Bé gái mang khối bướu khổng lồ bằng nửa cơ thể khi vừa lọt lòng mẹ

Thứ Ba, 31/10/2017 10:57  | Ngô Đồng

|

(CAO) Bé gái khi vừa lọt lòng mẹ đã mang một khối bướu có kích thước khổng lồ. Các bác sĩ đã mất 7,5 giờ để bóc tách khối bướu "khủng", cứu mạng bé.

Bé gái Đ.T.C.V. (sinh 6-10-2017) là con một sản phụ ở Tiền Giang. Người nhà cho biết, khi thai nhi được 16 tuần tuổi, có đi siêu âm tiền sản và phát hiện thai có u vùng cổ, ngực bên trái rất to và được theo dõi tại BV Từ Dũ. Bé được chào đời bằng phương pháp sinh mổ chủ động lúc 38 tuần. 3 giờ sau khi sinh, bé lập tức được chuyển đến BV Nhi Đồng 1 TP.HCM để tiếp tục điều trị.

Ths BS Huỳnh Thị Phương Anh, Khoa Ngoại tổng hợp BV Nhi Đồng 1 cho biết, bé được BV Từ Dũ chuyển sang BV Nhi Đồng 1 TP.HCM vì có khối bướu khổng lồ vùng cổ, ngực bên trái sau sinh 3 giờ. Khối bướu có kích thước quá lớn so với bé 10cmx10cmx5cm, giới hạn không rõ.

Do bé còn quá nhỏ, các bác sĩ quyết định theo dõi một thời gian trước khi can thiệp phẫu thuật vì cơ thể mới sinh không thể chịu nổi ca đại phẫu.

Tuy nhiên, sau khi nhập viện, bé có tình trạng sốt cao liên tục (38-39 độ), kích thước khối bướu tăng nhanh, chỉ sau vài ngày bướu đã tăng lên khoảng 5cm - 10cm, to gần bằng một nửa cơ thể bé, da trên bướu nề đỏ.

Bé sơ sinh mang u bướu nặng bằng nửa cơ thể

BS Phương Anh cho biết: "Các kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cho thấy đây là bướu hỗn hợp giữa bướu bạch huyết và dị dạng tĩnh mạch. Bướu có nhiều nang vách, có nang chứa dịch trong, có nang có nhiều mủ đục, thành dày, có nhiều mô viêm, mô hoại tử. Bướu xen lẫn vào lớp thành cơ ngực, thành bụng, lan đến các khoảng liên sườn, dính vào bó mạch nách, đám rối thần kinh cánh tay, có một mạch máu lớn đi vào trong bướu".

Ths BS Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cho bé, vì không thể để lâu hơn khi khối bướu đang có dấu hiệu phát triển to lên rất nhanh, nhanh hơn sự phát triển cơ thể của bé. Hơn nữa, bướu có dấu hiệu nhiễm trùng, đe dọa nhiễm trùng máu, nếu đợi bé lớn hơn một chút mới phẫu thuật thì nguy cơ bé tử vong rất cao.

Ths BS Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cho bé

BS Hiếu cho biết: "Việc phẫu thuật cho em bé lúc nào thực sự là quá trình 'cân não' của các bác sĩ. Nếu mổ quá sớm, bé sẽ không đủ da để ghép và tình trạng chảy máu nếu xảy ra khi bé còn quá nhỏ thì nguy cơ ngưng tim cao hơn người lớn rất nhiều, thậm chí có tử vong ngay trên bàn mổ. Điều lo lắng nữa là bướu lan đến vùng nách, nơi có nhiều mạch máu lớn và hệ thống đám rối thần kinh cực kỳ phức tạp. Nếu không kiểm soát tốt, có thể dẫn đến liệt cả cánh tay".

"Tuy nhiên, theo các kết quả thăm khám, tình trạng bướu ngày một xấu đi, nhiễm trùng lan rộng với các mô hoại tử, đe dọa tính mạng bé vì có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết. Do đó các bác sĩ đã quyết định mổ sớm vì đây có thể là cơ hội duy nhất của bé. Trải qua 7,5 giờ cam go, cuối cùng ca phẫu thuật cũng thành công. Hiện bé đang được theo dõi tích cực sau phẫu thuật", BS Đào Trung Hiếu cho biết.

Hiện tại, bé tỉnh, không sốt, vết mổ khô, không rỉ thêm dịch, da vết mổ hồng hào.

Bé trước và sau phẫu thuật

Hiện tại, bé tỉnh, không sốt, vết mổ khô, không rỉ thêm dịch, da vết mổ hồng hào.

Ths BS Đào Trung Hiếu cho biết, cứ 1000 trẻ em sinh ra thì có khoảng 3 bệnh nhi gặp dạng bướu do dị dạng mạch máu này nhưng bướu "khủng" ở vị trí này và có tính chất phức tạp như vậy thì theo các tài liệu, đây là ca thứ 6 được y văn thế giới ghi nhận.

Bình luận (0)

Lên đầu trang