(CAO) Hôm 14-9, AFP dẫn lại một báo cáo trên tạp chí khoa học The Lancet nhận định vaccine Covid-19 đủ hiệu quả để ngăn ngừa các trường hợp diễn tiến nghiêm trọng khi mắc Covid-19, vì thế nói chung không cần phải tiêm mũi tăng cường (mũi thứ 3).
Nghiên cứu được công bố trong bối cảnh một số quốc gia đã bắt đầu cho tiêm mũi 3 tăng cường của vaccine do lo ngại biến thể Delta của coronavirus dễ lây lan hơn nhiều.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi tạm hoãn tiêm mũi thứ 3 trong bối cảnh lo ngại về việc thiếu nguồn cung cấp vaccine cho các quốc gia nghèo hơn, nơi hàng triệu người vẫn chưa nhận được mũi tiêm đầu tiên.
Báo cáo mới của các nhà khoa học, bao gồm cả của WHO, kết luận rằng ngay cả với mối đe dọa của biến chủng Delta thì việc "tiêm liều tăng cường cho dân số nói chung là không thích hợp ở giai đoạn này của đại dịch".
Các tác giả của công bố đăng trên tờ The Lancet ngày 13-9 đã xem xét các nghiên cứu quan sát và thử nghiệm lâm sàng, nhận thấy rằng vaccine Covid-19 vẫn có hiệu quả cao đối với các triệu chứng nghiêm trọng của Covid-19, trên tất cả các biến thể coronavirus chính bao gồm cả Delta, mặc dù chúng có thành công thấp hơn trong việc ngăn ngừa các trường hợp không có triệu chứng của bệnh.
Ana-Maria Henao-Restrepo, tác giả chính trong nghiên cứu của WHO đăng trên tờ tạp chí cho biết: “Nhìn tổng thể, các nghiên cứu hiện có không cung cấp bằng chứng đáng tin cậy về việc giảm đáng kể khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng, vốn là mục tiêu chính của tiêm chủng”.
Nghiên cứu mới cho thấy chưa cần tiêm mũi 3 tăng cường - Ảnh: AFP
Bà nói rằng lượng vaccine hiện nay nên được ưu tiên cho những người trên thế giới vẫn đang chờ đợi được tiêm mũi 1.
Bà nói thêm: “Nếu vaccine được triển khai ở nơi chúng hoạt động tốt nhất, chúng có thể đẩy nhanh sự kết thúc của đại dịch bằng cách ức chế sự tiến hóa tiếp theo của các biến thể”.
Chia rẽ quan điểm về vaccine
Các quốc gia như Pháp đã bắt đầu tiêm mũi thứ ba cho người già và những người có hệ miễn dịch bị tổn thương, trong khi Israel đã đi xa hơn, cung cấp cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên liều thứ ba sau 5 tháng kể từ khi tiêm mũi thứ hai.
Người đứng đầu WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các quốc gia tránh tiêm mũi 3 cho đến cuối năm khi cơ quan y tế Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các quốc gia tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số của họ vào cuối tháng này, và ít nhất 40% vào cuối năm nay.
Nghiên cứu của Lancet kết luận rằng các biến thể hiện tại đã không phát triển đủ để thoát khỏi phản ứng miễn dịch được cung cấp bởi các loại vaccine Covid-19 hiện đang được sử dụng.
Các tác giả lập luận rằng nếu các đột biến virus mới xuất hiện có khả năng tránh được phản ứng này, thì tốt hơn là nên sản xuất các loại vaccine đã được sửa đổi đặc biệt nhằm vào các biến thể mới hơn, thay vì tiêm liều thứ ba của vaccine hiện có.
Nhận xét về nghiên cứu này, Azra Ghani – chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hoàng gia London, mô tả đây là một "đánh giá rất kỹ lưỡng" về nghiên cứu hiện tại.
Nhưng bà nói rằng mặc dù việc giảm hiệu quả của vaccine chống lại các biến thể như Delta có thể là nhỏ, nhưng khi được xem xét trên toàn bộ dân số, nó vẫn có thể dẫn đến "sự gia tăng đáng kể" những người cần nhập viện.
"Ngay cả ở những nước phát triển nhất, những khác biệt nhỏ này có thể gây ra sự căng thẳng nghiêm trọng cho hệ thống y tế", bà nói trong một tuyên bố, đồng thời cho biết thêm rằng không có cách tiếp cận "một kích cỡ phù hợp với tất cả" đối với liều vaccine tăng cường.