu chính đáng; sau cùng, chủ tịch UBNDTP ký tên, đóng dấu. Nhiều người nộp hồ sơ nhưng bộ phận 1 cửa vẫn không hẹn chính xác ngày, giờ trả kết quả. Đến nay, ngoài Cần Thơ vẫn đang xem xét NQ128, các tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Cùng ngày, ông Trần Anh Thư - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - đã ký Văn bản 1176 thay thế Công văn 1154 về việc công dân (CD) ra khỏi tỉnh phải làm đơn. Theo đó, đối với nhu cầu đi lại của CD ra vào tỉnh, thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể và UBND huyện, TX, TP xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho CD đang làm việc tại đơn vị hoặc cư trú, tạm trú trên địa bàn được di chuyển giữa các địa phương khi có nhu cầu cần thiết, phải đảm bảo các yêu cầu về PC dịch theo quy định của Bộ YT. Trường hợp CD cần giấy xác nhận của cơ quan chính quyền để thuận tiện qua lại với các địa phương khác, yêu cầu thủ trưởng đơn vị và chủ tịch UBND huyện, TX, TP xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất có thể.

Bình luận (0)

Lên đầu trang