Nhọc nhằn mùa cào trùn chỉ trên sông Đồng Nai

Thứ Ba, 23/02/2016 16:17

|

(CAO) Người làm nghề cào trùn hàng ngày phải tiếp xúc trực tiếp với bùn dơ, nước bẩn nên mắc nhiều thứ bệnh như viêm xoang, viêm mũi, viêm da dị ứng. Nhưng cũng vì hai chữ “mưu sinh” nên họ chấp nhận bám mặt sông, bất chấp bệnh tật về sau.

Độ tháng giêng kéo dài đến tháng tư (âm lịch) là mùa sinh sản của loài trùn chỉ nhỏ bằng đầu kim, tập trung lúc nhúc ở những đoạn sông có đường ống xả nước thải sinh hoạt hoặc đầu các cống xả thải của các công ty khu công nghiệp từ TP Biên Hòa đổ ra sông Đồng Nai.

Một số người dân sống dọc theo hai bên sông thuộc các phường Thống Nhất,Tân Mai, Hiệp Hòa, Tân Vạn, Long Bình Tân (TP Biên Hòa) bắt đầu rục rịch bước vào “mùa” cào trùn chỉ kiếm sống.

Chiếc ghe là phương tiện di chuyển để hành nghề cào trùn chỉ

Công việc cào trùn bắt đầu từ 4- 5 giờ sáng, lúc này là thời điểm con nước đã cạn, kéo dài liên tục đến gần 9-10 giờ. Dụng cụ hành nghề đơn giản chỉ cần có một cái vợt lưới lớn và cái thau hoặc can thùng nhựa để chứa đựng trùn. 

Người làm nghề cào trùn phải ngâm mình suốt buổi trong dòng nước dơ bẩn

Loài trùn chỉ sống chui rút trong lớp bùn đen tận sâu dưới đáy sông, do đó người ta phải lặn hụp để cào và xúc từng mẻ bùn lên. Sau đó, sàng lọc bớt bùn, đất có rác lẫn lộn để lựa ra lớp bùn tươi chứa hàng trăm ngàn con trùn đổ lên ghe rồi đong vô cho đầy từng can thùng nhựa.

Dụng cụ cào trùn là cái vợt và cái thau nhựa

Anh Nguyễn Tỵ (42 tuổi), nhà ở phường Tân Vạn, người có “thâm niên” 15 năm làm nghề đãi trùn chỉ tiết lộ, một thùng bao gồm có lớp bùn và trùn lẫn lộn giá bán 40.000 đồng cho các hộ dân nuôi cá bè ở làng cá bè Tân Mai, Hiệp Hòa.

Trùn chỉ được đổ đầy vô từng cái thùng nhựa trên ghe

Trùn chỉ là thức ăn bổ sung thêm chất đạm dinh dưỡng và là món ăn khoái khẩu của các loại cá chép, cá diêu hồng con. Nếu ai chịu khó lặn ngụp từ sáng đến trưa cũng kiếm được không dưới 10 thùng.

Còn ai có thời gian rảnh thì ngồi lượt thật sạch và bỏ hết lớp bùn, đất đi chỉ lộ lên lớp màu đỏ tươi của trùn. Trùn này đem bán cho các đại lý, tiệm nuôi bán cá kiểng giống sẽ được giá hơn, dao động từ 200 - 300 ngàn đồng/ký.

Ngồi sàng lọc bớt lớp bùn, đất dơ để lấy lớp trùn chỉ

Tháng giêng dọc các đoạn sông Đồng Nai rộ lên “phong trào” cào trùn chỉ rất nhộn nhịp. Từ đó, hình thành nên “đội quân” cào trùn đông đến hàng chục người.

Mỗi nhóm “chiếm lĩnh” và đánh dấu riêng cho nhóm mình một khúc sông nên các nhóm khác từ địa phương khác không thể và không được “xâm phạm” vào “lãnh địa” mần ăn của nhau.

Người vớt trùn chỉ đem bán cho các hộ dân nuôi cá bè trên sông Đồng Nai

“Dù gì đi nữa, người làm nghề cào trùn như tụi tôi hàng ngày phải tiếp xúc trực tiếp với bùn dơ, nước bẩn nên mắc nhiều thứ bệnh như viêm xoang, viêm mũi, viêm da dị ứng. Nhưng cũng vì hai chữ “mưu sinh” mà tụi tôi chấp nhận bám mặt sông, bất chấp bệnh tật về sau...”, anh Nguyễn Tỵ chia sẻ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang