Chủ quan với đái tháo đường thai kỳ, thai nhi chết lưu
Vừa qua, Khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học y dược TP.HCM vừa tiếp nhận trường hợp của thai phụ Mai Thị C. (30 tuổi, ngụ tại TP.HCM, hiện là quản lý một cửa hàng thời trang). Trước khi mang thai, chị C. có lối sống, chế độ ăn uống và luyện tập rất lành mạnh. Thế nhưng khi bước vào thai kỳ, chị bị nghén nặng nên rất khó ăn trong 3 tháng đầu.
Sau đó, chị C. trở nên thèm ăn và ăn rất nhiều đồ ngọt như bánh kẹo, sô cô la, trà sữa… Mỗi lần khám thai, chị đều được bác sĩ khuyến cáo về nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ và tư vấn chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nhưng do không cảm thấy dấu hiệu gì bất thường mà cân nặng vẫn tăng đều đều, chị C. tin rằng bản thân mình và thai nhi vẫn khỏe mạnh.
Đến tuần thứ 20 của thai kỳ, chị C. đến Bệnh viện kiểm tra đường huyết và được chẩn đoán mắc đái tháo đường thai kỳ. Thế nhưng, thai phụ vẫn tiếp tục chế độ ăn nhiều đường vì không cưỡng nổi cơn thèm ngọt của bản thân.
Vào tuần thứ 37, người bệnh đột ngột không cảm thấy thai máy nữa nên được gia đình đưa đi khám. Các bác sĩ tại Đơn vị Chẩn đoán trước sinh BV Đại học y dược đã siêu âm và phát hiện thai nhi chết lưu trong bụng mẹ.
Ảnh minh họa
TS BS. Trần Nhật Thăng, Trưởng đơn vị Chẩn đoán trước sinh Khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: “Đây là một trường hợp vô cùng đáng tiếc, vì thai phụ đã được cảnh báo về các nguy cơ và tư vấn chế độ dinh dưỡng thai kỳ kĩ lưỡng. Thế nhưng do sự chủ quan của người mẹ đã dẫn đến hậu quả thương tâm cho em bé và buộc các bác sĩ phải chỉ định chủ động chấm dứt thai kỳ".
Bệnh lý nguy hiểm cho cả mẹ và bé
Đái tháo đường thai kỳ là một bệnh lý phổ biến, thường gặp trong quá trình mang thai. Theo thống kê của Hiệp hội Sản phụ khoa thế giới (FIGO, 2015), tỷ lệ mắc đái tháo đường thai kỳ ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 16% trên tổng số thai phụ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đái tháo đường thai kỳ có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe cả mẹ và bé.
Đái tháo đường thai kỳ, bệnh lý nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Ảnh minh họa
TS BS. Trần Nhật Thăng, Trưởng đơn vị Chẩn đoán trước sinh Khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: "Không giống như bệnh lý đái tháo đường thông thường có nguyên nhân từ việc tuyến tụy không sản xuất hay sản xuất không đủ Insulin, đái tháo đường thai kỳ là bệnh lý thai kỳ thoáng qua, xảy ra do những hóc môn kích thích mà bánh nhau tạo ra trong giai đoạn mang thai. Những hóc môn này chính là tín hiệu kích thích để chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ được truyền sang thai nhi, cũng như khiến thai phụ thèm ăn thực phẩm chứa nhiều đường.
Vì vậy, rất nhiều phụ nữ có lối sống lành mạnh, chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lý trước khi mang thai, nhưng khi bước vào thai kỳ, họ lại muốn ăn nhiều đồ ngọt hoặc các thực phẩm được cho là không có lợi cho sức khỏe.
Nếu thai phụ không kiểm soát được sự thèm ngọt của bản thân trong giai đoạn này, cũng như không nhận được sự tư vấn, hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng thai kỳ phù hợp từ các bác sĩ thì nguy cơ thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ là rất cao".
BS. Lê Thị Kiều Dung, Trưởng khoa Phụ Sản đang tư vấn cho thai phụ tầm soát đái tháo đường thai kỳ
Bệnh lý đái tháo đường thai kỳ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ, mà còn để lại nhiều hậu quả trên thai nhi, thậm chí những hậu quả này sẽ tồn tại lâu dài ngay cả sau khi em bé chào đời.
Đái tháo đường thai kỳ khiến thai phụ đối mặt với những nguy cơ như đa ối, sảy thai, sinh non, cao huyết áp, tiền sản giật, sản giật, nhiễm trùng thận, quá trình chuyển dạ kéo dài, sinh khó, sang chấn và băng huyết sau sinh, rối loạn đường huyết dẫn tới hôn mê…
Về phía thai nhi, đái tháo đường thai kỳ sẽ làm gia tăng tỉ lệ dị tật thai, thai nhi dễ bị rối loạn tăng trưởng (thai quá to hoặc quá nhỏ). Thai quá to có thể gặp phải các sang chấn lúc sinh như trật khớp vai, gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay… Thậm chí, thai nhi có thể chết lưu đột ngột do đường huyết tăng quá cao mà không có bất kì dấu hiệu báo trước nào.
Sau khi chào đời, trẻ sơ sinh có mẹ bị đái tháo đường thai kỳ thường dễ bị suy hô hấp, hạ đường huyết, hạ canxi, vàng da…đồng thời gia tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, cao huyết áp, tim mạch khi trưởng thành.
TS BS. Trần Nhật Thăng khuyến cáo, 1.000 ngày đầu tiên của cuộc đời là quãng thời gian quan trọng, có yếu tố quyết định chất lượng sức khỏe của mỗi đứa trẻ. Quãng thời gian này được tính ngay từ lúc mầm sống đầu tiên được hình thành trong bụng mẹ, bao gồm cả giai đoạn mang thai.
Vì vậy, bất kì bất thường nào về sức khỏe xảy ra với thai phụ trong thai kỳ đều có thể trở thành những nguy cơ đối với thai nhi và để lại những hệ lụy sau này. Cho nên, tất cả phụ nữ có thai đều nên thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường huyết (OGTT) uống 75 gram glucose để tầm soát và kịp thời phát hiện, điều trị đái tháo đường thai kỳ.
Bên cạnh đó, thai phụ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý bao gồm thịt, cá, trứng, sữa, rau quả tươi… và hạn chế ăn nhiều đường, tinh bột, chất béo để hạn chế nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ.
Nhằm nâng cao hiểu biết của phụ nữ có thai và cộng đồng về những dấu hiệu cũng như sự nguy hiểm của bệnh lý đái tháo đường thai kỳ, Khoa Phụ sản kết hợp với Khoa Nội Tổng hợp BV Đại học y dược tổ chức Chương trình tư vấn “ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ”. Chương trình sẽ là cơ hội giải đáp thắc của người dân xung quanh căn bệnh này, cũng như chia sẻ những kiến thức cần thiết để các thai phụ có một thai kỳ khỏe mạnh trọn vẹn.
Chương trình diễn ra vào 9h00, thứ bảy ngày 11/11/2017. Đăng ký tham dự miễn phí vui lòng liên hệ: (028) 3952 5449 - (028) 3952 5422.