(CAO) Sau 5 ngày cật lực tìm kiếm, đến sáng ngày 23-11, lực lượng cứu hộ đã đưa được nạn nhân cuối cùng ra ngoài. 3 người đã tử vong trong trong vụ sập hầm tại Hòa Bình xảy ra sáng ngày 18-11.
Khoảng 8 giờ ngày 18-11-2015, tại xóm Đồi, xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc, Hòa Bình đã xảy ra vụ sập hầm lò than khiến 1 người chết tại chỗ được ra ngay trong chiều ngày 18-11, còn 2 người khác mắc kẹt bên trong.
Ngay khi nhận được thông tin, Công an tỉnh Hòa Bình đã huy động lực lượng xuống hiện trường phối hợp với quân đội, dân quân, người dân địa phương…để khắc phục sự cố.
Đích thân Đại tá Trần Văn Hoàn – Phó giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình (Ảnh trái) và Đại tá Trần Mạnh Hải – Trưởng công an huyện Tân Lạc (Ảnh phải) đã vào trong đường hầm nghiên cứu địa hình để bàn các phương án cứu các nạn nhân sáng ngày 19-11
Cũng trong buổi sáng ngày 18-11, Đại tá Trần Văn Hoàn – Phó giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình đã trực tiếp xuống hiện trường và có mặt trong hầm nơi có 2 công nhân mắc kẹt để nghiên cứu đưa ra các phương án cứu hộ tối ưu nhất.
Sau khi thực địa đường hầm, lực lượng cứu hộ đã phải thay đổi phương pháp tiếp cận nạn nhân. Thay vì đưa máy móc hiện đại vào trong, lực lượng cứu hộ phải đưa phương tiện thô sơ như xe rùa, xô, chậu vào để đưa đất, đá ra ngoài vì đường hầm quá chật, thiếu ô xy.
Lực lượng cứu hộ đưa phương tiện vào trong đường hầm
Đúng thời điểm, lực lượng cứu hộ đã khoanh vùng được vị trí nơi 2 công nhân mắc kẹt thì gặp phải khối đá lớn nên công tác cứu hộ gặp muôn vàn khó khăn.
Sau 3 ngày cật lực có mặt trong đường hầm, lực lượng cứu hộ đã đưa hàng chục khối đất đá ra ngoài và đến khoảng 16 giờ ngày 21-11 đã đưa được nạn nhân Bùi Văn Tuấn (SN 1992, trú tại Phú Lương, Lạc Sơn) ra ngoài.
Công nhân Tuấn được đưa ra ngoài, nhưng việc tiếp cận với công nhân còn lại là vô cùng khó khăn bởi dù các lực lượng đã đào hết lượng đất đá vùi lấp ở đường hầm chính nhưng vẫn không tìm thấy nạn nhân.
Ngay sau đó, lực lượng cứu hộ đã phải chuyển hướng đào sang các đường hầm phụ. Tiếp tục đào thêm một ngày – đêm, khoảng 3 giờ ngày 23-11, lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được nạn nhân Bùi Văn Quý (SN 1992), là nạn nhân cuối trong vụ sập hầm.
Ngủ vội ngay dưới đất sau khi có có tốp khác vào làm thay trong hầm
Để tìm thấy các nạn nhân, lực lượng cứu hộ đã phải ăn dầm ở dề trong rừng sâu suốt 5 ngày - đêm thay phiên nhau vào hầm đưa hàng chục khối đất đá ra ngoài.
Hình ảnh các chiến sỹ công an, quân đội… mặt dính đầy bùn, than đen sì, người ướt sũng nước dùng vội bữa ăn trưa, tối hoặc nằm ngủ vạ vật dưới nền đất giá lạnh mới thấy được nỗi vất vả, khó khăn, nguy hiểm trong công tác cứu hộ, cứu nạn.
Các chiến sỹ công an, quân đội… mặt dính đầy bùn, than đen sì, người ướt sũng nước dùng vội bữa ăn trưa
Công nhân Bùi Văn Binh (SN 1986), người may mắn thoát chết trong gang tấc kể lại giây phút sinh tử: “Hôm đó, đội của chúng tôi có 7 người tham gia làm việc trong đường hầm. Lúc đang làm việc, chúng tôi bỗng nghe tiếng đất đá sập xuống rầm rầm.
Khối lượng đất đá cực lớn tạo thành lực đẩy khiến chúng tôi văng ra ngoài. Tôi và 3 người khác nhanh chân chạy ra ngoài và may mắn thoát chết”. Cũng theo anh Binh, trước đó, công nhân đã phát hiện nóc hầm có nước rỉ xuống và đã được che bằng bạt phía trên”, anh Binh cho hay.
Lực lượng công an luôn có mặt khắp điểm hầm để phối hợp cứu nạn
Ông Bùi Văn Nượm, Chủ tịch xã Lỗ Sơn xác nhận công ty Tân Sơn đã khai thác than trên địa bàn này được hàng chục năm nay, nhưng có thời gian ngưng hoạt động. Tuy nhiên trong thời gian đợi giấy phép, công ty này vẫn hoạt động.
Sáng ngày 23-11, lực lượng cứu hộ đưa nạn nhân ra ngoài đường hầm
Thời gian công ty này làm ở đây đã gây ra không ít khó khăn, bức xúc cho người dân địa phương. Theo ông Nượm, công ty Tân Sơn khai thác than ở trên khắp một quả đồi không những phá vỡ môi trường sinh thái núi rừng mà còn gây ôi nhiễm môi trường khi vào mùa mưa nước từ trong các hầm than chảy ra đen kịt, có mùi hôi đã khiến người dân gặp khó khi nguồn nước ô nhiễm.
Những điểm khai thác than lộ rõ sự nham nhở bên cạnh hầm bị sập khiến 3 công nhân tử vong
Lực lượng công an luôn có mặt khắp điểm hầm để phối hợp cứu nạn
“Không những gây ô nhiễm môi trường, việc đào hầm trên cùng một quả đồi đã làm khan hiếm nguồn nước mạch tại đây. Ngoài ra, theo phản ánh của người dân địa phương, trước khi xảy ra vụ sập hầm ngày 18-11, tại đây đã từng xảy ra chết người, công ty thường hay giấu không cho ai biết. Trong những cuộc họp, gặp gỡ bà con tại xóm Đồi, người dân đã nhiều lần kiến nghị nên ngưng hoạt động với công ty này”, ông Nượm thông tin thêm.