Đồng bằng sông Cửu Long: Chờ vaccine như "nắng hạn ngóng mưa mùa"

Thứ Bảy, 18/09/2021 12:47  | Thiện Thảo

|

(CATP) Hiện nay, lượng vaccine phòng, chống Covid-19 phân bổ cho khu vực ĐBSCL ít. Nhiều lãnh đạo lo lắng, với lượng vaccine phân bổ khiêm tốn sẽ không đạt chỉ tiêu đề ra. Lãnh đạo lo âu, doanh nghiệp lo lắng khi công nhân tiêm chưa đủ, đảo Ngọc cho rằng chưa yên tâm đón khách du lịch…

Chỉ biết test Covid-19 không biết khi nào tiêm

Theo người dân khu vực ĐBSCL, hiện rất cần tiêm vaccine nhưng chẳng biết bao giờ mới đến lượt. Trong khi đó, tại một số thành phố, thị xã, đến hẹn lại lên cứ 3 ngày, người dân lại test nhanh Covid-19. "Chi phí test nhanh Covid-19 vừa tốn kinh phí, người và nhân lực. Ba ngày, tôi bị ngoáy mũi một lần. Từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đến nay, tôi test nhanh gần 10 lần. Tiền để test kháng nguyên cao gấp nhiều lần mua vaccine", anh Lộc (ngụ đường Võ Văn Tần, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) nói.

TP.Cần Thơ có 910.000 người trong độ tuổi tiêm vaccine nhưng đến nay, thành phố đã tiêm 299.613 liều vaccine ngừa Covid-19 (chiếm 20,83% dân số), trong đó có 41.003 người đã tiêm đủ 2 mũi (chiếm 3,3%).

Người dân chờ vaccine để tiêm để an toàn, địa phường chờ vaccine để miễn dịch công đồng, doanh nghiệp chờ vaccine để tiêm cho công nhân để đảm bảo an tâm sản xuất. Thế nhưng, số lượng vaccine nhỏ giọt. Báo cáo của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), tính đến cuối tháng 8-2021, gần 20% số doanh nghiệp tại ĐBSCL mới được tiêm cho 10% lao động đang làm việc.

Theo VCCI Cần Thơ, từ kết quả khảo sát qua 3 tháng ảnh hưởng dịch Covid-19, nơi đây đã ghi nhận về tình hình tiêm vaccine tại doanh nghiệp trên địa bàn 13 tỉnh, thành ĐBSC có tỷ lệ lao động tại các doanh nghiệp ĐBSCL được tiêm vaccine đều ở mức khá thấp. Cụ thể mới có hơn 23% doanh nghiệp có tỷ lệ từ 80% số lao động được tiêm vaccine; khoảng 18% doanh nghiệp có từ 50 - 80% số lao động và 23% doanh nghiệp có 50% lao động được tiêm vaccine. Đặc biệt gần 20% số doanh nghiệp mới được tiêm cho 10% lao động đang làm việc.

Một số địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine cho người lao động, công nhân trong vùng như Cà Mau hơn 70.000 lao động, Long An với số lượng là 64.000 lao động, kế đến là Trà Vinh với trên 30.000 lao động, Cần Thơ 27.000 lao động, thấp nhất là tỉnh Bạc Liêu với 300 lao động...

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiêm vaccine cho người khuyết tật

Nhiều cộng đồng doanh nghiệp vùng ĐBSCL cũng kiến nghị các địa phương cần có chính sách hoặc quy định cụ thể cho người lao động tiêm đủ 2 mũi vaccine sau 14 ngày được xem là giấy thông hành để được đi lại làm việc từ nhà tới công ty; tài xế di chuyển giữa các quận, huyện để thu mua nông sản cho nông dân, khơi thông hàng hóa, có hướng đi mới cho doanh nghiệp.

Kinh tế địa phương với ngành chế biến nông sản là chính, mỗi tỉnh có chuỗi chủ lực, để cho không ngắt giữa các tỉnh, nên tiêm vaccine theo các chuỗi ngành. Thế nhưng, nguồn vaccine chỉ phụ thuộc vào phân bổ của Bộ Y tế.

