Đông Nam Á chọn mở cửa trở lại dù bùng phát Covid-19

Thứ Ba, 14/09/2021 09:41

|

(CATP) Ngay cả khi đang phải đánh vật với một trong những đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất thế giới, các quốc gia Đông Nam Á (ĐNA) cũng dần nhận ra rằng họ không còn đủ khả năng chịu đựng những hạn chế làm tê liệt nền kinh tế đang cần để loại bỏ virus SARS-CoV-2.

Tại những nhà máy của Việt Nam và Malaysia, trong các tiệm cắt tóc của Manila hay những tòa tháp văn phòng ở Singapore, các nhà quản lý đang thúc đẩy kế hoạch mở cửa trở lại, tìm cách cân bằng giữa việc ngăn chặn virus và cho người cùng dòng tiền di chuyển. Điều đó đang dẫn đến loạt thử nghiệm, gồm cả cử quân đội đi giao thực phẩm, công nhân làm việc và ăn ở ngay trong nhà máy, phong tỏa từng vùng nhỏ, chỉ những người đã chủng ngừa mới được tới nhà hàng và văn phòng.

Trái ngược với châu Âu và Mỹ, nơi đã bắt đầu tái mở cửa trở lại, tỷ lệ chủng ngừa của ĐNA còn thấp, khiến khu vực trở thành một trong những vùng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới với biến thể Delta. Nhưng khi tình hình tài chính nhà nước đã bị kéo căng và sức mạnh của chính sách tiền tệ ngày càng suy giảm, biện pháp phong tỏa ngày càng ít khả thi...

Theo bà Krystal Tan - chuyên gia kinh tế của Tập đoàn Ngân hàng Australia & New Zealand: "Đó là sự cân bằng khó khăn giữa đời sống và kế sinh nhai". Bà Tan lưu ý, ngay cả Singapore cũng phải đánh vật với số ca nhiễm tăng đột biến dù có tỷ lệ tiêm chủng hàng đầu thế giới. Bà Tan cho rằng, những rủi ro của việc dừng tái mở cửa cao hơn ở phần còn lại của khu vực, nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn đáng kể. Việc các nhà máy ở ĐNA ngừng hoạt động đã gây nhiều trục trặc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với các nhà sản xuất ôtô - gồm cả Toyota - phải cắt giảm sản lượng lẫn nhà bán lẻ quần áo Abercrombie & Fitch cảnh báo tình hình đang "vượt quá tầm kiểm soát".

Việc các nhà máy ở Đông Nam Á đóng cửa đã tác động đến thế giới khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn Ảnh: Reuters

Tỷ lệ tử vong hàng ngày ở nhiều quốc gia ĐNA đã vượt quá mức trung bình toàn cầu, đẩy họ xuống vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng về khả năng hồi phục hậu Covid-19 của Bloomberg. Tuy nhiên, các nhà chức trách hiện ngày càng lo lắng về kinh tế nếu những hạn chế kéo dài quá lâu trong khi việc tiêm chủng chậm. Malaysia đã cắt giảm một nửa dự báo tăng trưởng năm 2021 xuống còn 3 - 4% khi số ca nhiễm hàng ngày đạt mức kỷ lục. Niềm hy vọng phục hồi của Thái Lan nhờ hồi sinh ngành du lịch cũng đang nhanh chóng biến mất.

Theo chuyên gia kinh tế Wellian Wiranto của Tập đoàn dịch vụ tài chính và ngân hàng Oversea - Chinese Bangking Corp, các quốc gia ĐNA đang bị hao hụt bởi cả chi phí kinh tế từ các đợt phong tỏa liên tiếp và cảm giác kiệt quệ của người dân khi khủng hoảng kéo dài. Ông Wiranto cho rằng: "Bất kỳ hy vọng nào về việc tái mở cửa biên giới để có thể tạo thuận lợi cho dòng chảy thương mại và du lịch qua các nước ASEAN sẽ vẫn là một giấc mơ xa vời".

Sự kiên nhẫn của người dân trong khu vực đang giảm dần, đặc biệt khi họ phải chống chọi với virus SARS-CoV-2 kéo dài lâu hơn ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Singapore và Philippines, giới doanh nhân đang lên tiếng về những khó khăn trong việc lập kế hoạch dài hạn do thiếu sự chắc chắn xung quanh các chính sách của chính phủ. Do vậy, hiện ngày càng có nhiều thay đổi ở ĐNA để coi Covid-19 là loại đặc hữu, với các nước Malaysia, Indonesia, Thái Lan đang đi theo chiến lược của Singapore để học cách "sống chung với virus".

Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực, đang tập trung vào cuộc chơi dài hạn. Các bộ trưởng đang nỗ lực củng cố những quy tắc như bắt buộc đeo khẩu trang kéo dài nhiều năm hơn là thực hiện biện pháp hạn chế di chuyển. Họ cũng công bố các "bản đồ đường đi" với những khu vực cụ thể như văn phòng và trường học nhằm vạch ra các quy tắc lâu dài hơn trong tình trạng bình thường mới.

Việc báo cáo số ca nhiễm hàng ngày giờ trở nên ít quan trọng hơn, điều này đặc biệt đúng đối với 2 quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất khu vực - Singapore, nơi nằm trong số nước có tỷ lệ chủng ngừa cao nhất thế giới, ở mức trên 80%, và Malaysia, với khoảng một nửa dân số đã tiêm ngừa đầy đủ. Các quốc gia cũng đang áp dụng thẻ xanh cấp cho những người đã tiêm ngừa 2 mũi. Chỉ những người có thẻ xanh mới được vào trung tâm mua sắm và những nơi thờ tự ở Jakarta, hay tới các rạp chiếu phim ở Malaysia. Những nhà hàng ở Singapore được yêu cầu kiểm tra tình trạng chủng ngừa của thực khách. Tại Manila, các quan chức đang cân nhắc áp dụng "bong bóng vắc-xin" ở nơi làm việc và trên phương tiện giao thông công cộng...

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang