Kinh nghiệm từ thế giới
Trong quá trình đô thị hóa, nhiều nước trên thế giới với địa hình tương tự Việt Nam cũng từng gặp khó khăn trong việc xử lý chống ngập. Tuy nhiên, nhờ quá trình nghiên cứu bài bản và thực hiện một cách triệt để, đồng bộ cùng quá trình đô thị hóa, vấn đề ngập gần như đã được giải quyết hoàn toàn ở Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia) hay gần hơn là Bangkok (Thái Lan).
Singapore là quốc gia có tốc độ đô thị hóa chóng mặt nhưng lại mang tới cho người dân cuộc sống chất lượng cao, trong khi vẫn bảo toàn việc phát triển bền vững. Để có được kết quả tốt đẹp như vậy, các chuyên gia, nhà quản lý đô thị đã đúc kết được những nguyên lý cơ bản nhất, như tôn trọng vòng tuần hoàn của nguồn nước. Từ đó, đảo quốc này xây dựng kịp thời hệ thống hồ trữ bố trí khoa học, vừa có thể chống lũ lụt, chống nước biển dâng, vừa đảm bảo nguồn nước ngọt cho người dân.
Công trình hồ trữ nước tiêu biểu của Singapore là hồ chứa và đập Marina Barrage với chiều dài 350m, chi phí xây dựng 135 triệu USD. Nếu mưa lớn khi thủy triều xuống, các cổng đập sẽ được hạ xuống để giải phóng lượng nước thừa từ hồ chứa ra biển. Nếu mưa lớn xảy ra khi thủy triều lên, các cổng sẽ được đóng lại, máy bơm thoát nước khổng lồ được kích hoạt để bơm nước từ hồ chứa ra biển.
Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia cũng từng đối diện với nguy cơ ngập do nằm gần nơi hợp lưu của hai dòng sông. Từ năm 2007, Kuala Lumpur đã đưa vào vận hành hệ thống Đường hầm xử lý nước mưa và giao thông (SMART) nhằm giải quyết vấn đề lũ lụt đồng thời làm giảm ùn tắc giao thông dọc theo cầu vượt Jalan Sungai Besi và Loke Yew. Đây là đường hầm đa năng dài nhất thế giới, với hầm chứa dài 9,7km bên dưới đường hầm giao thông dài 4km.
Hầm giao thông được đặt phía trên, còn bên dưới là hầm chứa nước và được vận hành hoàn hảo theo 3 chế độ: nếu mưa ít và không có bão, hầm chỉ hoạt động như tuyến đường bộ thông thường; nếu mưa to, bão ở cấp độ vừa phải, hầm chứa nước được mở ra bên dưới để trữ nước mưa, xe cộ vẫn lưu thông ở phía trên; khi thành phố đối diện với cơn bão lớn, các phương tiện sẽ bị cấm lưu thông, phần hầm dành cho xe di chuyển cũng trở thành nơi chứa nước. Khi cơn bão đi qua, đường hầm được rút nước, rửa sạch và mở cửa trở lại cho phương tiện lưu thông trong tối đa 48 giờ.
Cũng áp dụng các biện pháp hồ điều tiết, hồ chứa nước theo ý tưởng của Singapore, thủ đô Bangkok của Thái Lan không còn bị ngập dù trước đó, tình trạng này đã kéo dài nhức nhối. Do được xây dựng trên khu vực đầm lầy, nhiều sông rạch xen kẽ, hệ thống cống cũ kỹ của Bangkok sau quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã không còn đáp ứng được khả năng thoát nước.
Hình ảnh "mưa là ngập" đã trở nên quen thuộc ở TPHCM trong quá trình đô thị hóa
Chính quyền Bangkok rất quyết tâm giải quyết tình trạng thành phố ngập nặng. Chỉ trong vài năm, Bangkok công bố 28 dự án chống ngập mới, trị giá 26 tỉ baht (tương đương 610 triệu bảng Anh) để nạo vét lòng sông, xây các đê chống ngập và hầm trữ nước.
Ngay trung tâm của thành phố, một công viên với diện tích hơn 4ha mọc lên với những bể chứa nước ngầm và 1 hồ điều tiết có sức chứa 3,78 triệu lít nước. Nếu gặp mưa lớn, hồ điều tiết và các bể chứa sẽ hoạt động, giúp thoát nước nhanh chóng và điều tiết qua hệ thống cống sau khi cơn mưa kết thúc.
Ngoài hệ thống này, Bangkok còn xây dựng 5 giếng ngầm có sức chứa lên tới hơn 27 ngàn mét khối nước. Các giếng ngầm này được xây trải dài ở những khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng, nhằm chống ngập tức thì cho những khu vực trũng.
Áp dụng nghiên cứu của các chuyên gia
Ở TPHCM, quá trình đô thị hóa diễn ra cực kỳ nhanh, kèm với đó là tình trạng lấp kênh rạch, lấn chiếm trái phép, xả rác bừa bãi... Đây là vấn nạn khó tránh khiến hệ thống cống thoát nước trở nên quá tải, không theo kịp sự thay đổi của khí hậu và được coi là nguyên nhân quan trọng nhất trong việc chống ngập chưa đạt kết quả như mong muốn, dẫu chính quyền thành phố đã bỏ ra hàng trăm ngàn tỷ đồng để xây các công trình chống ngập.
Các giải pháp chống ngập ở TPHCM thời gian qua vẫn chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt
Theo ông Hồ Long Phi - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TPHCM), nguyên Phó ban Điều hành chương trình chống ngập TPHCM, việc này là minh chứng điển hình cho khả năng hữu hạn trong chống ngập của các giải pháp công trình.
Khả năng của các công trình cống thoát nước hoặc ngay cả đê, kè ngăn nước phụ thuộc hoàn toàn vào công suất thiết kế của chúng. Quá mức này, hiệu quả các công trình giảm xuống đáng kể. Thủ đô Bangkok của Thái Lan đã phải trả giá cho việc xây đê bao quanh bằng trận ngập kéo dài hàng tháng trời cách nay mấy năm khi nước dâng vượt quá chiều cao của đê. Từ thực tế ấy, bên cạnh giải pháp công trình mà các nhà khoa học thường gọi là giải pháp "cứng", các nhà khoa học đã nghiên cứu và kêu gọi thực hiện thêm các giải pháp phi công trình, thường gọi là giải pháp "mềm" để ứng phó với tình trạng ngập.
"Con người không thể tiên đoán một cách chắc chắn rằng tự nhiên sẽ thay đổi như thế nào. Trong bối cảnh ấy mà chỉ dùng các giải pháp bất biến là xây dựng công trình để đối phó với cái khả biến của tự nhiên là không khả thi", Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, nguyên Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, người đã trực tiếp xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu cho TPHCM, nhận định.
Những giải pháp "mềm" thường được các nhà khoa học đưa ra là xây hồ điều tiết nước, chống bê-tông hóa đô thị - tạo điều kiện cho nước thẩm thấu vào đất, trồng thêm cây xanh... Hồ điều tiết có thể được xây nổi hoặc ngầm. Hồ điều tiết nổi là những hồ được đào trên mặt đất, vừa làm nơi trữ nước vừa tạo cảnh quan. Hồ điều tiết ngầm được xây ngầm trong lòng đất, ở những vị trí trọng yếu thường xảy ra ngập lụt.
Trước diễn biến bất thường của khí hậu, nhiều nhà khoa học đã đánh giá rất cao vai trò của các giải pháp "mềm", thậm chí còn cho rằng phải phối hợp cả 2 nhóm giải pháp "mềm" và "cứng" để có được hướng giải quyết ngập một cách tốt nhất.
Theo ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TPHCM), các dự án xây hồ điều tiết trước đây chỉ là dự kiến và sẽ được đưa vào quy hoạch điều chỉnh về thoát nước và thủy lợi mà TPHCM đang triển khai. Sau khi có quy hoạch điều chỉnh sẽ đầu tư xây dựng hồ điều tiết bằng các hình thức từ ngân sách hoặc PPP.
Cuối năm 2018, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM đề xuất xây 5 hồ điều tiết ngầm tại các vị trí: công viên làng hoa Gò Vấp (quận Gò Vấp), dải cây xanh phân cách trên đường Phan Xích Long... Tổng vốn đầu tư các hồ điều tiết này khoảng 475 tỷ đồng, nhưng đến nay các hồ này vẫn còn nằm trên giấy!
Nỗ lực làm xanh lại dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè của thành phố
Từng được xem là con kênh chết trên địa bàn, những năm gần đây, được UBNDTP đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng nên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã chuyển mình, từ con kênh đen, hôi thối nay đã trong xanh trở lại. Trong những biện pháp cải tạo dòng chảy, nhiều cơ quan, tổ chức đoàn thể của thành phố đã cho thả hàng tấn cá xuống kênh, giúp biến nơi này trở thành dải lụa xanh vắt ngang thành phố.
