'Bệnh viện không phải là nơi điều trị sổ mũi, nhức đầu'

Chủ Nhật, 20/11/2016 00:04  | Ngô Đồng

|

(CAO) BS Nguyễn Thế Dũng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam, Trưởng văn phòng đại diện TP.HCM, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ: "Bệnh viện cần phải được trả về đúng vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nó; không phải là nơi điều trị 'Sổ mũi nhức đầu'...".

Sáng 18-11, Hội nghị quốc tế "Bác sĩ gia đình" lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM. Hội nghị do Hội Khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam, Sở Y tế TP.HCM và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch phối hợp tổ chức.

Tai Hội nghị, các chuyên gia đầu ngành Y tế cả nước và ngoài nước đã có những chia sẻ thiết thực về mô hình "Bác sĩ gia đình trong kinh tế, y tế và giải quyết quá tải bệnh viện".

Bí thư Đinh La Thăng quyết triển khai thành công bác sĩ gia đình
 

Chia sẻ tại Hội nghị, BS Nguyễn Thế Dũng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam, Trưởng văn phòng đại diện TP.HCM, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ: "Do thực trạng của ngành y tế nước nhà, trước đây chúng ta chưa tổ chức mạng lưới bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế nên việc quá tải bệnh viện ngày càng nghiêm trọng khiến cho bệnh viện không làm đúng vị trí, không làm được vai trò, chức năng nhiệm vụ của tuyến chữa bệnh trong phân cấp điều trị".

PGS TS BS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu và các chuyên gia y tế trong và ngoài nước tại Hội nghị. Ảnh: NĐ

BS Dũng phân tích: "Việc quá tải bệnh viện, việc chưa có mạng lưới bác sĩ gia đình ảnh hưởng không tốt đến chất lượng hoạt động của bệnh viện; người dân khó tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí hiệu quả.

Chúng ta đang phải đối đầu với những dịch bệnh mới nổi (gần đây nhất là Zika), kể cả những bệnh truyền nhiễm vẫn có khả năng quay trở lại, những bệnh không lây nhiễm ngày càng nghiêm trọng, tình hình dân số cao lại già hóa nhanh. Tất cả những vấn đề đó là thách thức đối với toàn xã hội mà hệ thống y tế phải đương đầu trực tiếp".

Thừa nhận tầm quan trọng của việc phát triển mạng lưới "Bác sĩ gia đình", PGS TS BS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, hệ thống Y tế Việt Nam đã từng bước phát triển, góp phần quan trọng cho các thành tự y tế. Tuy nhiên, vấn đề quá tải BV đúng là vấn đề còn nhiều thách thức. Do đó, tăng cường, đổi mới y tế cơ sở, xây dựng mạng lưới bác sĩ gia đình là giải pháp căn cơ, bền vững để giải quyết tình trạng quá tải BV, nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống y tế.

PGS TS BS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, ở nhiều nước trên thế giới, 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân do bác sĩ gia đình đảm nhận. Ở những nước tiên tiến, người bác sĩ gia đình có thể xử lý được đến 90% bệnh tật. Sự can thiệp sớm trong chẩn đoán, điều trị chính là giải pháp an toàn nhất, kinh tế nhất để tránh các biến chứng do bệnh tật.

Từ năm 2000, Bộ Y tế Việt Nam đã chính thức công nhận ngành y học gia đình và cho phép đào tạo bác sĩ chuyên khoa Y học gia đình. Đến 6-2016, đã có 336 phòng khám Bác sĩ gia đình được thành lập tại 6 tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, 234 phòng khám bác sĩ gia đình đã thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế cho người bệnh.

TP.HCM: Nhiều dịch bệnh ồ ạt bùng phát, bệnh nhi nằm la liệt ngoài hành lang
 

PGS Ngô Minh Xuân nhận định: "Nếu mô hình Bác sĩ gia đình được đầu tư, phát triển đúng mức sẽ giúp người dân được chăm sóc sức khỏa toàn diện và sẽ chủ động hơn trong phòng bệnh.

Các phòng khám bác sĩ gia đình còn có thể giúp sàng lọc, giải quyết phần lớn các bệnh lý thông thường, giảm bớt các ca chuyển tuyến, góp phần giảm tải BV, giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan và đặc biệt, tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho bệnh nhân, kinh phí bảo hiểm y tế,...

