Bác sĩ Lê Văn Tiến - Giám đốc BVĐK
Lâm Đồng và bác sĩ Nguyễn Xuân Tạo - Phó Giám đốc BVĐK Lâm Đồng tư vấn cho một người lớn tuổi khi tiêm phòng vắc-xin Covid-19
Được biết, đợt 1 được phân bổ vắc-xin Covid-19, tỉnh Lâm Đồng tập trung tiêm cho các lực lượng chức năng trên tuyến đầu chống dịch. Từ đợt 2 (tháng 6/2021) đến nay, tỉnh Lâm Đồng tập trung ưu tiên cho các tài xế, phụ xe, các trường hợp người già trên 65 tuổi, người có các bệnh nền, người hưởng trợ cấp xã hội, các lực lượng tình nguyện tham gia chống dịch Covid-19... nhằm đảm bảo an sinh xã hội, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và lãnh đạo địa phương.
Ông Trần Ngọc Trung - Phó phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế Lâm Đồng, cho biết, đến nay toàn tỉnh đã hoàn thành 6 đợt tiêm vắc-xin Covid-19 với các loại vắc-xin Astrazeneca, Pfizer và Moderna.
Đợt 1, từ tháng 4-5/2021, tỉnh Lâm Đồng được cấp 7.100 liều vắc-xin AstraZeneca/710 lọ (trong đó có 400 liều cho lực lượng Công an); kết quả: từ ngày 23/4 đến ngày 5/5, đã tiêm vắc xin cho 8.347 (tỷ lệ 117,5%) người là cán bộ y tế, thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp.
Đợt 2: trong tháng 6/2021, tỉnh Lâm Đồng nhận được 20.600 liều vắc-xin/2.060 lọ; kết quả từ ngày 15/6 đến ngày 3/7, đã tổ chức tiêm cho 23.878 người (tỷ lệ 115,9%) là các đối tượng ưu tiên theo quy định.
Đợt 3, 4: nhận 31.170 liều (AstraZeneca: 30.000 liều, Pfrizer: 1.170 liều), đã tiêm cho 11 đối tượng theo quy định, từ ngày 19/7 đến hết ngày 6/8 đã triển khai tiêm cho 36.311 liều, đạt 116,5%.
Đợt 5: nhận ngày 3/8 là 35.280 liều Moderna, đã tiêm 17.935/17.640 liều, đạt 101,6%% (còn lại 17.640 liều chờ tiêm mũi 2 theo kế hoạch).
Đợt 6: nhận 14.900 liều Astrazeneca và Pfizer, ngày 9/8 bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin các đối tượng theo quy định. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm trên 100.000 liều, tiêm đủ 2 liều vắc-xin phòng Covid-19 cho trên 10.000 người, số đã tiêm mũi 1 trên 90.000 người (PV làm tròn số).
Lực lượng y tế TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho đồng nghiệp tham gia trên tuyến đầu chống dịch
Tháng 7/2021, tỉnh Lâm Đồng là 1 trong số các địa phương bị Bộ Y tế phản ánh về việc chậm tiêm vắc-xin do công tác sàng lọc, lập danh sách với nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc-xin theo quy định thì đến tháng 8 đã bứt phá, đứng vị trí thứ 2 toàn quốc (xếp sau Bắc Ninh) với số lượng 16,30% dân số toàn tỉnh đã được tiêm phòng vắc-xin Covid-19.
Thời gian tới, theo thông báo của Bộ Y tế, trong 5 tháng cuối năm 2021, tỉnh Lâm Đồng sẽ được Bộ Y tế cấp về 1.642.299 liều vắc-xin phòng bệnh Covid-19, ngành y tế địa phương sẽ huy động mọi nguồn lực để tiêm vắc-xin đến nhân dân theo quy định đối tượng/đợt tiêm.
