Đường ống khí đốt gây tranh cãi từ Nga đến Đức đã hoàn thành

Thứ Sáu, 10/09/2021 16:44  | Anh Duy

|

(CAO) Hôm 10-9, AFP dẫn tuyên bố của công ty dầu khí nhà nước Nga - Gazprom cho biết đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc) 'đã hoàn thành hoàn toàn'. 

Nord Stream 2 dự kiến ​​sẽ giúp tăng gấp đôi nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga sang Đức, nhưng nó đã gây chia rẽ ý kiến giữa các thủ đô của châu Âu và làm gia tăng căng thẳng giữa khối này với Mỹ.

Một tranh cãi chính là nó chuyển hướng nguồn cung cấp khí đốt từ một tuyến đường hiện có qua Ukraine và dự kiến ​​sẽ tước đi các khoản phí vận chuyển quan trọng của Ukraine từ Nga.

Ukraine xung đột với Nga kể từ khi Moscow sáp nhập Crimea năm 2014 - đã cảnh báo châu Âu rằng Nord Stream 2 có thể bị Moscow sử dụng như một biện pháp gây áp lực địa chính trị.

Trong các cuộc tranh chấp năng lượng trước đây, Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Kiev. Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky tháng trước đã mô tả đường ống này là "một vũ khí địa chính trị nguy hiểm".

Dự án này cũng bị Ba Lan và các nước Baltic phản đối, những bên lo ngại Nga sẽ sử dụng nó như một vũ khí địa chính trị trong các cuộc tranh chấp.

Chạy từ bờ biển Baltic của Nga đến đông bắc nước Đức, đường ống này đi dưới nước dài 1.200 km đi theo cùng một tuyến đường với dự án Nord Stream 1, được hoàn thành hơn một thập kỷ trước.

Sơ đồ đường ống Nord Stream 2 

Giống như "người anh song sinh" của nó, Nord Stream 2 sẽ có thể dẫn 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm đến châu Âu, tăng khả năng tiếp cận khí đốt tự nhiên tương đối rẻ của châu lục này trong thời điểm sản xuất nội địa trong khối giảm.

Gazprom góp ​​phần lớn cổ phần trong dự án 12 tỷ USD này. Uniper của Đức và Wintershall, Engie của Pháp, công ty Anh-Hà Lan Shell và OMV của Áo cũng tham gia.

Cựu thủ tướng Đức - Gerhard Schroeder là chủ tịch ủy ban cổ đông của Nord Stream.

Nga và Đức khẳng định Nord Stream 2 là một dự án thương mại thuần túy, nhưng các nhà phân tích không đồng ý về lợi ích kinh tế của dự án.

Một báo cáo năm 2018 của tổ chức tư vấn Đức DIW cho biết điều này là không cần thiết và được thực hiện dựa trên dự báo "đánh giá quá cao" nhu cầu khí đốt ở Đức và châu Âu.

Đức - nền kinh tế hàng đầu châu Âu - nhập khẩu khoảng 40% khí đốt từ Nga và Berlin tin rằng đường ống này có vai trò trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Đức khỏi than đá và năng lượng hạt nhân.

Mỹ trong khi đó đã thận trọng bật đèn xanh cho dự án.

Giống như những người tiền nhiệm Barack Obama và Donald Trump, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng phản đối dự án, cho rằng đây là một thỏa thuận tồi đối với châu Âu và là một rủi ro an ninh.

Nhưng những người chỉ trích lập luận này chỉ ra rằng Mỹ cũng muốn tăng cường bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các tàu Nga đặt đường ống đã thành công trong việc trì hoãn Nord Stream 2, khiến Đức tức giận.

Nhưng Biden, mong muốn xây dựng lại các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vốn đã bị Trump làm cho căng thẳng nghiêm trọng, đã bất ngờ từ bỏ các lệnh trừng phạt vào tháng 5 đối với công ty do Nga kiểm soát đứng sau dự án.

Bình luận (0)

Lên đầu trang