Nhân mùa khai trường nghĩ về người chở đạo

Thứ Bảy, 27/08/2022 18:38

|

1- Cũng không biết từ khi nào, mà hầu như ở các quốc gia trên thế giới, ngay từ xa xưa, năm học mới lại bắt đầu từ mùa thu, khi tiết trời ngả sang vẻ dịu dàng ngọt ngào sau những tháng mùa hè rực rỡ. Và có lẽ không tuổi thơ nào đến trường mà không lưu giữ kỷ niệm ngày đầu tiên đi học, mùa khai giảng đầu đời của hành trình làm "học trò”, thu nạp tri thức, trang bị kiến thức, để trưởng thành và vào đời, mang trách nhiệm phụng sự, kiến tạo nhân gian ngày một tươi đẹp, trường thịnh. Cái ngày đầu tiên đến trường đó, sao mà trong veo, thơ ngây, hồn nhiên, sao mà tràn đầy những thương yêu từ ánh mắt trìu mến động viên của cha mẹ đưa đến trường, đến cái nắm tay gần gũi và giọng nói ấm áp chan chứa tình thân chở che của cô thầy.

Đã qua nửa thế kỷ, nhưng tôi còn nhớ ngày khai giảng đầu tiên, lớp học sơ tán thời chiến tranh ở một vùng quê Hà Tây cách Hà Nội non 30km. Ngôi trường đơn sơ, gồm mấy phòng học vách tranh, mái lợp rơm rạ, nép dưới những tán cây đa cây si cổ thụ, bao quanh phía ngoài là những hàng tre rậm rạp đào sẵn những căn hầm trú ẩn tránh bom đạn, mỗi lớp có giao thông hào dẫn ra. Chúng tôi, mỗi đứa đến trường, bé như cây nấm, càng giống nấm hơn khi trên đầu là chiếc mũ rơm tránh mảnh bom, được cha mẹ hay anh chị đan tết bằng ruột sợi rơm nếp rất đẹp, chưa hết, mỗi đứa còn khoác chéo trên bên hông ngoài túi đựng sách vở là túi cứu thương cá nhân bằng vải xinh xinh, bên trong đựng bông băng thuốc đỏ...

Tôi còn nhớ, tiếng kẻng khai trường năm ấy, chiếc kẻng làm từ một nửa vỏ bom, treo lên cành đa to nhất, nghe rộn rã âm vang đầy háo hức... Và với những đứa trẻ chúng tôi ngày ấy, đi học là một trải nghiệm thú vị, là những bình minh thơm mát mùi lúa ngậm đòng đòng sữa, là những trưa hè nhìn cua cá ngoi lên bờ vì nóng, hay chiều xuống ngắm những cánh diều sáo vi vu trên cánh đồng...

Em yêu trường em/ Với bao bạn thân/ Và cô giáo hiền/ Như yêu quê hương/ Cắp sách đến trường/ Trong muôn vàn yêu thương/ Nào bàn, nào ghế/ Nào sách, nào vở/ Nào mực, nào bút/ Nào phấn, nào bảng/Cả tiếng chim vui/ Trên cành cây cao/ Cả lá cờ sao/Trong nắng thu vàng/ Yêu sao yêu thế/ Trường của chúng em - Hoàng Vân. Ca khúc Em yêu trường em này cũng đã nằm lòng trong tôi và các bạn cùng thế hệ ngót nửa thế kỷ nay. Mùa khai giảng năm nào, sau các nghi thức chào cờ, hát Quốc ca, Đội ca thì trong chương trình văn nghệ chào mừng năm học mới, giai điệu vui tươi này lại vang lên, như nói hộ tất cả chúng tôi dưới sân trường tình cảm với trường lớp, thầy cô và lời hứa hẹn "con ngoan trò giỏi", "nói lời hay, làm việc tốt"...

Cũng không hiểu sao, mà tôi nhớ như in, khai giảng năm học 1974 - 1975, trong chương trình văn nghệ đầu năm, tiết mục tốp ca mở đầu, ca khúc Em đi thăm miền Nam - Hoàng Lân, Hoàng Long: Kìa nắng sớm mai chiếu soi ngàn muôn tia sáng/ Chúng em vây quanh cô giáo trong giờ chơi/ Từng đôi mắt xinh nhìn lên bản đồ Việt Nam/ Lắng tai em nghe lời nói sao dịu hiền/ Đây miền Nam, ruộng đồng mênh mông/ Khoai lúa thơm vàng gạo trắng nước trong/ Cửu Long đắp bồi nên quê hương nhà... Rồi sau đó là toàn bộ chương trình hát múa hướng về miền Nam, như: Miền Nam của em - Hoàng Nguyễn, Em đi đưa cơm cho mẹ đi cày, Tiếng chim trong vườn Bác - Hàn Ngọc Bích. Cảm giác mở đầu năm học, là niềm vui háo hức, như thể chiến tranh sắp chấm dứt, là hòa bình thống nhất nước nhà sắp thành hiện thực...

Vâng! 47 năm đã qua, nhưng tôi không thể quên mùa khai giảng đầu tiên ở Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh, tháng 9-1975. Trường của tôi, trường Lê Hồng Phong, ngôi trường "Tây" - Pétrus Ký lừng danh, tới năm 1975 có lịch sử ngót nửa thế kỷ, khai giảng năm học đầu tiên của hòa bình. Là những hình ảnh trở thành ấn tượng in đậm trong tôi, mọi thứ với tôi vừa lạ lẫm vừa có gì rất thiêng liêng, từ tiếng trống trường được đánh lên nghe trầm vang uy lực, đánh dấu thời khắc năm học mới bắt đầu, từ hình ảnh lá Quốc kỳ cùng lá cờ Giải phóng nửa đỏ nửa xanh tung bay trong gió trong nắng một cách kiêu hùng, từ giai điệu Quốc ca trầm hùng uy nghiêm vang lên, và cảm giác mấy hàng cây cổ thụ bao quanh trường, các bông hoa trong vườn trường... hình như cũng rộn ràng reo vui...

