TP.HCM: Toàn cảnh diễn tập xử lý ngộ độc thực phẩm quy mô lớn tại khu chế xuất

Thứ Sáu, 03/11/2017 11:25  | Ngô Đồng

|

(CAO) Sáng 3-11, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM phối hợp với Sở Y tế TP.HCM và các đơn vị liên quan tổ chức buổi diễn tập xử lý, điều tra ngộ độc thực phẩm có quy mô lớn trong Khu Chế xuất – Khu Công nghiệp trên địa bàn TP.HCM.

PGS TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, buổi diễn tập thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP.HCM. Công ty trách nhiệm hữu hạn Nidec Tosok (đường 16, Khu Chế xuất Tân Thuận, Quận 7) là đơn vị tình nguyện cho công nhân tham gia buổi diễn tập này.

Mục đích diễn tập nhằm chuẩn hóa quy trình điều tra và xử lý ngộ độc thực phẩm (NĐTP) tập thể, cụ thể trách nhiệm, hiệp đồng phối hợp giữa các cơ quan chức năng; rà soát nhân lực, bổ sung phương tiện phục vụ công tác điều tra; kiểm tra năng lực nghiệp vụ chuyên môn để chủ động ứng phó tình huống khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn; kịp thời điều tra, xử lý và xác định nguyên nhân từ đó đề ra giải pháp khắc phục các sự cố do ngộ độc thực phẩm, ngăn chặn thực phẩm bẩn đến với người tiêu dùng.

PGS TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM

Thông qua buổi diễn tập, các doanh nghiệp, trường học có bếp ăn tập thể tự xây dựng được quy trình, phương án phòng ngừa và chủ động xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm tại đơn vị.

Toàn cảnh tình huống giả định về sự việc ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Công Ty TNHH Nidec Tosok (địa chỉ: đường 16, KCX Tân Thuận, Quận 7):

Đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân thực sự là một thách thức không hề nhỏ

An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến sức khỏe con người, được xã hội rất quan tâm. Bảo đảm chất lượng ATTP giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh, duy trì và phát triển nòi giống, tăng cường sức lao động, học tập, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, văn hóa, xã hội và thể hiện nếp sống văn minh.

Bên cạnh đó, thực phẩm nếu không sử dụng đúng cách hoặc bởi vì một lý do nào khác sẽ gây ra nhiều thiệt hại. Thiệt hại chính do các bệnh gây ra… nhưng vấn đề nguy hiểm hơn nữa là sự tích lũy dần các chất độc hại ở một số cơ quan trong cơ thể sau một thời gian mới phát bệnh hoặc có thể gây các dị tật, dị dạng cho thế hệ mai sau.

PGS TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết: "Những năm qua, vấn đề an toàn thực phẩn luôn được các cấp,c ác ngành quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Nhiệm vụ phòng chống ngộ độc thực phẩm để ngộ độc không xảy ra là nhiệm vụ tối quan trọng và được xã hội hết sức quan tâm.

Hiện TP.HCM có 17 KCX - KCN, có 1.167 doanh nghiệp đang hoạt động với số lao động là 285.768 người. Trong đó có 217 doanh nghiệp có bếp ăn tập thể, (124 doanh nghiệp có bố trí nhân sự tổ chức nấu ăn tại chỗ và 93 doanh nghiệp thuê nhà thầu bên ngoài vào nấu), 364 doanh nghiệp nhận suất ăn sẵn từ các cơ sở bên ngoài và 424 doanh nghiệp hỗ trợ tiền cơm cho người lao động.

Ngoài ra, trên địa bàn TP.HCM còn có khoảng 3.000 bếp ăn tập thể, căng tin của hệ thống trường học, bệnh viện,... Do đó, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân thực sự là một thách thức không hề nhỏ.

Mặc dù được quan tâm sâu sát, nhưng thực tế tình trạng ngộ độc vẫn còn xảy ra, đặc biệt là ở các khu chế xuất - khu công nghiệp, làm ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân và hoạt động sản xuất bị đình trệ. Do đó, khi 'Phòng' chưa hiệu quả thì 'Chống' ngộ độc thực phẩm phải thể hiện được vai trò của mình, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về sức khỏe, tinh thần và vật chất của người dân, đảm bảo trật tự xã hội; đồng thời nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm của các đơn vị chức năng trên địa bàn TP.HCM. Thông qua buổi diễn tập, các doanh nghiệp, trường học có bếp ăn tập thể tự xây dựng được quy trình, phương án phòng ngừa và chủ động xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm tại đơn vị".

Bình luận (0)

Lên đầu trang