Để đảm bảo tiến độ tiêm chủng, từ tháng 4 đến nay, ngành y tế phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong công tác thống kê, lập danh sách đối tượng tiêm chủng theo quy định và hỗ trợ các điểm tiêm chủng về nhân lực, tập trung cho công tác chuyên môn, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, đảm bảo toàn dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vắc-xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất được tiêm phòng.
Nhiều điểm tiêm chủng tập trung ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho nhóm đối tượng là người trên 65 tuổi, người có nhiều bệnh nền. Ảnh Kim Thoa
Tại một số điểm tiêm chủng như BVĐK Lâm Đồng, CDC Lâm Đồng, Trung tâm Y tế Đà Lạt, TP.Bảo Lộc và các huyện Đạ Tẻh, Đơn Dương, Đức Trọng... vừa kết thúc đợt tiêm chủng thứ 6 với các loại vắc-xin AstraZeneca, Pfizer, Moderna với các đối tượng là các tài xế, phụ xe còn lại, người trên 65 tuổi và các trường hợp hưởng trợ cấp xã hội, nhân viên giao, bán hàng hoá thiết yếu, tiểu thương tại một số chợ truyền thống, chợ trong khu đông dân cư... do các phường, xã lập danh sách.
Trong đó, BVĐK Lâm Đồng đảm nhiệm việc tiêm vắc-xin cho các trường hợp người cao tuổi, có nhiều bệnh nền, các trường hợp bệnh lý đang được hưởng trợ cấp xã hội. Lực lượng y - bác sĩ làm việc xuyên ca, từ 7h sáng đến 21h mỗi ngày trong mỗi kỳ được phân bổ vắc-xin, nhằm giúp người dân được tiếp cận sớm nhất với nguồn vắc-xin, phòng Covid-19.
"Chúng tôi mừng lắm khi được gọi đi tiêm vắc-xin"!
Khi các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 và tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, vai trò của lực lượng lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa, hành khách càng trở nên quan trọng, là nhóm đối tượng được ưu tiên hàng đầu của tỉnh Lâm Đồng, được Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của tỉnh quan tâm chỉ đạo, yêu cầu lập danh sách để tiêm vắc-xin.
Từ tháng 6/2021 đến nay, tỉnh Lâm Đồng ưu tiên tiêm vắc-xin Covid-19 cho trên 11.000 tài xế để đảm bảo việc lưu thông hàng hoá
Một số tài xế điện thoại chia sẻ với chúng tôi về việc họ phải ở lại khu cách ly tập trung theo quy định, hơn 2 tháng nay chưa được về nhà; cứ mỗi 3 ngày lại đi test nhanh kháng thể SARS-CoV-2 một lần đến rát mũi và sợ hãi; nhưng vì công việc mưu sinh, vì trách nhiệm của người tài xế gắn bó với chủ nhà xe, vì yêu nghề nên họ tiếp tục bám trụ công việc vận chuyển, lưu thông hàng hoá mỗi ngày, đi - đến nhiều nơi; nhiều khi đơn độc trên đường vì nhiều người ngại tiếp xúc, không mua được thực phẩm cần thiết...
Khi được gọi, báo về tiêm vắc-xin Covid-19, họ hạnh phúc, vui mừng, tin tưởng vào vắc-xin, mong sự an toàn cho mình và mọi người.
Một số tài xế thắc mắc, đồng nghiệp của họ đã được tiêm mũi 2 từ lâu, nhưng họ vẫn chưa được tiêm mặc dù chủ doanh nghiệp đã lập danh sách; lo sợ bị nhiễm dịch, họ không dám tiếp tục đi xe chở hàng, nhưng vì đã đi những chuyến trước nên hiện vẫn ở tại khu cách ly, mong mỏi được tiêm vắc-xin.
Tài xế các xe tải chở hàng hoá đều phải xuất trình xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 khi qua các chốt, trạm kiểm soát. Trong ảnh là chốt kiểm dịch giáp ranh 2 tỉnh Đồng Nai - Lâm Đồng
Chị Phan Thị Kiều Liên - chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải thuộc hộ kinh doanh cá thể tại đường Thông Thiên Học - P.2, TP.Đà Lạt, cho biết, chị có 12 chiếc xe, bao gồm xe tải, xe nhỏ chung chuyển hàng hoá với 12 tài xế và 1 tình nguyện viên, hàng ngày chở rau, củ quả từ Đà Lạt đi các tỉnh và chở gạo về Lâm Đồng.