Cho tới hôm nay, dù đã rời xa thời học trò gần 40 năm, nhưng trong tôi vẫn giữ những nôn nao, xao động, hồi hộp mỗi mùa khai giảng mới như năm xưa. Là đợi thời khắc này, để mở hộp ký ức, bồi hồi, nghe bâng khuâng, lắng hoài niệm, lục tìm, mỉm cười với bao hình ảnh như xuyên không về ngôi trường, bè bạn, thầy cô, những trò tinh nghịch lí lắc, những vụn vặt mộng mơ, những xao động mơ hồ tình yêu học trò... Để bao nhớ thương ùa về khi bước vào kỷ niệm một thoáng trường xưa, để bồi hồi cảm nhận thời gian thoi đưa trong rêu phong ngày xưa ấy...

2- Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.

Không thầy đố mày làm nên.

Nhớ công ơn thầy, người Việt Nam nhớ ơn như các bậc sinh thành: "Công cha - Nghĩa mẹ - Ơn thầy".

Ngay từ xa xưa, ông cha ta đã thấy giá trị cao quý của nghề làm thầy, nghề dạy học. Lúc sinh thời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: "Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong những nghề cao quý”. Trong quan niệm của nhân gian, cả Đông - Tây, Kim - Cổ đều xem nghề dạy học là nghề "ươm mầm", "trồng người", hay "người chở đạo", "người đưa đò”... Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tặng cho ngành giáo dục Việt Nam câu khẩu hiệu để nói lên trách nhiệm cao quý của nghề giáo: "Vì lợi ích 10 năm trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm trồng người".

Nghề giáo đặc biệt không chỉ mang lại cho con người tri thức mà cả nhân cách để sống chân - thiện - mỹ trong cuộc đời. Giáo dục một con người không chỉ là trang bị một kiến thức tốt, vững vàng mà phải làm cho con người đó có một nền tảng về cách đối nhân xử thế, trang bị những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Nghề giáo còn là nghề tạo ra tất cả các ngành nghề khác của thế giới loài người. Nghề giáo và đạo lý làm thầy là cả một quá trình sự nghiệp cao quý "trồng người" của những "Kỹ sư tâm hồn". Chặng đường khơi dậy những tâm hồn và truyền vào đó ánh sáng của tri thức lắm gian nan thử thách nhưng rất đỗi vinh quang.

Công việc của những người thầy thầm lặng mà ý nghĩa. Thầm lặng truyền đạt tri thức nhân loại đến học trò hết lớp này đến lớp khác. Thầm lặng cống hiến cả tâm - trí đến các lớp học trò như một sứ mệnh đào tạo "hiền tài" trở thành "nguyên khí quốc gia", góp phần tạo dựng, kiến thiết quốc gia hùng mạnh, trường tồn. Thầm lặng sống giản dị thanh bạch như biểu tượng của sự thanh cao, nhiều kiến văn, tấm gương sáng cho nhiều lớp học trò noi theo. Biết bao tấm lòng cao thượng, tâm hồn trong sáng, cốt cách thanh cao, khí phách của những người thầy không bao giờ chuyển lay, không bị cám dỗ bởi tiền tài, danh vọng không chỉ làm lay động thức tỉnh con người, mà còn là những tấm gương sáng ngời của những con người bình dị... giống như những câu chuyện huyền thoại đang viết lên trang cổ tích giữa đời thường.

Khi chúng ta mở mắt chào ánh sáng bước vào cuộc sống, bắt đầu cuộc hành trình qua năm tháng tự khẳng định mình để khám phá ý nghĩa của thế giới loài người, thực hiện mọi hoài bão, ước mơ của bản thân. Và để chinh phục hành trình đầy khó khăn này thì tri thức, kiến văn chính là hành trang của chúng ta và những người thầy chính là những người đưa đò thầm lặng đưa chúng ta tới bến bờ tương lai tươi sáng. Có con đường nào đến thành công mà không qua những khổ công rèn luyện, phải trải qua biết bao gian lao, vất vả, sự kiên trì, nhẫn nại, có cả thành công thất bại...

Trong những khó nhọc, chông gai đó, chính những người thầy đã luôn ở bên, tiếp sức, thắp và giữ ngọn lửa niềm tin, ngọn lửa tri thức, với vai trò định hướng làm tròn trách nhiệm đưa từng học sinh qua sông bằng con đò tri thức. Và chính nhờ con đò tri thức đó, chúng ta có thể đủ sức trưởng thành vươn ra biển lớn. Thời gian chưa bao giờ dừng lại, nhân loại mỗi ngày thêm nhiều đổi mới và không ngừng tìm hiểu khám phá sáng tạo để hoàn thiện hơn cuộc sống. Nghề giáo - những người thầy vẫn kiên trì làm người đưa đò thầm lặng, như một sự cống hiến không cần bù đắp.

Truyền thống "Tôn sư trọng đạo" của người Việt Nam có từ lâu đời, được giữ gìn ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, bao biến cố của thời gian, nhưng truyền thống đó vẫn mãi được giữ gìn như một nét đẹp văn hóa của người Việt. Tháng năm qua đi, tình cảm ấy như khoảng trời trong xanh dẫu giông tố cũng không thể làm nhạt phai, như một mạch nguồn không bao giờ cạn kiệt, nuôi dưỡng tâm hồn người dân đất Việt.

Bình luận (0)

Lên đầu trang