Triển khai chương trình ngăn ngừa bệnh tim mạch toàn cầu ở Việt Nam

Chủ Nhật, 29/10/2017 13:05  | Nam Anh

|

(CAO) Theo báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong số các bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất thì Tim mạch đang dẫn đầu với tỷ lệ hơn 40% trên toàn cầu.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, Hội Tim Mạch Học Việt Nam và Viện Hàn Lâm Tim Mạch Hoa Kỳ với sự đồng hành của Pfizer đã cùng phối hợp thực hiện Hội thảo chuyên đề “Bệnh lý tim mạch do xơ vữa tại Việt Nam – Các hướng dự phòng tiên phát” được tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM ngày 28-10.

Ước tính có khoảng hơn 500 bác sĩ tham dự chương trình để cập nhật và chia sẻ những kiến thức y khoa cùng với các chuyên gia đầu ngành tim mạch đến từ Hoa Kỳ và Việt Nam.

Hội thảo chuyên đề này là một trong những hoạt động thuộc chương trình giáo dục toàn cầu lớn nhất từ trước đến nay do Viện Hàn Lâm Tim Mạch Hoa Kỳ tổ chức với sự đồng hành của Pfizer. Chương trình này được triển khai trên toàn cầu và đã được thực hiện tại 10 quốc gia, bao gồm: Nga, Ả Rập Saudi, Ai Cập, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Mehico, Argentina, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Việt Nam nhằm hỗ trợ các bác sĩ và hệ thống bệnh viện tiếp cận với những phương pháp chẩn đoán, điều trị cùng với các biện pháp để ngăn ngừa sự gia tăng của các bệnh lý tim mạch, và trang bị kiến thức cần thiết cho bệnh nhân trong việc kiểm soát sức khỏe tim mạch của mình.

Hội thảo chuyên đề này là một trong những hoạt động thuộc chương trình giáo dục toàn cầu lớn nhất từ trước đến nay

Theo báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong số các bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất thì Tim mạch đang dẫn đầu với tỷ lệ hơn 40% trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, chi phí cho chăm sóc, điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng đáng kể với hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Thống kê tại Việt Nam cho thấy cứ 4 người trên 25 tuổi có ít nhất 1 người bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận…. và những bệnh lý tim mạch này cũng đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu. Thực trạng đáng báo động là, trong 12 triệu người mắc tăng huyết áp hiện nay tại Việt Nam, có gần 50% chưa được phát hiện và khoảng 80% có điều trị nhưng chưa đạt được huyết áp mục tiêu .

Ông Bryson Childress, thành viên của Viện Hàn Lâm Tim Mạch Hoa Kỳ cho biết: “Để tạo nên sự thay đổi xung quanh việc điều trị và phòng ngừa các bệnh tim mạch một cách hiệu quả, chúng ta cần tiếp cận các bác sĩ lâm sàng tại nơi họ sinh sống và làm việc, qua nhiều hình thức khác nhau. Với chiến lược lâu dài chúng tôi cam kết cùng Hội Tim Mạch Học Việt Nam thực hiện chương trình theo cách có thể đạt được tác động tối đa và thúc đẩy sứ mệnh của Hội trong việc ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch và cải thiện chăm sóc bệnh nhân trên phạm vi toàn cầu”.

Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh tim mạch, là do sự gia tăng của các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đặc biệt là các hành vi như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý và thiếu vận động thể lực. Đây là các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được. Nếu giảm được những yếu tố nguy cơ này sẽ giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, tại tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là ở hầu hết các trạm y tế xã, phường vẫn chưa cung cấp được các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị lâu dài người mắc bệnh tại cộng đồng.

Theo báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong số các bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất thì Tim mạch đang dẫn đầu với tỷ lệ hơn 40% trên toàn cầu. Ảnh minh họa

Theo điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam, năm 2008 cho thấy có 51,6% bệnh nhân tăng huyết áp nhưng không biết mình bị tăng huyết áp; 38,9% những người có tăng huyết áp nhưng chưa được điều trị đầy đủ và khoảng 63,7% bệnh nhân có được điều trị tăng huyết áp nhưng vẫn không đạt được huyết áp mục tiêu.

Với vai trò đồng chủ tọa tại Hội nghị, GS.TS.BS. Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim Mạch Học Việt Nam nhấn mạnh rằng: “Các bệnh lý tim mạch tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa vì thế việc phòng ngừa bằng các hướng dự phòng tiên phát càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nếu thực hiện tốt việc này có thể giúp giảm đến 75% nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch sớm theo thông báo của WHO 2017”.

Dự phòng tiên phát được định nghĩa là các biện pháp nhằm trì hoãn hoặc ngăn ngừa khởi phát bệnh (có thể có triệu chứng hay không) trên những người chưa có bệnh. Qua đó, giúp xác định những yếu tố nguy cơ cùng với ảnh hưởng của nó đến bệnh lý tim mạch để có biện pháp xử trí phù hợp với những người có nguy cơ mắc bệnh, từ đó giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và ngăn ngừa sự gia tăng của bệnh lý tim mạch. Hành động này cũng phù hợp với nội dung của Quyết định số 4299 ngày 9/8/2016 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia phòng chống các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2016-2020, trong đó có các bệnh về tim mạch.

Đại diện cho đơn vị đồng hành cùng chương trình, ông Bradley Allen Silcox, Trưởng VPĐD Pfizer Thái Lan tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi rất vinh dự được đồng hành cùng Viện Hàn Lâm Tim Mạch Hoa Kỳ và Hội Tim Mạch Học Việt Nam thực hiện chương trình giáo dục toàn cầu này tại Việt Nam. Sự hợp tác này nhằm hiện thực hóa cam kết của chúng tôi trong việc hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ tăng cường kiến thức chuyên môn, phương thức thực hành lâm sàng theo các tiêu chuẩn y khoa quốc tế để cải thiện chất lượng điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người bệnh”.

Trẻ em nghèo bị tim bẩm sinh sẽ được phẫu thuật và can thiệp tim mạch miễn
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang