(CAO) Khi mùa tựu trường cận kề, các em nhỏ được sắm quần áo, cặp sách mới, thì vẫn còn đâu đó nhiều em sống trong cảnh mồ côi, túng thiếu, đang mơ về con chữ. Các em như những cánh chim non lạc lối giữa bầu trời mênh mông, rộng lớn!
Mồ côi cha từ thuở lọt lòng, ngày còn nhỏ em Tô Thành Đạt (7 tuổi, ngụ ấp Bình Trung, xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đã quen với cảnh sống phiêu dạt trên lưng mẹ. Lên 5 tuổi, vì hoàn cảnh, em phải tạm biệt mẹ, về quê sống nhờ tình thương của ông bà ngoại. Thế nhưng số phận lại thêm lần nữa trêu đùa cậu bé.
Mẹ ung thư, toàn bộ số tiền ít ỏi ki cóp được vơi dần sau những lần hoá trị. Tiền hết cũng là lúc mẹ của Đạt giã từ cõi trần, bỏ lại em bơ vơ giữa đời. Hiện Đạt đang sống cùng gia đình ông bà ngoại tại ấp Bình Trung. Đã 7 tuổi nhưng em chưa từng một lần được đến trường do chưa được làm giấy khai sinh. Ông bà ngoại dù muốn để đứa cháu có tấm giấy tờ lận lưng nhưng cũng không biết làm thế nào.
7 tuổi, Đạt mới được hỗ trợ làm giấy khai sinh để bước vào lớp 1.
“Gia đình nghèo khó, bản thân tôi tuổi cao, không có nghề nghiệp, không biết chữ, không rành pháp luật nên cũng không biết cách nào làm giấy khai sinh để cháu đi học. May mà 2 tháng trước, sau khi mẹ cháu mất thì trưởng ấp Bình Trung thấy hoàn cảnh như vậy mới giúp gia đình làm giấy khai sinh cho cháu. Nhờ vậy mà năm nay cháu được vào học lớp 1 rồi” - ông ngoại Đạt thật thà chia sẻ.
Cũng ở xã Bình Thạnh Trung, trường hợp của em Trần Hữu An (12 tuổi, ngụ ấp Tân An) cũng không khá hơn là bao. Ngày em vừa cất tiếng khóc chào đời, mẹ đã bỏ em mà đi. Vì nghèo, 3 chị em trong nhà dắt díu nhau đến Long An kiếm sống với ba. Không biết chữ lại không có nghề nghiệp ổn định, người đàn ông bất hạnh phải làm đủ nghề để có tiền nuôi 3 đứa con thơ…
Trong ba anh chị em, An may mắn bước vào lớp 5 để theo đuổi giấc mơ con chữ, mong một ngày có cuộc sống tốt hơn.
Khi An được 8 tuổi, gia đình ngoại rước 3 anh chị em về ấp Tân An để kịp cắp sách tới trường. “Trên An còn anh hai và chị ba, cả ba đứa đều chưa đi học. Vì vậy, lúc về lại Tân An thì cho cả ba đứa vào học lớp 1. Tuy nhiên, do khó khăn và lớn tuổi so với các bạn nên anh và chị của An đã nghỉ học, theo ba đi làm thuê làm mướn. Hiện tại chỉ còn có An vẫn theo học, năm nay con lên lớp 5” - cô hai An chia sẻ.
Dù còn nhỏ nhưng An đã biết tự nấu nướng, dọn dẹp và chăm sóc bản thân.
Căn nhà nơi 3 anh em An sinh sống và tự chăm sóc lẫn nhau
Phía sau Trường Tiểu học Bình Thạnh Trung 1 là căn chòi vách lá của gia đình em Huỳnh Thị Mỹ Tiên (SN 2012, ngụ ấp Bình Hiệp A, xã Bình Thạnh Trung). Do gia cảnh khó khăn, không có nhà ở, ba làm bảo vệ còn mẹ thì bán căn-tin tại trường nên được tạo điều kiện để ở tạm trong khuôn viên trường học. Mặc dù gia cảnh túng thiếu nhưng Tiên luôn là học sinh giỏi suốt 5 năm liền ở cấp tiểu học. Năm nay, em đã lên lớp 6 Trường THCS thị trấn Lấp Vò.
Mỗi lần nhớ ba mẹ, Tiên thường lấy sách tập ra học để vơi bớt nỗi buồn.
Đầu năm 2021, biến cố gia đình ập đến khi ba Tiên bất ngờ lâm bệnh, liệt cả hai chân. Hiện tại mẹ Tiên đang chăm bệnh cho ba ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Vì vậy hai chị em phải nương tựa nhau chờ ba mẹ về.
“Em gái con năm nay được 2 tuổi. Ngoài giờ học, con biết tự nấu ăn và làm công việc nhà hết rồi. Tuy nhiên do con và em còn nhỏ nên mỗi ngày dì con đều qua trường giúp đỡ. Mẹ con thì đi lo bệnh cho ba, con cũng không biết khi nào ba mẹ được về”, Tiên buồn bã nói.
Hiện tại, hai chị em Tiên đang sống trong căn nhà tạm phía sau trường học để chờ ba mẹ về.
Chỉ còn vài ngày nữa là năm học mới bắt đầu, tuy nhiên Tiên vẫn chưa biết khi nào ba khỏi bệnh để đoàn tụ cùng gia đình. Mỗi lần nhớ ba mẹ, Tiên lại mang sách tập ra học để mong nỗi buồn vơi bớt phần nào.
Mỗi đứa trẻ mà chúng tôi đã nêu ở trên đều có hoàn cảnh khó khăn khác nhau. Nhưng ở các em, đều có chung niềm khát khao được đến trường như các bạn cùng trang lứa và mong một ngày mai tươi sáng hơn. Thế nhưng để con đường tới trường bớt gập ghềnh và bằng phẳng hơn thì rất cần sự hỗ trợ và đồng hành của những tấm lòng để tiếp bước các em đỡ phần khó khăn, vất vả!