(CAO) Ít ai để ý rằng, công việc 'bàn giấy' ít vận động lại có nguy cơ gây ra nhiều loại bệnh, trong đó là căn bệnh ung thư vú, ung thư đại tràng,...
Các nhà nghiên cứu ước tính, 5% tất cả những ca ung thư tại Hoa Kỳ ngày nay có liên quan đến lối sống ít vận động. Trên quy mô toàn cầu, đó cũng là nguyên nhân của hơn 135.000 ca tử vong vì ung thư mỗi năm. Trong số đó, cứ 10 trường hợp ung thư đại trực tràng thì có 1 người thuộc nhóm người ít vận động. Các nghiên cứu cũng cho thấy, căn bệnh ung thư vú cũng có liên quan đến lối sống công nghiệp, ít vận động,...
Yếu tố đóng góp chính vào xu hướng này là sự phát triển của công nghệ. Công nghệ cho phép chúng ta thực hiện được nhiều việc bằng cách “lười biếng” hơn. Đã có một sự gia tăng đáng kể các công việc văn phòng, những công việc mà chúng ta có thể thực hiện khi ngồi, thực hiện với máy vi tính. Trong khi đó, hoạt động thể chất như thể dục thể thao cũng bị bị chiếm chỗ bởi việc xem TV, lướt web, chơi game…
Ít vận động có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư vú
Theo TS BS Trần Đặng Ngọc Linh, Trưởng Bộ môn Ung thư Đại học Y Dược TP.HCM, ung thư vú là loại ung thư phổ biến hàng đầu ở phụ nữ Việt Nam và có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.
Yếu tố nguy cơ của bệnh có thể liên quan đến lối sống công nghiệp, ít vận động. Ước tính hiện nay mỗi năm, trên cả nước có trên 11.000 ca mới mắc và khoảng 4.500 ca tử vong do ung thư vú.
Tầm soát ung thư vú bằng nhũ ảnh bắt đầu từ sau 40-45 tuổi giúp phát hiện các tổn thương tiền ung thư hay ung thư vú ở giai đoạn rất sớm, đã được chứng minh giúp giảm tỉ lệ mắc và tử vong do bệnh. Siêu âm có thể phát hiện các ung thư vú ở giai đoạn sớm khi chưa có biểu hiện lâm sàng, tỉ lệ điều trị khỏi cao. Tự khám vú và khám vú định kỳ giúp phụ nữ có cơ hội nhận thức tuyến vú của mình.
chị em phụ nữ sau 40 - 45 tuổi nên tham gia khám tầm soát ung thư vú mỗi 1 - 2 năm/ lần là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư
Với những tiến bộ y học và kĩ thuật điều trị mới, người bệnh ung thư vú có rất nhiều cơ may điều trị khỏi lâu dài, ngay cả các trường hợp phát hiện vào giai đoạn tiến xa, di căn vẫn có cơ hội kiểm soát được bệnh.
TS BS Trần Đặng Ngọc Linh khuyến cáo các chị em phụ nữ sau 40 - 45 tuổi nên tham gia khám tầm soát ung thư vú mỗi 1 - 2 năm/ lần là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để giảm nguy cơ mắc bệnh.
2 - 3 phút có một người chết vì Ung thư cổ tử cung
Đối với ung thư cổ tử cung, ThS BS Lê Thị Kiều Dung, Trưởng khoa Phụ sản BV Đại học Y Dược TP.HCM cho biết đây là loại ung thư ở nữ giới phổ biến thứ 3 trên thế giới với số lượng ca tử vong mỗi năm là 270.000 ca, tương đương 2 - 3 phút có một người chết vì ung thư cổ tử cung. Trong đó, 80% ca tử vong nằm ở các nước đang phát triển.
Ở Việt Nam, ung thư cổ tử cung đứng hàng thứ 2 về mức độ phổ biến, chỉ sau ung thư vú, với khoảng 5.100 ca mắc mới và 2.400 ca tử vong hằng năm. Ung thư cổ tử cung nếu được phát hiện sớm, đặc biệt là tầm soát ở giai đoạn tiền ung thư thì cơ hội chữa khỏi là 100%, tầm soát càng trễ thì tỉ lệ này giảm dần theo giai đoạn. Thêm vào đó, việc tầm soát sớm ở giai đoạn tiền ung thư sẽ giúp người bệnh giảm chi phí và thời gian điều trị do phương pháp điều trị đơn giản nhẹ nhàng, tỉ lệ tái phát thấp, đảm bảo duy trì khả năng sinh sản và chất lượng cuộc sống như ban đầu của người bệnh.
Đa số người dân phát hiện ung thư khi ở giai đoạn muộn
Theo thông tin từ ThS BS Phạm Công Khánh, Phó trưởng khoa Nội Soi BV Đại học Y Dược TP.HCM, tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng là một trong 10 loại ung thư thường gặp với tỉ lệ tử vong đứng hàng thứ 5 ở cả hai giới. Tuy nhiên, tỉ lệ phát hiện Ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm rất thấp chỉ từ 5,3% - 17,2%.
Đa số người bệnh đến khám khi ung thư đã tiến triển, di căn đến hạch hay di căn xa, nên tiên lượng thường xấu, thời gian gian sống còn trên 5 năm chỉ đạt 18% - 85% tùy giai đoạn.
Tầm soát để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, hiệu quả
Với ung thư tiến triển, người bệnh phải điều trị bằng các phẫu thuật phức tạp và có thể phải hóa và xạ trị, nằm viện lâu dài, tốn kém chi phí và tỉ lệ tái phát cao 5 – 10%. Nếu được phát hiện sớm, người bệnh sẽ được điều trị bằng những phương pháp ít xâm lấn có thể bảo tồn được đại trực tràng, tỉ lệ sống còn cao trên 90%, tiết kiệm được thời gian và chi phí điều trị, phục hồi nhanh và tỉ lệ tái phát thường dưới 1%.
Với thông điệp thiết thực “Ung thư – sàng lọc ngay, điều trị trong tầm tay”, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM sẽ phối hợp Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng thuộc Bộ Y Tế tổ chức chương trình “Sàng lọc và phát hiện sớm một số bệnh Ung thư”, cụ thể là Ung thư vú, Ung thư cổ tử cung và Ung thư đại trực tràng cho người dân các tỉnh thành trên cả nước. Chương trình là cơ hội để người dân được khám và tư vấn từ các bác sĩ đầu ngành của Bệnh viện, xét nghiệm tầm soát miễn phí nhằm phát hiện sớm nguy cơ ung thư. Thời gian: 13h00 các ngày thứ Bảy 23/9, 30/9 và 7/10 tại BV Đại học y dược TP.HCM.
Chương trình không chỉ đem đến cơ hội khám tầm soát ung thư miễn phí cho rộng rãi người dân, mà hơn thế nữa còn nhằm mục đích nâng cao ý thức cộng đồng về mức độ nguy hiểm của các loại ung thư thường gặp và ý nghĩa của việc phát hiện sớm trong quá trình chữa trị.
(CAO) Sáng 16-10, tại TP.HCM, Bộ Y tế đã chính thức phát động chiến dịch "Tầm soát ung thư vú ngay khi sang tuổi 40".