Mùa dịch Covid-19, chị vừa buôn bán, duy trì công ăn việc làm cho các tài xế, vừa trao tặng nhu yếu phẩm (gạo, rau củ quả) cho một số bếp ăn từ thiện, hộ nghèo trên địa bàn. 6/13 tài xế, tình nguyện viên của chị đã được tiêm vắc-xin, còn 6 người chưa được tiêm.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chị Liên và số tài xế, tình nguyện viên (tham gia nhiều địa điểm hỗ trợ công tác phòng chống dịch) còn lại mong muốn được tiêm vắc-xin để tham gia vào "luồng xanh", lưu thông hàng hoá nhu yếu phẩm đến mọi người.
Ông Nguyễn Văn Gia - Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, cho biết, thực hiện chỉ đạo theo nội dung các Công văn do UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành về chiến dịch tiêm vắc-xin do Bộ Y tế phân bổ đến các địa phương, Sở GTVT tổng hợp danh sách các đối tượng là tài xế, phụ xe do các phường, xã lập, gửi Công an các huyện, 2 thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc...; Sở GTVT gửi danh sách đến Sở Y tế Lâm Đồng trên 10.000 trường hợp và đã được tiêm vắc-xin Covid-19 từ tháng 6 đến nay; sau đó, các địa bàn bổ sung thêm.
Cán bộ UBND tỉnh Lâm Đồng tham gia trên tuyến đầu chống dịch tiêm chủng vắc-xin ngày 23/6
Bác sĩ Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng khẳng định, tuyệt đối ưu tiên cho đội ngũ lái xe, phụ xe trên địa bàn tiêm vắc-xin theo đúng tinh thần chỉ đạo, quan tâm của lãnh đạo tỉnh với lực lượng này cùng với các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch để đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống dịch; đảm bảo việc lưu thông hàng hoá, nhu yếu phẩm đến nhân dân, hỗ trợ với các tỉnh, thành khác đang thực hiện giãn cách theo các Chỉ thị 15,16 của Thủ tướng Chính phủ. Số liệu từ Sở Y tế Lâm Đồng cho biết, đến nay, toàn tỉnh đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trên 11.000 lái xe, phụ xe.
Một tài xế tại điểm tiêm chủng vắx-xin Covid-19
Bộ Chính trị, Chính phủ đang nỗ lực tập trung cao nhất trong ngoại giao, đàm phán, trao đổi với các nước để có nguồn vắc-xin sớm nhất tiêm phòng cho nhân dân; chủ trương nhất quán: miễn phí tiêm vắc-xin đến toàn dân. Việt Nam cũng đang có các dấu hiệu rất khả quan trong việc chuyển giao công nghệ sản xuất thành công 3 loại vắc-xin Nanocovax, Covivac, ARCT-154 (nhận chuyển giao công nghệ từ Mỹ), mang lại hiệu quả cao trong điều trị Covid-19; cùng đó là thuốc điều trị virus SARS-CoV-2 của một số nước trên thế giới.
Chiều cùng ngày (19/8), thông tin từ Thứ trưởng Bộ Y tế Vũ Đức Thuấn cho biết, Bộ Y tế đang nỗ lực tối đa để đưa vắc-xin về nước sớm nhất, nhiều nhất. Dự kiến trong tháng 8 và 9, Việt Nam có thêm khoảng 20 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19. Trong quý IV năm nay, lượng vắc-xin tiếp nhận có thể nhiều hơn, từ 20 đến 50 triệu liều/tháng. "Chúng tôi hi vọng từ nay đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022, sẽ bao phủ được vắc-xin Covid-19 cho 75% dân số”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.