Khó khăn thực hiện 'hộ chiếu vaccine'

Theo tỉnh Kiên Giang, kế hoạch thí điểm mô hình "Hộ chiếu vaccine" để thúc đẩy du lịch ở Phú Quốc đang gặp khó vì địa phương này đang trong tình trạng thiếu vaccine tiêm cho người dân để triển khai kế hoạch. Sau gần 3 tháng đề xuất, kiến nghị, ngày 15-7, TP.Phú Quốc (Kiên Giang) trở thành địa phương đầu tiên cả nước thực hiện chương trình vaccine toàn dân với mục tiêu hiện thực hóa mô hình đón du khách thông qua "Hộ chiếu vaccine".

Người dân địa phương mừng bởi chương trình trên sẽ tiêm vaccine cho người dân tại chỗ để tạo ra căn cước vaccine làm cơ sở đón du khách có Hộ chiếu vaccine. Điều này được kỳ vọng như sự kiện khởi động lại hoạt động kinh tế cho cả nước sau thời gian dài tạm ngưng để phòng chống dịch Covid-19.

Nhiều người dân test nhanh Covid-19 hàng chục lần nhưng không biết thời gian tiêm vaccine

Theo kết quả khảo sát, TP.Phú Quốc có trên 127.000 người (thường trú và tạm trú) trong độ tuổi tiêm vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất (từ 18 tuổi trở lên). Để phấn đấu đạt mục tiêu đạt 95% người dân trên đảo Phú Quốc tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 để cuối năm 2021 tổ chức đón khách du lịch trở lại, Phú Quốc cần khoảng 250.000 liều vaccine. Theo đó, cùng các bộ ngành liên quan, Kiên Giang bắt tay xây dựng kịch bản cho Phú Quốc khá hoàn chỉnh.

Bên cạnh việc ưu tiên vaccine là việc huy động lực lượng thực hiện. Trong bối cảnh của đơn vị đảo, các ngành đã thống nhất huy động y, bác sĩ tại các đơn vị Cảnh sát Biển 4, Hải quân Vùng V, Lữ đoàn 950... hỗ trợ để hướng tới mục tiêu triển khai mũi tiêm vaccine trên diện rộng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, du lịch vaccine ở Phú Quốc đang gặp khó do thiếu vaccine. Huyện Phú Quốc đã thực hiện tiêm được 36.921 mũi 1, tức chỉ nhỉnh hơn 35%. Trong khi đó, đối tượng tiêm mũi 2 chỉ tương đương 14%.

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 6-9 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, từ nay đến cuối năm, cần thí điểm thu hút khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc.

Mới đây, Bộ Giao thông và Vận tải (GTVT), Tổng Công ty hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines có văn bản cho rằng, để đón khách du lịch từ tháng 10-2021, Phú Quốc cần đáp ứng 2 điều kiện gồm: Thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho ít nhất 70% dân cư và người lao động tại khu vực khoanh vùng đón khách để đảm bảo miễn dịch cộng đồng. Có hướng dẫn chính thức về quy định nhập cảnh, cách ly với khách du lịch quốc tế sử dụng hộ chiếu vaccine đến các trung tâm du lịch được thí điểm.

Bên cạnh đó, đến nay, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể về thủ tục, quy định nhập cảnh, cách ly đối với khách du lịch quốc tế sử dụng hộ chiếu vaccine. Để thực hiện được mục tiêu bắt đầu đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vaccine từ tháng 10-2021 hoặc muộn nhất quý IV-2021, Vietnam Airlines đề nghị cơ quan chức năng ưu tiên việc tiêm vaccine tại Phú Quốc, đảm bảo tối thiểu 70% người dân sớm được tiêm đủ 2 mũi.

Theo nhiều người có trách nhiệm, nếu không có sự đột phá về chỉ đạo, điều động nguồn vaccine, nhiều khả năng du lịch vaccine khó về đích như mong đợi.

Bình luận (0)

Lên đầu trang