(CATP) Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích hơn 40.000km2 (tương đương hơn triệu ha) với dân số khoảng 19 triệu dân và có những tiềm năng vô cùng to lớn nhưng đến nay vẫn là một vùng trũng của sự phát triển. Phát biểu tại cuộc hội thảo "Xóa trắng" cao tốc, phát huy lợi thế cho ĐBSCL" do báo Thanh Niên tổ chức sáng 31-5, Tiến sĩ kinh tế Trần Du Lịch cho rằng vấn đề hạ tầng giao thông đối với vùng đất này là quan trọng nhưng mới chỉ là một nguyên nhân...
Toàn vùng chỉ 7% đường cao tốc
Tại cuộc hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho rằng: "Vùng ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và là một trong những vùng kinh tế trọng điểm với nhiều tiềm năng và lợi thế, đặc biệt về nông nghiệp, thủy hải sản và du lịch. Những năm gần đây, vùng đất này đã có sự thay đổi rõ rệt trên 4 phương thức vận tải, trong đó thế mạnh là giao thông đường thủy, sau đó là đường bộ, hàng hải và hàng không.
Tuy nhiên, cũng thẳng thắn nhìn nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng vẫn chưa cao, chưa phát huy và khai thác đúng tiềm năng và lợi thế tự nhiên của khu vực, đời sống người dân còn khó khăn, tính kết nối nội vùng, giữa vùng với thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân quan trọng là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải với khối lượng lớn, tốc độ nhanh, an toàn. Đến nay, trong toàn vùng mới hoàn thành khoảng 91 km đường bộ cao tốc (đoạn TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận) trên tổng số 1.239km của cả nước, chiếm 7%.
TS Trần Du Lịch phát biểu
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, ngày 02-4-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đối với vùng là "Ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải...". Riêng đối với hệ thống đường bộ cao tốc, Nghị quyết 13-NQ/TW xác định: "Đến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế gồm các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bắc - Nam phía Tây, TP.Hồ Chí Minh - Sóc Trăng, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Hồng Ngự - Trà Vinh".
Đến năm 2030, vùng ĐBSCL sẽ hoàn thành khoảng 1.180km đường bộ cao tốc. Riêng trong giai đoạn 2021 - 2025, sẽ hoàn thành tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 (30km, TMĐT khoảng 9.800 tỷ đồng); triển khai và cơ bản hoàn thành tuyến: Cần Thơ - Cà Mau với chiều dài 109km, TMĐT trên 27.000 tỷ đồng. Các tuyến cao tốc này thuộc trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Giai đoạn 2026 - 2030, tiếp tục hoàn thành khoảng 637km với nhu cầu vốn ước tính trên 200.000 tỷ đồng gồm: cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn 2 đầu cầu dài 15km, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (qua Long An dài 21 km), đoạn Đức Hòa - Mỹ An dài 74km, đoạn Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 212km, đoạn An Hữu - Trà Vinh dài 90km, đoạn Trà Vinh - Hồng Ngự dài 68km và tuyến cao tốc từ TP.Hồ Chí Minh đến Sóc Trăng dài 150km.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm phát biểu
Thu hút nhập cư mới có thể phát triển
Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng: "Hơn 30 năm trước, đã có rất nhiều hội thảo bàn về vấn đề này nhưng đến nay vùng đất này vẫn chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng. Vấn đề hạ tầng giao thông là quan trọng nhưng mới chỉ là một nguyên nhân. Nguyên nhân thứ hai cũng quan trọng không kém đó là cơ cấu kinh tế thuần nông, chuyển dịch chậm và đặc biệt là nền nông nghiệp này chưa gắn với nền nông nghiệp chế biến nhằm làm tăng giá trị, chưa hình thành được những cứ điểm nông - công nghiệp dựa trên nền tảng công nghiệp để tạo thêm giá trị gia tăng. Thứ ba là những vấn đề về nguồn nhân lực. Giai đoạn 2016 - 2020, đầu tư công cho địa bàn này mới chiếm 17% so với đầu tư công trong cả nước trong khi những năm trước đó khá thấp.
Từ lâu, ĐBSCL nối kết với TPHCM, Đông Nam bộ như một khối gắn kết với nhau nhưng một thời gian dài chúng ta chỉ dựa vào QL1A, hệ thống thủy cũng không được khai thác tối đa trong khi đó ngày xưa hầu hết giao thông thủy mới là tuyến giao thông chính. Trong khi đó, tuyến đường sắt Sài Gòn - Cần Thơ cách nay một thế kỷ, khi vùng đất còn rất sơ khai, người Pháp đã làm tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho, sau này chúng ta bỏ, gỡ bán sắt hết. Đây là yếu tố bất cập. Chúng ta có thể phát triển cảng biển Trần Đề, tạo cửa ngõ giao thương của ĐBSCL với bên ngoài là cần thiết nhưng mối quan hệ giữa ĐBSCL và TPHCM - Đông Nam bộ là quan hệ cực kỳ chiến lược và lâu dài.
Do đó, tôi cho rằng trong chiến lược về giao thông, cần thiết phải tập trung tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ; Cà Mau - Cần Thơ; Kiên Giang - Cần Thơ để Cần Thơ hình thành một cái hốc để từ đó nối kết TPHCM qua đường sắt. Đó là con đường chiến lược để phát triển. Cùng với giải quyết hạ tầng cho ĐBSCL thì vùng đất này phải thay đổi về cơ cấu kinh tế. Nếu cứ duy trì cách phát triển nông nghiệp như hiện nay thì không thể phát triển nếu như không phát triển các cứ điểm nông - công nghiệp".