Còn nhớ vào thập niên 80 của thế kỷ trước, do cuộc mưu sinh, hàng nghìn hộ dân khắp nơi đã chạy đến tuyến kênh này dựng lên hàng nghìn căn nhà ổ chuột chạy song song với tuyến kênh, dẫn đến tình trạng dòng chảy ô nhiễm nghiêm trọng và đến năm 2005 trở thành dòng kênh "chết", chẳng tôm cá nào sống nổi. Trước tình trạng đó, UBND TPHCM đã quyết tâm hồi sinh dòng kênh, đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng để dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có thể khởi công vào tháng 3-2003 và sau gần 10 năm thi công, tháng 8-2012 đã hoàn thành trong sự vui mừng của người dân thành phố.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau khi được cải tạo
Sau khi giải tỏa được hàng ngàn căn nhà tạm, chính quyền thành phố còn cho xây 2 tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa, làm đường lát vỉa hè, trồng cây xanh, xây công viên dọc theo 2 tuyến này. Không dừng lại đó, mỗi năm chính quyền thành phố đều dành ngân sách lấy mẫu nước, mẫu bùn đáy phân tích đánh giá "sức khỏe" định kỳ cho kênh. Do thời gian dài không được cải tạo, một số đoạn kênh bắt đầu xuất hiện nước thải bùn, rác, gây bồi lắng một số đoạn làm ảnh hưởng đến dòng chảy. Trung tâm Quản lý đường thủy thuộc Sở Giao thông vận tải TPHCM đã cho vét khoảng 40.000m3 bùn, đất của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, trả lại cho kênh dòng nước trong xanh.
Có thể thấy dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè xứng đáng là công trình thế kỷ của thành phố. Bà Nguyễn Thị Phấn - người dân sống ở Q. Bình Thạnh - bày tỏ, 15 năm trước người dân không dám đứng ven kênh để tập thể dục hay đi bộ như bây giờ, vì hồi đó rác nhiều lắm, nước kênh thì đen kịt, ô nhiễm nặng nề. Giờ thì những hình ảnh đó đều đã là quá khứ, chạy dọc tuyến kênh là hình ảnh công viên, bên dưới là dòng nước trong xanh. Chiều xuống, hàng nghìn người dân TP ra đây tập thể dục, hóng mát và hít thở bầu không khí trong lành, trẻ em thoải mái vui đùa...
Những năm gần đây thành phố còn triển khai tuyến du lịch đường thủy nội thị đầu tiên trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, với lộ trình gồm 4,5km đi qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, thời lượng khoảng 1 tiếng, bằng thuyền mái che và thuyền phụng nhỏ chèo tay. Đây là sản phẩm du lịch mới rất được người dân thành phố và du khách đón nhận.
(CATP) Dù được xem là nguồn tài nguyên đặc biệt của thành phố, đóng vai trò quan trọng trong tiêu thoát nước, chống ngập, nhưng mạng lưới hơn 1.000km sông, rạch tại TPHCM luôn phải đối mặt với nhiều đe dọa, như: tình trạng lấn kênh, lấp rạch trái phép vẫn diễn ra, rác thải sinh hoạt tràn lan...
(CATP) Mạng lưới sông, kênh, rạch phân bố rộng khắp toàn địa bàn TPHCM, nhưng nhiều nỗ lực phát triển du lịch đường sông và giao thông đường thủy đặt ra trong những năm qua đều thất bại. Một trong những nguyên nhân chính là rác thải gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng và ách tắc luồng chảy.
(CATP) Như tình thế mặc nhiên, hằng ngày các kênh, rạch trên địa bàn TPHCM liên tục tiếp nhận thêm vô số rác và nước thải chưa qua xử lý. Dù những năm qua, thành phố phải tốn hàng chục ngàn tỷ đồng để nạo vét, cải tạo, chỉnh trang nhiều kênh, rạch, nhưng nhiều đoạn, tuyến vừa chuyển mình trở nên đẹp đẽ, nên thơ thì lại tái ô nhiễm vì rác và nước thải bẩn. Số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân bị bắt quả tang, xử lý về hành vi xả thải trái pháp luật chưa nhiều. Do đó, chưa đủ sức răn đe những đối tượng cố tình gây ô nhiễm môi trường.
(CATP) Kênh Ba Bò chảy qua địa bàn TPHCM và Bình Dương, là một trong những con "kênh thối", được xem là điểm nóng về ô nhiễm môi trường nhiều năm qua. Dù TPHCM và Bình Dương đã đầu tư cả nghìn tỷ đồng để cải tạo, khắc phục, nhưng đến nay vẫn chưa cải thiện. Hàng nghìn nhà dân sống ven kênh luôn phải đối diện với tình trạng ô nhiễm.
(CATP) TPHCM được thiên nhiên ban tặng cho hàng chục dòng sông và nhiều kênh, rạch chảy uốn lượn khắp địa bàn. Hệ thống sông ngòi này giúp tiêu thoát nước vào mùa mưa. Tuy nhiên những năm gần đây, do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều tuyến kênh, rạch bị san lấp vô tội vạ để làm nhà ở, đường đi, gây ngập úng vào mùa mưa. Dù các cơ quan chức năng nhiều lần kiểm tra, xử lý, nhưng tình trạng vi phạm còn khá phổ biến.