Y học gia đình chính là chìa khóa để giải quyết cùng lúc 2 vấn đề: giảm chi phí y tế và giảm quá tải bệnh viện".

Bệnh nhân thăm khám tại Phòng khám bác sĩ gia đình đặt tại BV Quận 11 TP.HCM. Ảnh: NĐ

Theo BS Nguyễn Thế Dũng, bệnh viện cần phải được trả về đúng vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nó, không phải là nơi điều trị “Sổ mũi nhức đầu”; bệnh viện ngày nay theo xu thế “giảm số lượng giường bệnh – tăng chất lượng giường bệnh – rút ngắn ngày điều trị – giảm ngày tái nhập viện – điều trị ngoại trú – điều trị trong ngày” đáp ứng đúng nhu cầu, tâm lý người dân “không ai bệnh mà muốn nhập viện điều trị vừa bất tiện vừa tốn kém”. Tăng giường bệnh, thêm bệnh viện cần cân nhắc nhiều mặt: “kinh tế – xã hội – mô hình bệnh tật và yếu tố dịch tễ”.

Cũng theo BS Dũng, xây dựng mạng lưới bác sĩ gia đình đã được triển khai một số năm ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây vẫn còn là vấn đề mới cần được nhìn lại, nghiên cứu thực hiện để từng bước hoàn thiện.

Phòng khám bác sĩ gia đình cần được nhân rộng và hiệu quả để góp phần giảm tải BV. Ảnh: NĐ

BS Dũng chia sẻ: "Xây dựng mạng lưới bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế như kiềng 3 chân mới vững, mới thành công, đó là: Pháp luật – Đào tạo – Tổ chức.

Nghĩa là, Pháp luật thừa nhận vị trí, vai trò của mạng lưới bác sĩ gia đình, mới có cơ chế cho hoạt động, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của bác sĩ gia đình trong mối quan hệ với bệnh nhân, với toàn bộ hệ thống y tế, với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Đào tạo phải chuẩn mực, bác sĩ gia đình là một bác sĩ chuyên khoa đa khoa phải giỏi toàn diện mới làm nổi chức năng, nhiệm vụ chăm sóc ban đầu, không chỉ điều trị mà quan trọng hơn là không để bệnh tật xảy ra cho thân chủ của mình từ trong bụng mẹ nếu không thì “chỉ đông mà không tinh”, “chỉ là hình thức” rồi bệnh nhân cũng đổ dồn về bệnh viện.

Tổ chức bác sĩ gia đình là mạng lưới nối kết toàn bộ hệ thống của ngành y tế như vậy mới không lọt được bệnh, không lọt được dịch.

Mối quan hệ giữa bác sĩ gia đình và thân chủ là mối quan hệ thân thương, tôn trọng lẫn nhau, góp phần đem lại hạnh phúc cho nhau. Bác sĩ gia đình hành nghề tự do, hành nghề tư nhân, thực hiện xã hội hóa hoạt động y tế. Chúng ta không nhà nước hóa bác sĩ gia đình mà nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ bằng chế độ, chính sách thiết thực cho bác sĩ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn".

GS TS BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: Mô hình Bác sĩ gia đình được triển khai thí điểm tại TP.HCM từ năm 2014, với 224 phòng khám Bác sĩ gia đình. Cụ thể, 20/23 bệnh viện quận/huyện; 191/319 Trạm y tế phường xã thành lập phòng khám Bác sĩ gia đình; 6 phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân và 7 phòng khám bác sĩ gia đình nằm trong phòng khám đa khoa tư nhân.

Đến nay, sau 2 năm triển khai thí điểm, các phòng khám bác sĩ gia đình nói trên đã khám và điều trị cho 652.261 trường hợp, cấp cứu 922 trường hợp, thủ thuật 5.845 trường hợp, chuyển lên tuyến trên điều trị 3.851 trường hợp. Đã lập hồ sơ quản lý sức khỏe một cách toàn diện, liên tục cho 81.765 bệnh nhân.

Các số liệu trên tuy còn khiêm tốn, nhưng cũng đã thể hiện được sự nỗ lực của các phòng khám bác sĩ gia đình trong giai đoạn đầu thí điểm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang