(CAO) Mặc dù là bệnh có thể phòng tránh, tuy nhiên nếu chủ quan để mắc bệnh có thể dẫn đến tử vong.
Thông tin từ Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM cho biết, dịch bệnh truyền nhiễm ở TP.HCM bắt đầu “giảm nhiệt”, tuy nhiên không thể lơ là. Theo thống kê, cả 3 loại bệnh: sốt xuất huyết, tay chân miệng và sởi trên địa bàn TP.HCM đều tăng so với cùng kỳ năm 2018.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay toàn TP có 8.480 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 264% so với cùng kỳ năm 2018; sởi có 1.208 ca, tăng gần 100%; tay chân miệng 368 ca, tăng 43%.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng TP, mùa dịch bệnh sốt xuất huyết hàng năm thường kéo dài gần 40 tuần, từ tuần thứ 25 của năm trước (khoảng đầu tháng 8) đến tuần thứ 10 của năm sau (khoảng cuối tháng 3). Đối với mùa dịch 2018 – 2019, ghi nhận ca bệnh tăng nhanh chóng từ tuần 26, đạt đỉnh dịch ở tuần thứ 47 hiện nay đang ở giai đoạn cuối mùa dịch, số ca bệnh đang có chiều hướng giảm theo mùa hàng năm nhưng còn chậm.
Nếu so sánh với những tuần cùng kỳ của đầu năm 2018 (tương đương với những tuần cuối của mùa dịch 2017 – 2018) thì số ca của các tuần đầu năm 2019 cao hơn, cần quyết liệt đẩy mạnh các biện pháp chủ động phòng chống bệnh để thúc đẩy tốc độ giảm ca bệnh.
Mặc dù là bệnh có thể phòng tránh, tuy nhiên nếu chủ quan để mắc bệnh có thể dẫn đến tử vong. Ảnh: NĐ
Trước đây, bệnh sốt xuất huyết được cho là bệnh của trẻ em, tuy nhiên hơn 10 năm nay tỷ lệ bệnh nhân sốt xuất huyết người lớn (trên 15 tuổi) xấp xỉ 50% trong tổng số ca bệnh ghi nhận được. Các trương hợp tử vong do sốt xuất huyết hầu hết ghi nhận trên bệnh nhân có cơ địa béo phì, bệnh mạn tính; một số trường hợp tử vong ở người lớn còn do chủ quan tự điều trị tại nhà, đến bệnh viện trễ.
Bệnh sốt xuất huyết lây từ người bệnh qua người lành qua sự hút máu của muỗi vằn Aedes aegypti. Với khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm và nằm trong vùng lưu hành của muỗi vằn Aedes aegypti – trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết, 24 quận huyện của TP.HCM luôn là địa phương thuận lợi cho sự lây lan bệnh sốt xuất huyết.
Mật độ dân cư đông đúc, giao lưu mạnh, tốc độ đô thị hóa, xây dựng và phát triển hạ tầng nhanh chóng càng làm tăng nguy cơ lây lan bệnh tại thành phố.
Tổ chức Y tế thế giới cũng đánh giá bệnh sốt xuất huyết lan nhanh và rộng trên toàn cầu trong hơn 50 năm qua. Tình trạng biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng nguy cơ lây lan bệnh sốt xuất huyết. Để chủ động phòng chống sốt xuất huyết cần làm tất cả những gì có thể để không bị muỗi đốt và không cho muỗi phát triển. Do đó các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng tại mỗi nhà dân cần được thực hiện tự giác và đồng bộ bởi chính mỗi người dân của thành phố.
Diệt lăng quăng, diệt muỗi là biện pháp căn cơ nhất để phòng chống bệnh sốt xuất huyết và được khuyến cáo thực hiện thường xuyên tại mỗi nhà, mỗi cơ quan tổ chức và cần có sự chung tay của cả cộng đồng.
(CAO) Dù đang là cuối mùa dịch sốt xuất huyết nhưng số bệnh nhân nhập viện điều trị vẫn còn khá cao, trong đó nhiều người lớn mắc sốt xuất huyết phải nhập viện, đã có 1 người tử vong.